Đắk Lắk: Các tổ chức XHDS phản đối bạo lực, bày tỏ cảm thông với người bản địa
2023.06.13
RFA
Chính phủ
Một số tổ chức tôn giáo độc lập và dân sự của người Thượng ở Tây Nguyên lên tiếng phủ nhận sự can dự của họ vào cuộc tấn công hai cơ quan công quyền ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk trong sáng sớm 11/6, hơn thế nữa họ còn lên tiếng phản đối bạo lực.
Tây Nguyên là vùng đất của nhiều sắc dân người Thượng và là nơi hiện có những tranh chấp về đất đai, cáo buộc đàn áp tôn giáo giữa Chính phủ và người Thượng theo Thiên chúa.
Theo thông tin từ truyền thông Nhà nước, vào sáng sớm ngày 11/6 khoảng 30 người có vũ trang đã nổ súng vào hai đồn công an ở xã Ea Tiêu và Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin. Vụ nổ súng đã khiến ít nhất chín người thiệt mạng bao gồm sáu công an, theo thông tin từ Bộ Công an. Đến chiều ngày 13/6, Bộ Công an thông báo đã bắt giữ được 45 người tình nghi và kêu gọi những người khác ra đầu thú.
Phủ nhận sự dính líu vào vụ việc
Ông Y-Duen Buondap, Giám đốc điều hành của Tổ chức Dega Tây Nguyên (Dega Central HighLands Organization) có địa chỉ liên lạc ở tiểu bang North Carolina - Hoa Kỳ , tuyên bố tổ chức của ông không liên quan gì đến sự việc vừa xảy ra. Trong cuộc phỏng vấn của RFA vào ngày 12/6 ông khẳng định:
“Không, chúng tôi không có thành viên nào tham gia vào sự việc này nhưng chúng tôi có thông tin người Thượng nổi dậy đòi quyền lợi bởi vì họ không thể chịu đựng hơn nữa. Hàng ngày họ bị đàn áp, đánh đập, bắt giữ và bị dồn vào chân tường và do đó họ làm một điều để thế giới biết được tình trạng của họ.”
Tuy nhiên, ông cho biết tổ chức của ông sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình ở Đắk Lắk và Tây Nguyên để báo cáo cho Liên Hiệp quốc cũng như Chính phủ Hoa Kỳ về những vi phạm nhân quyền ở đây.
Ngay trong cùng ngày xảy ra vụ việc, tổ chức Người Thượng vì Công Lý ra thông cáo báo chí tuyên bố tổ chức này không liên quan đến sự kiện bạo lực. Trong thông cáo này, nhóm nói rằng họ không liên quan đến bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào xúi giục, thúc đẩy, âm mưu hoặc tiếp tay cho việc sử dụng bạo lực vì bất kỳ mục đích gì.
Tổ chức có các thành viên sáng lập đang tị nạn chính trị tại Thái Lan và Hoa Kỳ, khẳng định chủ trương hoạt động ôn hòa qua việc vận động cho tự do tôn giáo bằng cách hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, bao gồm Liên Hiệp Quốc và các chính phủ của những nước dân chủ, nhóm chuyên báo cáo tình hình đàn áp tôn giáo, cưỡng chế đất của người đồng bào ở Tây Nguyên quan ngại rằng mọi hình thức nổi dậy có vũ trang sẽ gây ra những bước cản cho tiến trình vận động ôn hòa.
Nhóm này lo ngại rằng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ sử dụng những vụ việc tương tự để làm căn cứ biện minh cho chính sách đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập từ trước đến nay trong khi cộng đồng quốc tế sẽ dè dặt trong việc trợ giúp cho người Thượng đang bị áp bức.
Phóng viên có liên lạc với mục sư Aga, người sáng lập nhóm tôn giáo độc lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên và hiện đang định cư tại North Carolina và được ông khẳng định tổ chức của ông không tham dự vào cuộc nổi dậy và cũng không có thành viên nào của tổ chức này có liên quan.
Mục sư Nguyễn Công Chính, người đồng sáng lập và điều hành nhóm tôn giáo Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Việt Nam và một trong những người lãnh đạo của Hiệp hội Thông công Tin Lành Việt Nam nói về cuộc nổi dậy và những người Thượng ở Tây Nguyên.
“Những người Thượng chỉ là người dân bình thường, họ sống bằng niềm tin tôn giáo thôi. Và khi mà họ bị xâm phạm niềm tin tôn giáo hay đất đai, thì rõ ràng họ có phản ứng lên tiếng thôi, chứ còn để mà tổ chức một lực lượng 30-40 người có tính chất vũ trang quy mô như vậy đó thì tôi nghĩ người Thượng ở Đắk Lắk không có khả năng làm việc đó.”
Ông cũng cho biết trong buổi sáng 11/6, ông có liên lạc được với một số thành viên của tổ chức tôn giáo trong khu vực xảy ra vụ việc, nhưng sau đó mọi liên lạc bị cắt đứt có khả năng do sự phá sóng của an ninh Đắk Lắk. Nhiều người dân hoang mang không biết chuyện gì đã xảy ra, ông nói.
Ông cũng không loại trừ đây là một âm mưu dàn dựng nhằm triệt hạ tổ chức tôn giáo độc lập Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Việt Nam.
Mục sư Chính, người từng bị tòa án Việt Nam kết án 11 năm tù giam về tội danh “chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc” năm 2011 nhưng được phóng thích và sang Hoa Kỳ tị nạn từ năm 2017 với lý do nhân đạo, kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp và theo dõi chặt chẽ việc bắt bớ người Thượng (kể cả những người không liên quan) đang được thực hiện bởi lực lượng an ninh Việt Nam, vì có thể họ “té nước theo mưa.”
Giới hoạt động cảm thông với người bản địa Tây Nguyên
Ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng- nhóm nhân sĩ trí thức cổ suý cải cách thể chế, từ Sài Gòn cho RFA biết mâu thuẫn xã hội giữa người Kinh và người bản địa ở Tây Nguyên xuất phát từ chính sách di dân sau năm 1975 với mục tiêu đưa người từ đồng bằng sông Hồng và khu vực Trung bộ lên cao nguyên Trung phần để kiểm soát “nóc nhà của Đông Dương.”
Chính sách này dẫn đến hậu quả người Kinh lấn chiếm đất đai của người bản địa và thu hẹp không gian sinh tồn của họ bên cạnh việc phá huỷ toàn bộ rừng ở Tây Nguyên, ông nói theo quan điểm riêng.
“Thực tế những người từ đồng bằng lên khinh thường người bản địa Tây Nguyên. Chính quyền của họ, tất cả của họ, có một sự phân biệt đối xử rõ ràng đối với người bản địa Tây Nguyên. Có thể nói rằng trong đầu óc của những người từ đồng bằng đi lên, họ muốn chiếm đất ở đâu thì chiếm.
Người Tây Nguyên giờ không còn gì, và vì không còn gì nên phản ứng của họ là tất yếu.”
Theo ông, để giải quyết mâu thuẫn xã hội ở Tây Nguyên, Nhà nước Việt Nam phải giải quyết đời sống của người bản địa Tây Nguyên bảo đảm cuộc sống của họ, và giúp họ bảo tồn văn hoá bên cạnh việc trồng lại rừng ở khu vực này.
Một nhà quan sát thời cuộc ở Hà Nội nói trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, rằng ông ủng hộ việc đấu tranh của đồng bào người Thượng ở Tây Nguyên nhưng phản đối phương pháp đấu tranh bằng bạo lực.
Theo ông, bạo lực chỉ sinh ra bạo lực, hơn nữa đồng bào Tây Nguyên dùng bạo lực chống lại nhà cầm quyền là "trứng chọi với đá."
Ông nói việc Bộ Công an sử dụng cả một trung đoàn cơ động để dẹp có mấy chục người Thượng, huy động cả người Kinh cầm gậy gộc đi "săn tìm" nghi phạm như đi "bắt chó" là phản cảm, là hành động đổ thêm dầu vào lửa và càng làm cho mâu thuẫn thêm trầm trọng.
Ông cũng phản đối hành động kích động, xúi giục bà con người Thượng manh động vì việc này đẩy họ tới sự mất mát không đáng có.
Từ Đức, cựu tù nhân lương tâm - luật sư Nguyễn Văn Đài, Chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ nói với RFA:
“Tôi phản đối mọi hình thức bạo lực sử dụng trong vấn đề tranh chấp hay đấu tranh bởi vì bạo lực không giải quyết được vấn đề mà bạo lực lại sinh ra bạo lực.
Nhưng mà tôi thông cảm và hiểu được nguyên nhân vì sao mà người Thượng phải sử dụng biện pháp cuối cùng như vậy, bởi vì sau năm 1975 tình trạng đàn áp tôn giáo cướp đoạt đất đai và phân biệt đối xử trong chính sách xã hội của chế độ cộng sản đối với vấn đề Tây Nguyên cho nên họ không còn con đường nào khác ngoài việc sử dụng để chống lại.”
Theo ông, việc Nhà nước Việt Nam phân biệt đối xử và đàn áp người Thượng đã tạo cơ hội cho một số tổ chức ở nước ngoài kích động người dân đứng lên đấu tranh bằng biện pháp bạo lực.
Cũng theo vị luật sư đang tị nạn chính trị ở Đức, không loại trừ có việc kích động bạo lực để từ đó chính quyền trung ương mượn cớ để triệt phá các tổ chức tôn giáo độc lập ở Tây Nguyên, điều mà chính quyền ở nhiều địa phương ở đây đã không thực hiện được mặc dù áp dụng nhiều biện pháp đàn áp tinh vi.
No comments:
Post a Comment