Lãnh đạo Belarus 'ghi điểm' sau khi hòa giải cuộc binh biến tại Nga
Reuters
28/06/2023
VOA
Nhà lãnh đạo Belarus, Alexander Lukashenko, trái, và Tổng thống Nga Vladimir Putin, gặp nhau tại dinh Bocharov Ruchei, thành phố nghỉ mát Sochi, Nga, ngày 9/6/2023.
Nhà lãnh đạo Belarus, Alexander Lukashenko, lâu nay luôn là người hàm ơn Tổng thống Nga Vladimir Putin hoặc luôn là người nhờ vả ông ấy giúp đỡ - từ một khoản vay, khí đốt giá rẻ, hỗ trợ vượt qua các cuộc biểu tình cho tới vũ khí hạt nhân chiến thuật. Lần này, thì ngược lại.
Dù toàn bộ vai trò của ông Lukashenko trong việc tháo ngòi cuộc binh biến hôm 24/6 do lính đánh thuê Wagner thực hiện nhằm lật đổ giới lãnh đạo quân sự của Nga vẫn chưa rõ ràng, nhưng nhà lãnh đạo Belarus - bị các quan chức Nga chế giễu trong nhiều năm là một đối tác hữu ích nhưng dễ đổi ý và hay đòi hỏi - hiện đang được coi trọng ở Nga.
Chính ông Lukashenko, theo lời kể của ông và ông Putin, là người đã đóng vai trò chính trong việc chấm dứt cuộc binh biến có nguy cơ gây bất ổn cho cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Theo lời ông Lukashenko – về một số chi tiết mà ông đã làm, được kể vào ngày 27/6 - ông là người đã thuyết phục thủ lĩnh lính đánh thuê bốc đồng Yevgeny Prigozhin trong các cuộc đàm phán qua điện thoại kéo dài để ngăn chặn cuộc binh biến và là người đã khuyên ông Putin đừng vội hành động.
Ông Lukashenko cho biết ông đã nói với ông Prigozhin: “Nửa đường (đến Moscow) bạn sẽ bị nghiền nát như một con bọ.”
Hiện chưa rõ Moscow, nơi mà ông Lukashenko dựa vào năng lượng giá rẻ để duy trì nền kinh tế kiểu Xô Viết và bộ máy an ninh mà ông dựa vào để đảm bảo sự sống còn chính trị của mình trong tình trạng cực đoan, có thể mang lại cho ông điều gì nữa.
Nhưng ít nhất ông ta đã mua cho mình thêm thiện chí chính trị mà ông có thể chuyển đổi thành những nhượng bộ kinh tế và tài chính hơn nữa khi đến thời điểm thích hợp.
Ông Lukashenko đã cai trị Belarus - theo cách nói của ông - nhà độc tài cuối cùng của châu Âu, kể từ năm 1994.
Theo các đối thủ của ông, nhiều người trong số họ đã bị ông bỏ tù hoặc buộc phải ra nước ngoài sau các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại sự cai trị của ông vào năm 2020 và 2021, các hành động của ông nhằm tháo gỡ cuộc binh biến có thể đều nhằm mục đích tự bảo vệ mình.
“Nếu không có sự hỗ trợ của ông Putin, chế độ Lukashenko sẽ không thể tồn tại”, lãnh đạo phe đối lập Belarus lưu vong Sviatlana Tsikhanouskaya viết trên Twitter.
“Họ ghét nhau. Nhưng họ cần nhau”, ông Franak Viacorka, cố vấn phe đối lập, nói về ông Putin và ông Lukashenko.
Ông Lukashenko hôm 27/6 nói nếu tình trạng hỗn loạn lan rộng khắp nước Nga thì Belarus sẽ là nơi tiếp theo chịu cảnh tương tự.
“Nếu nước Nga sụp đổ, tất cả chúng ta sẽ ở dưới đống đổ nát.”
Được Nga ca ngợi
Viện Duma Quốc gia Nga, tức Hạ viện Nga, khai mạc ngày 27/6 với một tràng pháo tay vinh danh ông Lukashenko và ông Putin.
Ông Putin, trong bài phát biểu đầu tiên trước quốc gia kể từ khi cuộc binh biến được ngưng lại, đã cảm ơn ông Lukashenko vào tối 26/6 vì “những nỗ lực và đóng góp của ông ấy trong việc giải quyết tình hình một cách hòa bình.”
Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước nổi tiếng của Nga Vladimir Solovyov nói ông Lukashenko xứng đáng được phong làm Anh hùng nước Nga và ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của ông Putin, ngày 27/6 đã dành nhiều lời khen ngợi cho nhà lãnh đạo Belarus.
Ông Peskov nói ông Lukashenko là “một chính khách rất kinh nghiệm và khôn ngoan”, người mà ông Putin từ lâu đã có quan hệ làm việc tốt và thân thiện.
Ông Lukashenko từ lâu đã coi đất nước ông có tầm quan trọng chiến lược nằm giữa NATO-Nga và là người em nhưng trung thành của Moscow. Tại Belarus, ông cũng được ca ngợi là vị cứu tinh của Moscow - mặc dù bởi các phương tiện truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ của chính ông.
Cơ quan truyền thông độc lập của Belarus Zerkalo theo dõi việc đưa tin của truyền hình nhà nước Belarus về vai trò của ông Lukashenko, đã trích dẫn người dẫn chương trình Yevgeny Pustovoi nói rằng Minsk đang trở thành “người kiến tạo hòa bình của nền văn minh Slav.”
“Hàng trăm, thậm chí có thể hàng nghìn sinh mạng người dân Nga của chúng ta đã được cứu. Sự toàn vẹn lãnh thổ và sự hòa hợp xã hội của một nước Nga vĩ đại đã được cứu”, ông Zerkalo dẫn lời ông nói.
Một kết quả trực tiếp từ sự can thiệp của ông Lukashenko là rõ ràng: ông Prigozhin, người đã gây ra cuộc binh biến và luôn là cái gai đối với Bộ Quốc phòng Nga trong nhiều tháng, hiện đang sống lưu vong ở Belarus.
Hàng ngàn chiến binh Wagner có thể đi theo ông Prigozhin.
Ông Lukashenko hôm 27/6 tuyên bố rằng Belarus không cần phải sợ sự hiện diện của những người lính đánh thuê Wagner.
“Chúng tôi sẽ theo dõi họ chặt chẽ,” ông nói.
No comments:
Post a Comment