VN: Vì sao công an 'truy tìm' ba luật sư nhân quyền bào chữa vụ Thiền Am
13 tháng 6 2023
BBC
NGUỒN HÌNH ẢNH,MANH DANG
Luật sư Nguyễn Văn Miếng (trái) và luật sư Đặng Đình Mạnh (phải) là hai trong số ba luật sư đang bị công an Long An truy tìm
Công an tỉnh Long An ra quyết định truy tìm ba luật sư từng tham gia bào chữa vụ "tịnh thất Bồng Lai", sau khi mời nhiều lần nhưng vắng mặt.
Ba luật sư đang bị Công an tỉnh Long An truy tìm là LS Nguyễn Văn Miếng (57 tuổi), LS Đào Kim Lân (56 tuổi), LS Đặng Đình Mạnh (55 tuổi), cũng là những người từng tham gia bào chữa vụ án Tịnh Thất Bồng Lai.
Vụ án xảy ra ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự. Nay các luật sư bào chữa cho vụ án cũng bị điều tra theo Điều 331 này.
Báo Tuổi Trẻ viết, đầu tháng 3, Công an tỉnh Long An đã tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an.
Theo đó, các luật sư có dấu hiệu tội phạm "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" bằng hành vi đăng tải hình ảnh, có những phát ngôn, bài viết lên mạng thông qua các video.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An nói đã gửi giấy triệu tập nhiều lần cho ba luật sư nhưng họ đều không đến làm việc và không có lý do vắng mặt. Vì vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định truy tìm ba luật sư nói trên.
Ngày 12/4, báo Pháp Luật TP HCM dẫn thông tin từ Công an Long An cho hay LS Đặng Đình Mạnh bị cơ quan này triệu tập lần hai nhưng vẫn vắng mặt. Trước đó, ngày 21/3, ông Mạnh cũng đã bị triệu tập.
Báo Tuổi trẻ cũng thông tin thêm, công an phường xác nhận các luật sư "không có mặt tại địa phương" và "không liên lạc được".
Bình luận với BBC News Tiếng Việt ngày 13/6 về việc công an phát lệnh truy tìm ba luật sư, phát ngôn viên của Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) cho rằng, thay vì chấm dứt các điều tra hình sự sai trái nhắm vào các luật sư nhân quyền, nhà cầm quyền Việt Nam lại gia tăng sách nhiễu bằng việc ra quyết định truy tìm họ.
"Những cuộc điều tra hình sự phi lý này nhắm vào các luật sư nhằm làm suy yếu công việc của họ với tư cách là luật sư và việc họ thực hành quyền tự do ngôn luận vốn được luật nhân quyền quốc tế bảo vệ," người phát ngôn của ICJ nhận định.
Đồng thời ICJ cũng lên án Điều 331 của BLHS Việt Nam, cho rằng điều này có những lổ hỏng nghiêm trọng vì thiếu tính chính xác và rõ ràng, đã hạn chế hoạt động hợp pháp của các luật sư và những người bảo vệ nhân quyền.
NGUỒN HÌNH ẢNH,TUỔI TRẺ ONLINE
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW khu vực châu Á nói với BBC ngày 13/6 về diễn biến "truy tìm":
"Việt Nam đã thường xuyên không cho những người bị buộc tội dưới nhãn "an ninh quốc gia" quyền tiếp cận luật sư và thăm gặp người thân, nhưng điều đó là chưa đủ và bây giờ họ đang hình sự hóa cả các luật sư.
"Việc buộc tội các luật sư bào chữa cho thân chủ của họ hoàn toàn làm suy yếu tuyên bố của chính phủ Việt Nam rằng họ tôn trọng pháp quyền," ông Robertson kết luận.
Hồi tháng 3 và tháng 5, ICJ đã gửi thư tới Bộ Tư pháp Việt Nam (MOJ) và Bộ Công an (MPS) kêu gọi chấm dứt việc tiếp tục sách nhiễu và điều tra hình sự các luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng theo Điều 331 BLHS Việt Nam.
Trong hai thư ngỏ của ICJ gửi đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, ICJ nói rằng cuộc điều tra hình sự đối với Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn miếng dường như có liên quan đến việc của các luật sư đã bào chữa trong các vụ án có vẻ nhạy cảm, bao gồm cả vụ án Tịnh Thất Bồng Lai.
Hiện Việt Nam có hơn 170 tù nhân chính trị đang thụ án, và khoảng 30 người khác đang bị giam giữ trước khi xét xử. Việt Nam cũng có số lượng tù nhân chính trị đứng sau song sắt cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Myanmar và Việt Nam dùng án tử với tỷ lệ cao hơn bất kỳ chính phủ nào khác trong ASEAN.
Chỉ trong vòng 10 năm, theo ông Phil Robertson, tình hình nhân quyền ở Việt Nam được cho là "đi từ tồi tệ đến tệ hại hơn rất nhiều" và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện xây dựng một vòng kềm tỏa không chỉ đối với các tổ chức phi chính phủ này mà còn cả nguồn tài trợ nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ địa phương.
Đại diện HRW nói rằng, Việt Nam đã "vũ khí hóa luật vi phạm nhân quyền", và "không có công lý, và không có sự độc lập trong ngành tư pháp của Việt Nam".
Báo cáo của Dự án 88 ra mắt hồi 25/4 mang tên The Vietnamese Four - "Bộ tứ Việt Nam".
Bộ tứ Việt Nam mà Dự án 88 nói đến là bốn nhà hoạt động Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương.
Bà Ngụy Thị Khanh được trả từ do hôm12/5, sớm hơn thời hạn là 5 tháng.
Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau đó, Việt Nam bắt giữ một Anh hùng Khí hậu là bà Hoàng Thị Minh Hồng, cũng với tội danh trốn thuế.
Chính phủ các nước như Mỹ, Đức và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc đã lên tiếng chỉ trích việc Hà Nội bắt giữ bà Hồng. Cơ quan đặc trách nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhắc lại bà Hồng là nhà hoạt động môi trường thứ 5 bị bắt về tội trốn thuế ở Việt Nam trong vòng hai năm qua.
Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đều cho rằng các vụ bắt giữ nói trên nằm trong xu hướng rộng hơn của chính quyền Việt Nam trấn áp xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam.
Tin liên quan
VN: ICJ lên án việc điều tra LS Đặng Đình Mạnh vì vụ Tịnh Thất Bồng Lai17 tháng 3 năm 2023
Việt Nam bị phê phán đã bỏ tù các nhà hoạt động môi trường vì 'động cơ chính trị'25 tháng 4 năm 2023
Vụ Đường Văn Thái hiện ra sao sau nghi vấn 'bị bắt cóc' ở Thái Lan?26 tháng 4 năm 2023
No comments:
Post a Comment