VNTB – Đảng hãy biết ‘tiên trách kỷ’Ngọc Linh
15.06.2023 3:22
VNThoibao
(VNTB) – Dường như lãnh đạo Việt Nam muốn “Việt hóa” những tên gọi buôn làng ở Tây nguyên.
Với đồng bào Tây nguyên, tên làng có một ý nghĩa thiêng liêng và họ luôn tự hào với tên làng của mình. Vì vậy, khi cộng đồng làng phát triển hoặc có một biến cố nào đó buộc phải dời làng đi nơi khác, đồng bào Tây nguyên luôn cố gắng để giữ tên làng của mình.
Thế rồi khi thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, ghi nhận cụ thể ở tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đã dẫn đến sự xáo trộn trong cách đặt tên các làng đồng bào Tây nguyên.
Người có uy tín A Xim thôn 7A, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà cho biết: Việc sắp xếp địa giới hành chính, tinh gọn bộ máy là chủ trương của Trung ương và của tỉnh, dân làng không có ý kiến gì.
Tuy nhiên, trong quá trình sáp nhập thôn, làng, tên của hầu hết các thôn trong xã đều đã bị thay đổi. Điều này làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Già A Xim lấy ví dụ: Như thôn 7A, trước đây là làng Kon Rơ Ngang, thôn 3 là làng Kon Hra… dân làng quen gọi như vậy từ xa xưa, bởi Kon Rơ Ngang là tên một con suối chảy bao quanh làng, Kon Hra là làng có nhiều cây sung…
Hơn cả một con suối, cây sung, Kon Rơ Ngang, Kon Hra và nhiều tên làng khác còn là một địa danh đã gắn bó với tuổi thơ của nhiều người cao tuổi khác trong làng. “Con suối là nguồn sống, là ký ức bao đời của dân làng chúng tôi, đổi tên làng bằng những con số như 7A, 7B là không phù hợp, không đúng với bản sắc văn hóa truyền thống và mong muốn của bà con”, già A Xim trầm ngâm nói.
Theo những Người có uy tín trên địa bàn xã Đăk Ui, cũng như ở thôn 7A, 10/11 thôn, làng trên địa bàn xã Đăk Ui (làng Kor Tu, làng Kon Hra, làng Đăk Kơ Đêm…) đã được đổi tên bằng những con số, như: thôn 7B, thôn 1, thôn 2…
Bỏ quên tiếng nói người dân trong các chính sách được nhân danh sự tốt đẹp của Đảng, là điều dường như sai lầm mà sợi dây kinh nghiệm tiếp tục… rút hoài không hết.
“Chủ đầu tư xây dựng nhà cho đồng bào (cách người Ê Đê tự xưng về mình) nhưng không trao đổi với cộng đồng buôn để tìm hiểu phong tục, tập quán, chỉ làm theo ý chủ quan của mình” – một người dân Tây nguyên có nhận xét như vậy về các dự án “Nhà văn hóa cộng đồng”.
Trong quan niệm của người Ê Đê thì có Giàng bắc, Giàng nam nên khi làm nhà phải làm cửa theo hai hướng này để đón Giàng. Tuy nhiên Nhà văn hóa cộng đồng tại buôn Sút M’Grư này lại làm hướng đông – tây.
Kết cấu một ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê phải có gian Gah, phía cửa chính (nơi dành để tiếp khách là người lớn tuổi, khách nam), phần còn lại gọi là Ôk (nơi dành cho phụ nữ) để tiếp khách khi nhà có việc.
Gian Gah là nơi gia chủ còn dùng để cúng thần linh, nơi đặt ghế k’pan để diễn tấu cồng chiêng… “Với người Ê Đê, phụ nữ và đàn ông, người già không ngồi chung hay ngồi xen kẽ mà phải theo đúng vai vế (về độ tuổi, giới tính), vị trí trong gian Gah, gian Ôk. Tuy nhiên, các Nhà văn hóa cộng đồng hiện nay lại mang hình thức của những phòng họp nên người dân ngại đến.
Có nơi còn lấy mẫu nhà dân tộc này xây dựng cho dân tộc kia như ở buôn Cư Ðrăng, xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), dân cư chủ yếu là người Xê Đăng (văn hóa nhà rông) nhưng chủ đầu tư lại xây dựng kiểu nhà dài của người Ê Đê.
Trong truyền thống của người Ê Đê không có nhà sinh hoạt tại nhà cộng đồng, nhà rông như một số dân tộc khác. Mọi việc sinh hoạt đều diễn ra tại nhà dài của gia đình, dòng họ, già làng nên việc xây dựng một nhà dài chung mà Đảng và Nhà nước nhân danh các chính sách nhân đạo, là điều khá mới mẻ, xa lạ.
Các sinh hoạt cộng đồng của người bản địa đều phải có lý do như mừng lúa mới, mừng con cái trưởng thành, mừng sức khỏe… và đều phải làm thịt gà, heo, bò, có đánh trống, diễn tấu cồng chiêng. Trong các cuộc vui ấy, tôn ti trật tự rất được coi trọng…
No comments:
Post a Comment