‘Ngọn lửa Tây nguyên’: cháy tiếp hay sẽ bị dập tắt?Trần Đông A
13/06/2023
VOA
Chiều 12/6, theo báo CAND, Trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công an cho biết, tính đến 18h30 cùng ngày, Công an đã bắt thêm 1 đối tượng trong vụ tấn công vào UBND xã tại huyện Cư Kuin, Đak Lak, nâng tổng số người bị bắt lên 27. Một ngày sau khi xảy ra vụ việc, sáng 12/6, Đoàn công tác của Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Trưởng đoàn đã thăm, viếng và động viên tinh thần gia đình các nạn nhân. Tại các nơi thăm, viếng, Phó Thủ tướng đã động viên các nạn nhân và gia đình, đồng thời yêu cầu các cấp chính quyền tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ về đời sống tinh thần đối với gia đình các nạn nhân.
Tấn công một lúc hai đồn Công an
Trở lại với tin từ VnExpress, khoảng 0 giờ 35 phút ngày 11/6, tại địa bàn xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin có một nhóm khoảng 10 người mặc đồ rằn ri, đi xe máy kéo đến trụ sở Uỷ ban và Công an xã Ea Tiêu. Sau khi triệt hạ hai công an, nhóm này ra ngã ba Ea Sim, quốc lộ 27, chặn ôtô bán tải và bắn chết tài xế. Cùng lúc, một nhóm khác gồm 30 người đi hai xe Jeep và xe máy, tấn công trụ sở UBND và Công an xã Ea Ktur. Nhóm này dùng súng và dao tấn công một thiếu tá 42 tuổi, một đại uý 35 tuổi và hai thượng uý 21 – 29 tuổi. Gây án xong, nhóm này bắn Bí thư, Chủ tịch xã và một thanh niên. Tuy nhiên, bản tin này của VnExpress đã bị gỡ bỏ khỏi trang sau vài phút đăng tải. Báo chí sau đó đăng lại về vụ việc, nhưng không công bố cụ thể số thương vong, chỉ nói "làm chết và bị thương một số cán bộ xã, công an xã và người dân".
Sau vụ bạo động, ông Phan Minh Tiến từ huyện Cư Kuin nói với BBC: "Người dân ở đây có nhiều luồng suy nghĩ. Những người nông cạn sẽ phán ngay nhóm tấn công là quân phản loạn, là Fulro, khủng bố, thậm chí là tàn tích của nhà nước Đề Ga... Còn người có hiểu biết thì rất dè chừng, không dám nói thẳng. Họ hiểu là có rất nhiều những xung đột có thể dẫn đến kết cục như vầy… Chẳng hạn như những cuộc cưỡng chế đất đai bằng dùi cui, roi điện. Hay những cuộc đàn áp người dân tộc biểu tình cho nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt của họ bị xả thải ô nhiễm. Tuy nhiên, hầu như tất cả đều đồng tình rằng dùng vũ lực như vầy, nhất là làm thiệt mạng cả dân thường là sai trái." Tuy Bộ Công an chưa đưa ra thông báo chính thức về nguyên do vụ việc, các trang Facebook thân chính phủ đều chĩa mũi dùi về nhà nước Đề Ga hay Fulro.
Sáng ngày 11/6, ngoài VnExpress, trang báo Công thương cũng đăng tin về vụ việc nhưng sau đó gỡ bài. Vài tiếng đồng hồ sau, các báo đồng loạt đăng tin giống nhau, đều đưa lại tin từ Bộ Công an. Bài trên VnExpress mô tả các đối tượng gây án cùng thông tin "bước đầu ghi nhận có 7 người tử vong, 3 người bị thương" cũng nhanh chóng bị đục bỏ. BBC nhận được tin, Ban Tuyên giáo ra chỉ đạo: báo chí phải "chấp hành tuyệt đối kỷ luật thông tin, chỉ đăng theo tin của Bộ Công an; không mở rộng thông tin, kiểm soát chặt chẽ bình luận." Một nhà báo giấu tên từ Việt Nam nói với đài, trong tình hình có những vụ việc chấn động như thế, báo chí thay vì đóng vai trò phục vụ bạn đọc bằng cách tường thuật nhiều chiều, thì phải chịu cảnh làm cái loa phát ngôn của chính quyền.
Một nick name có tên Minh Đức bình luận trên VOA: “Người Thượng vùng Tây Nguyên sau 1975 đã bị mất đất vì chính quyền đem hàng triệu dân từ miền Bắc vào Tây Nguyên lấy đất làm đồn điền, đẩy người Thượng phải đi vào vùng rừng núi sâu, xa nguồn nước, đất đai cằn cỗi. Để chống lại người Thượng, nhiều người từ miền Bắc vào là cựu bộ đội và họ được chính quyền phát súng để bảo vệ cho gia đình họ. Điều kiện sinh sống khó khăn khiến cho dân số người Thượng ngày càng giảm dần. Năm 1996, ở Kon Tum có lần có hơn sáu ngàn người Thượng mang cung nỏ, giáo mác kéo về chiếm tỉnh lỵ. Nhà nước đem quân đội đến đàn áp và vùng này bị vây cấm người Kinh đi lên đấy mấy năm sau. Chỉ có ai có giấp phép đặc biệt mới được đi vào vùng ấy. Người Thượng yếu không chống lại được sự bành trướng cướp đất của người Kinh nhưng nỗi oán hận thì không bao giờ nguôi”.
Họa phúc phải đâu một buổi
Nhóm người nói trên hành động có tổ chức hay đơn lẻ, hành động xong họ rút đi đâu, có bắt theo con tin nào mang đi theo là những vấn đề chưa thể biết. Tuy nhiên xung đột sắc tộc, đất đai và đàn áp của chính quyền đối với người bản địa ở Tây Nguyên không phải là vấn đề mới xảy ra gần đây. Nhiều vụ bắt giữ những thầy truyền đạo Tin lành, các nhà hoạt động tôn giáo ôn hòa diễn ra trong thời gian qua, với các điều luật như 117 "tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam". Một số cuộc biểu tình liên quan đến việc phản đối các dự án xả thải gây ô nhiễm môi trường ở địa phương, hay cưỡng chế đất đai đều kết thúc bằng việc đưa Cảnh sát cơ động vào và bắt giữ những người bị cho là đứng đầu có liên quan. Hàng trăm người Thượng Tây Nguyên phải bỏ nước ra đi vì các lý do bị đàn áp tôn giáo và đang xin tị nạn chính trị ở Thái Lan, chờ để được định cư một nước thứ ba. Tuy nhiên, việc dùng súng tấn công vũ trang hai trụ sở ủy ban xã là một sự việc hiếm khi xảy ra ở Việt Nam, nơi súng đạn được kiểm soát chặt chẽ, người dân không được sử dụng súng.
Theo tìm hiểu của VOA, từ giữa năm 2022 đến tháng 3 năm nay, huyện Cư Kuin tiến hành giải phóng mặt bằng, bao gồm cả cưỡng chế, để lấy đất của hàng chục hộ dân ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Công tác giải phóng mặt bằng đó một phần là để phục vụ dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, một phần là để chấn chỉnh hành lang an toàn giao thông dọc theo quốc lộ 27. Chính báo chí trong nước cho hay nhiều người bị “thiệt đơn thiệt kép” trong các cuộc giải phóng mặt bằng kể trên.
“Ngọn lửa Tây nguyên” – Cháy tiếp hay sẽ bị dập tắt? Đây là vấn đề đau đầu đối với cả Bộ Công an lẫn Chính quyền. Hành động của các lực lượng an ninh trong những ngày qua cho thấy, chính quyền có thể áp dụng lại “mô thức Đồng Tâm”, tức là sẽ truy bức và đàn áp đến cùng. Nhưng diễn tiến lịch sử từ năm 1975 đến nay cho thấy, đàn áp và bạo lực, kể từ cả người dân lẫn chính quyền, đều không đi đến kết quả mong muốn. Một nick name khác bình luận cũng trên VOA: “Đọc báo trong nước thì thấy người ta lên án những người này là những kẻ tội phạm nguy hiểm, ngược lại trên VOA thì lại khác. Đúng là nhờ tự do ngôn luận mới có nhiều luồng tư tưởng, ở trong nước có ai dám nói trái chiều với Công an đâu, cho dù người ấy biết nguyên nhân sâu xa có thể là do bị cướp đất, hoặc bị đàn áp vì lý do tôn giáo hay dân tộc thiểu số…”
Nguyên Ngọc là “già làng” trong làng văn và làng báo từng đề cập đến lời cảnh tỉnh sớm của một nhóm nghiên cứu tình hình Tây Nguyên: “Nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục những khiếm khuyết của quá trình khai thác và sử dụng đất đai thì vấn đề dân tộc sẽ rất có thể phát sinh trong thực tế nay mai ở Tây Nguyên, chí ít là mất ổn định, nghiêm trọng là máu lại đổ... một khi vấn đề dân tộc và tôn giáo quyện vào nhau thì nguy cơ tới thật khó lường”. Đây thật sự là một lời cảnh báo đầy trách nhiệm, trung thực, dũng cảm và đã được chứng tỏ là tuyệt đối chính xác. Rất tiếc là nó đã hoàn toàn bị bỏ ngoài tai, thậm chí cả sau khi những điều cảnh báo đã thành hiện thực!
No comments:
Post a Comment