Công an phạt tiền nhiều người dân bình luận về vụ Đắk Lắk - "càng phạt càng kích thích người dân tìm hiểu"
2023.06.14
RFA
Tống đạt quyết định xử phạt hành chính đối với Nguyễn Ngọc T.Công an Nhân dân online
Bộ Công an khuyến cáo báo chí nhà nước cần kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, trong khi tăng cường xử phạt người dân đưa tin tức hay bình luận trên mạng xã hội về vụ nổ súng ở Đắk Lắk.
Cho đến ngày 14/6, có ít nhất năm người dân bị công an gọi lên làm việc và bị phạt hành chính với mức phạt 5,5 triệu đồng-7,5 triệu đồng vì có các bình luận bị cho là "xuyên tạc" trong vụ việc nghiêm trọng vừa qua.
Các tờ báo đưa tin rầm rộ cho rằng, những người này bị xử phạt “về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” hay "cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức, danh dự nhân phẩm cá nhân” quy định tại Khoản 1, Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của HRW bình luận qua tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào ngày 14/6:
"Thật lố bịch khi Chính phủ Việt Nam đang cố gắng kiểm duyệt những người bình thường nói về vụ tấn công ở Đắk Lắk, và những hình thức phạt tiền này không nên áp đặt đối với bất kỳ ai đơn giản chỉ vì chia sẻ thông tin.
Thực tế, Chính phủ Việt Nam hầu như không cung cấp thông tin rõ ràng về những gì đã xảy ra, do vậy, việc người ta nói về những gì họ cho là đã xảy ra là chuyện đương nhiên.”
Theo ông, nếu các cơ quan chức năng của Việt Nam muốn chấm dứt đồn đoán về các sự kiện ở Đắk Lắk thì họ nên“đưa ra những giải thích rõ ràng, khách quan và chi tiết về vụ tấn công, bao gồm thông tin chính xác về những người bị thương và thiệt mạng, và những người mà Chính phủ đã bắt giữ."
Báo chí cần nhìn vụ việc ở nhiều góc độ
Theo báo Người Lao động, Hà Tĩnh là tỉnh có ba công dân bị mời lên đồn công an về các bài viết mình về vụ tấn công xảy ra vào sáng sớm của ngày 11/6. Cả ba người (chỉ nêu tên viết tắt) bị phạt mỗi người 7,5 triệu đồng và bị buộc phải xoá bài.
Trang Facebook Thông tin Chính phủ đưa tin vào chiều 13/6, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an tỉnh Khánh Hòa đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin với số tiền 7,5 triệu đồng đối với ông Nguyễn Ngọc T. ở thành phố Nha Trang.
Trang tin online của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng đưa tin ông T.R. bị nhà chức trách tỉnh Quảng Nam xử phạt 5,5 triệu đồng vì đăng tải bài viết trên trang Facebook cá nhân với nội dung “Truy bắt nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở Công an xã tại Đắk Lắk” kèm bình luận “sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức.”
Trong cả năm trường hợp nêu trên, báo chí không đưa chi tiết các tin hoặc bình luận của những người bị phạt hành chính mà chỉ nói họ đều thừa nhận sai phạm và chấp hành yêu cầu xoá bài.
Luật sư Lê Quốc Quân nói với RFA trong sáng 14/6, cho rằng các thông tin của báo Nhà nước đưa ra đều "không đầy đủ và hoàn toàn một chiều.” Ông nói:
“Thông tin chính thống của nhà nước (về việc xử phạt- PV) cũng rất mơ hồ, ví dụ xử phạt ông A rồi ông R với số tiền bao nhiêu vì đã đưa tin sai sự thật rồi xúc phạm uy tín danh dự của tổ chức và công dân nhưng mà thực tế thì ông đó là ông nào, ông đưa tin sai sự thật thì sai cái gì, xúc phạm thì xúc phạm ai, bằng câu nào, chứng từ nào thì không hề thấy được đưa ra."
Ngay sau vụ tấn công, nhà chức trách Việt Nam yêu cầu các tờ báo thận trọng trong việc đưa tin, chỉ được đưa tin kiểm chứng từ phía công an. Luật sư Lê Quốc Quân thì có ý kiến khác:
“Đây là một sự kiện rất là hay, lẽ ra thông tin và báo chí phải được khai thác ở rất nhiều góc độ khác nhau với nhiều phương diện khác nhau và đặc biệt là cần phỏng vấn trực tiếp của những người có liên quan để nhân dân được biết và người đọc cảm thấy được tôn trọng vì mình được cung cấp đầy đủ thông tin.
Nhưng mà bây giờ Ban Tuyên giáo đã chỉ đạo rất rõ ràng là chỉ được đưa tin theo tinh thần của Bộ Công an mà thôi, và thứ hai là kiểm soát chặt chẽ phần bình luận thì tôi nghĩ ở đây họ đã quyết định như vậy và họ làm chủ toàn bộ cuộc chơi về thông tin này rồi thì việc bình luận về mặt pháp lý nếu có sau những thông tin đó thì hoàn toàn phụ thuộc vào thông tin họ đưa hết sức mơ hồ và không rõ ràng.”
Ông cho rằng tự do báo chí và tự do ngôn luận càng ngày càng đi xuống với việc người dân bị bịt miệng còn báo chí cũng tự kiểm duyệt và đưa tin rập khuôn và một chiều, hoàn toàn theo thông tin của Bộ Công an.
"Càng phạt càng phản tác dụng"
Từ Đức, nhà văn Võ Thị Hảo cũng có cùng ý kiến về tự do thông tin và tự do báo chí. Bà nói với phóng viên:
“Có thêm người đưa tin, những nguồn tin độc lập, về vụ việc đã xảy ra ở Đắk Lắk, tôi nghĩ đó là một điều tốt. Không nên cấm hoặc xử phạt những người như thế.
Đây chẳng qua là hành động của nhà chức trách họ muốn rằng thông tin là thông tin hoàn toàn chỉ từ một nguồn là họ cung cấp, và như thế khiến người ta nghi ngờ về cái sự khách quan về thông tin và sự minh bạch, công bằng trong việc xử lý vụ việc này.”
Một nhà quan sát thời sự ở Hà Nội, bình luận trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:
“Hiện nay, phía công an chưa công bố chính thức nguyên nhân nhóm dân này tấn công trụ sở UBND hai xã. Do vậy, nếu họ càng phạt thì càng phản tác dụng, kích thích người dân tự tìm hiểu.
Không dưng mà hàng chục con người chuẩn bị vũ khí một cách công phu để liều mạng, trong khi không liên quan đến một vụ cưỡng chế đất nào đang xảy ra.
Nhà nước không kịp thời công bố chính thức nguyên nhân sự việc mà sốt sắng phạt người đưa tin, bình luận thì sự thật càng chóng phơi bày trong thế giới phẳng này.”
Xử phạt người bán quần áo rằn ri: Tâm lý “con én sợ cành cong"
Theo một số video phát tán trên mạng xã hội, trong vụ tấn công vào trụ sở Uỷ ban Nhân dân hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur ở huyện Cư Kuin, phần lớn những nghi phạm đã mặc quần áo rằn ri, kiểu quân đội mà người dân thường mặc để đi rừng, làm rẫy.
Một vài ngày sau, cơ quan quản lý thị trường ở hai tỉnh Đắk Lắk và Kon Tum đồng loạt ra quân để kiểm tra các cơ sở buôn bán quần áo và tìm kiếm quần áo rằn ri đã qua sử dụng và chưa qua sử dụng.
Truyền thông nhà nước đưa tin cơ quan chức năng ở hai tỉnh này đã phát hiện nhiều cơ sở buôn bán quần áo có số lượng hàng ngàn bộ quần áo rằn ri, cả cũ và mới, và đã phạt hành chính và thu giữ hàng nghìn bộ quần áo, mũ và thắt lưng vì không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Báo Nhà báo & Công luận đưa tin Cục Quản lý thị trường Kon Tum xử phạt 50 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Vũ Thị Nguyệt (trú tại thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) vì hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là hàng hóa cấm nhập khẩu có giá trị 50 triệu đồng. Cơ quan chức năng đã phát hiện cửa hàng của bà Nguyệt có bày bán 1.000 bộ quần áo rằn ri mang nhãn hiệu nước ngoài thuộc danh mục cấm nhập khẩu, không có chứng từ chứng minh tính hợp pháp.
Báo Sài Gòn Giải Phóng online đưa tin cơ quan chức năng phát hiện hơn 1.000 bộ quần áo, mũ rằn ri và thắt lưng đã qua sử dụng tại cơ sở kinh doanh ở thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) mà chủ cơ sở buôn bán không xuất trình được hoá đơn chứng từ. Nhà chức trách đã tạm giữ số hàng trên để xử lý theo pháp luật.
Nhà bình luận thời sự ở Hà Nội cho rằng, việc truy tìm và thu giữ quần áo rằn ri cũng giống như hành động mới đây phản đối đồng xu lưu niệm 50 năm kết thúc cuộc tham chiến của Australia trong Chiến tranh Việt Nam, hay cấm cờ vàng, thể hiện một tâm thế ti tiện, hoảng loạn như "con én sợ cành cong." Nó không có cơ sở pháp lý nào mà lại gây cười trong khi hàng giả, hàng cấm thì tràn lan không ai quản lý được.
Luật sư Lê Quốc Quân bình luận về việc xử phạt bán quần áo rằn ri:
“Theo tôi, chuyện này hết sức trẻ con và mơ hồ. Nó như kiểu phản ứng một cách giật mình, bởi vì tôi thấy khái niệm ‘áo rằn ri’ không hề có trong luật pháp hay là sự điều chỉnh thế nào là rằn ri. Thực chất đó là vải vóc và nếu trên đó có phù hiệu hay gì đó mà không đúng thì điều đó được điều chỉnh bằng pháp luật rồi.
Với tư cách là cơ quan quản lý thị trường thì phải thường xuyên giám sát các hoạt động đấy. Pháp luật đã quy định thì có nghĩa là phải được thực thi thường xuyên và liên tục trong hệ thống giám sát hay là điều hành pháp luật nói chung chứ không phải là tự nhiên nghe nói có sự kiện như vậy rồi bắt đầu tiến hành xử phạt gọi là quần áo rằn ri.”
Nhà văn Võ Thị Hảo thì cho rằng đây lại là một sai lầm nữa sau sai lầm kiểm soát thông tin. Bà nói:
“Tôi nghĩ rằng đây lại là một cái sai nữa, lần này là của đội quản lý thị trường hay là những người đứng sau lệnh này. Quân đội Việt Nam cũng sử dụng quần áo rằn ri. Nếu trước giờ cho phép ở ngoài người ta mặc thì tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường.
No comments:
Post a Comment