Wednesday, June 14, 2023

VNTB – Quân trang và thời trang
Hiền Lương
15.06.2023 4:05
VNThoibao



(VNTB) – Quần áo rằn ri giờ là thứ trang phục đầy nhạy cảm chính trị ở cao nguyên.

 Camouflage, hay Camo – tạm gọi tên tiếng Việt là rằn ri, được hiểu về họa tiết đặc trưng của quân đội. Khi đến với thời trang, Camo trở thành nguồn cảm hứng bất tận và chưa bao giờ lỗi thời, có tính ứng dụng cao, được ưa chuộng cho cả nam và nữ.

Camouflage trong tiếng Anh có nghĩa là sự ngụy trang; sự pha trộn giữa màu xanh và nâu giúp người lính dễ dàng ẩn nấp trong rừng hoặc nhiều địa hình địa lý khác nhau.

Họa tiết Camouflage vốn gói gọn trong những tông màu trầm tối, thường là màu xanh kaki, rêu đậm và nâu. Ngày nay, ngoài hai màu sắc đặc trưng thì Camo xuất hiện thêm nhiều tông màu độc đáo hơn. Chẳng hạn như rằn ri cách điệu đen trắng, Puzzle Piece (mảnh ghép Puzzle) hay Digital (Kỹ thuật số) mới lạ. Vậy nên, các tín đồ thời trang có thêm nhiều sự lựa chọn và cách phối để thể hiện gu cá nhân mới mẻ, tạo điểm nhấn, dấu ấn riêng.


Thời trang rằn ri cao cấp

Với đồng bào Tây nguyên thì đơn giản hơn, trang phục với họa tiết Camouflage vừa tạo phong cách mạnh mẽ, vừa có tính tiện dụng cao, gần như không kén chọn ‘phom’ người mặc.

“Người Tây nguyên rất thích loại trang phục này bởi sự tiện dụng lẫn chất bụi bặm của nó. Tuy vậy sau sự kiện 11-6 vừa qua, thời trang Camo bỗng trở nên rất đáng quan ngại cho không chỉ với người mặc, mà với cả những người sản xuất, kinh doanh nó. Chiếc áo không làm nên thầy tu nhưng rằn ri lại có khi làm nên “khủng bố”. Sắp tới biết đâu có ông/ bà nghị đề xuất luật cấm mặc đồ rằn ri không chừng…” – một nhà báo tự do nhận xét.

Những người được cho là “phản động” trong trang phục rằn ri.

Một nhà báo khác quan sát và trải nghiệm trang phục có chất liệu họa tiết Camouflage, nói rằng với người cao nguyên khi lên rẫy thì đây được thuần là một loại quần áo bảo hộ lao động khá thời trang.

Giá một bộ như vậy hồi chưa có vụ 11-6, giá bán ở chợ Ban Mê khoảng 140 ngàn đồng/ bộ. Rẻ, tiện, bền, giặt nhanh khô và lỡ dơ nhìn cũng không quá gớm là những ưu điểm của thứ trang phục mà có lẽ lúc này nhà chức trách cho rằng đó là “quân trang” nên “thường dân” không được sử dụng.

“Trang phục rằn ri chắc chắn không phải là độc quyền của quân đội và không hề có luật nào cấm mặc đồ rằn ri. Lực lượng biên phòng, không quân đâu có mặc đồ rằn ri. Thậm chí rằn ri cũng có ‘this có that’. Rằn ri của cảnh sát biển khác rằn ri K07, K20 mà.

Cho nên, bắt đồ rằn ri không rõ nguồn gốc chỉ nên được hiểu là bắt đồ “chợ” của mấy cơ sở nhỏ lẻ, trốn thuế chứ nếu do các công ty có tên sản xuất thì nó có gì sai đâu mà bắt. Chuyện bắt ấy nên được hiểu thuần túy là chuyện của thị trường.

Xứ này đôi khi có cái kiểu “nói xa nói gần”, đôi khi là cố tình để người ta hiểu lầm (theo ý đồ của mình) rất là kỳ cục. Chưa kể lực lượng mất khả năng đọc hiểu, tách bạch vấn đề. Cho nên mấy cái như là công khai, minh bạch gì đó, giáo tui hông có tin đâu. Viết giấy kê ba tấc dưới mũi họ còn hông hiểu nữa mà…” – một nhà báo bỡn cợt.

Tuy nhiên về mặt quy định của luật pháp, theo nhận định của một luật sư thì việc tịch thu các trang phục rằn ri “có yếu tố nước ngoài” bày bán tự do ngoài thị trường sẽ căn cứ vào quy định ở Điều 9 Luật Quản lý ngoại thương 2017:

“2. Áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục;

d) Gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

đ) Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.


No comments:

Post a Comment