Saturday, June 3, 2023

VNTB – Cơ quan điều tra, viện kiểm sát … kém nghiệp vụ?
Hà Nguyên – Cát Tường
03.06.2023 3:19
VNThoibao



(VNTB) – Toà trả hồ sơ để viện kiểm sát điều tra bổ sung khi chưa mở phiên xét xử

 Phiên xét xử chưa được mở, vậy thì việc tòa ‘trả hồ sơ để viện kiểm sát điều tra bổ sung’, cho thấy phải chăng ở vụ án cụ thể này các bên liên quan là cơ quan điều tra, viện kiểm sát đã… kém nghiệp vụ?

Chưa mở phiên tòa thì làm sao biết điều tra thiếu sót?

Luật sư Lê Trọng Hùng ý kiến rằng việc “trả hồ sơ để điều tra bổ sung” khi trên thực tế chưa có bất kỳ phiên tòa nào được mở để xét xử, cho thấy tòa án ở Việt Nam có sự khác biệt về vấn đề “độc lập xét xử” trong vụ án hình sự.

“Độc lập xét xử trong án hình sự là như thế nào? Đó là truy tố tội nào xét xử tội đó, không có chuyện trả lại hồ sơ điều tra lại. Toà án chỉ phán quyết có tội hay không có tội theo cáo trạng truy tố. Toà án chỉ là người nghe các bên buộc tội và gỡ tội. Trong quá trình xét xử, tòa án hướng dẫn các bên đi vào đúng chủ đề của vụ án theo đúng trình tự tố tụng. Khi các bên hết ý kiến, tòa án sẽ ra phán quyết bằng bản án.

Suốt quá trình xử án, tòa án không tham gia xét hỏi để đảm bảo tính khách quan, cũng không định trước thời gian xét xử, và không có phần nhận định trong bản án. Tùy theo tính chất vụ án sẽ có bồi thẩm đoàn với nhiệm vụ duy nhất là nghe các bên trình bày (không được hỏi hoặc thẩm vấn) sau đó ra quyết định có tội hay vô tội.

Tố tụng hình sự ở các nước tiên tiến quy định quá trình điều tra, truy tố và xét xử diễn ra cùng một lúc” – luật sư Lê Trọng Hùng tóm tắt về quan điểm của việc độc lập xét xử của tòa án.

Tòa dự tính phán thêm tội cho các bên thì nên là thủ tục kháng nghị

Với lập luận trên khi mang so với việc tòa án trả hồ sơ vụ bà Nguyễn Phương Hằng với lý do “điều tra bổ sung” khi mà phiên tòa chưa mở theo trình tự tố tụng, cho thấy mặc dù pháp luật tố tụng có điều khoản cho phép, song tính thuyết phục về sự công tâm trong xét xử sẽ là một khập khiểng, ít nhất là ở vụ án bà Nguyễn Phương Hằng.

Cụ thể, tòa yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM làm rõ ba nội dung. Thứ nhất, làm rõ các yêu cầu bồi thường của 10 cá nhân có đơn tố giác bà Nguyễn Phương Hằng. Hiện nay những người này chưa cung cấp tài liệu chứng minh thiệt hại nên tòa án chưa có đủ căn cứ giải quyết.

Thứ hai, ông Huỳnh Uy Dũng với tư cách chủ tịch hội đồng quản trị, bà Hằng với tư cách tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam đã có những lần livestream ở Công ty Đại Nam, ở nhà riêng… Do đó Tòa án nhân dân TP.HCM yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM làm rõ hành vi của ông Dũng có đồng phạm với bà Hằng hay không. Hiện chưa có kết luận về điều này.

Thứ ba, ngoài tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đã bị Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM truy tố, Tòa án nhân dân TP.HCM còn đề nghị làm rõ hành vi của bà Phương Hằng và bốn đồng phạm có dấu hiệu của tội làm nhục người khác, vu khống người khác theo điều 155, 156 Bộ luật hình sự.

Pháp luật tố tụng cho phép, nhưng…

Tại Khoản 2 Điều 174 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần, và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần”.

Theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã giới hạn cụ thể trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, tòa án có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần, và tại phiên tòa, tòa án có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần. Như vậy, so với quy định tại Khoản 2 Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã giảm số lần tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung từ “hai lần” xuống còn “một lần”.

Trường hợp tòa án quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung thì viện kiểm sát phải xem xét căn cứ của việc yêu cầu điều tra bổ sung và giải quyết như sau:

Một, nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, thì viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ; trường hợp viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

Trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung bản cáo trạng trước đó thì viện kiểm sát phải ra bản cáo trạng mới thay thế và chuyển hồ sơ đến tòa án. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án thì viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho tòa án biết.

Hai, nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không có căn cứ thì viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do, giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho tòa án.

Thẩm phán cần lắng nghe đa chiều tại phiên xét xử

Theo nhóm luật sư thân hữu của trang Việt Nam Thời Báo, thì trong thực tế có nhiều trường hợp, thẩm phán thụ lý vụ án khi nghiên cứu hồ sơ thấy có chứng cứ chưa rõ hoặc có quan điểm đánh giá chứng cứ khác với quan điểm của cơ quan điều tra và viện kiểm sát nên đã trả hồ sơ điều tra bổ sung khi chưa đưa vụ án ra xét xử, chưa thẩm tra chứng cứ thiếu sót thông qua việc xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa.

Để tránh trường hợp trên và tránh việc lạm dụng trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi nghiên cứu chưa kỹ hồ sơ thì pháp luật tố tụng cần quy định theo hướng chặt chẽ hơn: Tại phiên tòa, nếu qua quá trình xét hỏi, tranh luận mà thấy có chứng cứ quan trọng chưa được điều tra làm rõ, hoặc phát sinh tình tiết mới không thể làm rõ tại phiên tòa thì mới được trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Quy định trên khi đặt trong nhận xét của luật sư Lê Trọng Hùng ở phần đầu bài viết này, cho thấy là cách mà các tòa án nhiều quốc gia đang thực hiện.

Đối với trường hợp tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi “việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng”, thì cần quy định rõ hơn về hành vi vi phạm thủ tục tố tụng theo hướng làm rõ những vi phạm đó là những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng mà gây xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng, chẳng hạn như bị can.

Đối với trường hợp nói trên thì cũng cần phải có thêm điều kiện là tòa án không thể tự mình bổ sung được, nên cần phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.


No comments:

Post a Comment