Saturday, May 24, 2025

Mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ có thể thay đổi không quân Việt Nam như thế nào?
Thương Lê
BBC News Tiếng Việt
24 tháng 5 2025
BBC


Việt Nam vốn có truyền thống sử dụng vũ khí và khí tài của Nga. Việc mua một số chiến đấu cơ phương Tây như F-16, nếu có, sẽ có ý nghĩa như thế nào?

Giữa tháng 4/2025, trang tin quốc phòng 19FortyFive đưa tin rằng Việt Nam và Mỹ đang chuẩn bị hoàn tất thỏa thuận mua bán máy bay chiến đấu F-16, sau "một thời gian dài đàm phán và thương lượng giữa hai chính phủ".

Bài viết, dựa trên nhiều nguồn tin, bao gồm "một cựu quan chức chính phủ Hoa Kỳ nắm vấn đề về các cuộc đàm phán" và "nhiều đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ", nêu rằng thỏa thuận bao gồm "ít nhất 24 chiến đấu cơ".

Cho đến nay, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA), cơ quan chịu trách nhiệm xác nhận sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đối với các giao dịch bán hoặc chuyển giao vũ khí lớn, vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin nào tương tự bài viết trên. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam cũng không có bình luận nào.

BBC trao đổi với các chuyên gia về khả năng Việt Nam mua 24 chiếc F-16, cũng như việc tích hợp máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất vào lực lượng vũ trang vốn dựa nhiều vào công nghệ của Nga sẽ gặp những thách thức gì.

Đọc nhiều nhất





Con số 24 chiếc có khả khi?

Mỗi chiếc chiến đấu cơ F-16 có giá khoảng 30-35 triệu USD tùy biến thể.

"Con số 24 chiếc là lớn đối với một quốc gia như Việt Nam, nhưng bạn cũng muốn có đủ số lượng để đơn giá trên mỗi chiếc được giảm xuống," ông Raymond Powell, Tùy viên Không quân Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 2013-2016, nói với BBC News Tiếng Việt.

"Ví dụ, nếu bạn chỉ mua một chiếc F-16, điều mà không ai làm cả, thì chi phí duy trì và vận hành chỉ riêng một chiếc đó sẽ vô cùng cao. Nhưng nếu có nhiều chiếc F-16, bạn có thể phân bổ chi phí đó, và số tiền cần chi ra để duy trì toàn bộ đội máy bay – bao gồm bảo dưỡng, nhiên liệu và các chi phí khác – sẽ trở nên hợp lý hơn khi được trải đều trên số lượng lớn hơn," ông phân tích.

Vì vậy, theo ông Powell, người hiện là Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Stanford, Mỹ, cho rằng con số 24 chiếc là điều hợp lí.

Giáo sư Carl Thayer từ Đại học News South Wales của Úc cho rằng Việt Nam có ngân sách để mua 24 tiêm kích F-16, vì từng có kế hoạch chi 8 tỷ USD để mua các máy bay chiến đấu tiên tiến từ Nga, mà báo chí đã phơi bày.

Vào tháng 9/2023, The New York Times trích dẫn một tài liệu nội bộ vào tháng 3/2023 bị rò rỉ của chính phủ Việt Nam nêu rõ việc Việt Nam đề xuất hiện đại hóa quân đội bằng cách bí mật thanh toán cho các giao dịch mua vũ khí Nga thông qua một liên doanh dầu khí chung với Nga ở Siberia.

"Hiện tại, Hà Nội chi khoảng 2% GDP cho quốc phòng, nhưng đó không phải là toàn bộ phần dành cho mua sắm vũ khí, vì phần này có một ngân sách riêng," nhà quan sát Việt Nam lâu năm chia sẻ.

"Nếu nhìn lại biểu đồ chi tiêu quốc phòng của Việt Nam thì đã có sự sụt giảm trong vài năm gần đây. Vì vậy, họ có một khoản ngân sách mua sắm chưa được sử dụng trong nhiều năm, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine."

Hiện tại Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% GDP trong năm 2025, nếu chiếc bánh GDP này được mở rộng thì 2% của chiếc bánh lớn hơn đồng nghĩa với nhiều ngân sách quốc phòng hơn.

"Với tốc độ hiện tại, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng, dù có thể không nhanh như các nhà lãnh đạo mong muốn. Khi đó, tỷ lệ phần trăm ngân sách quốc phòng và ngân sách mua sắm có thể được bổ sung từ phần chưa sử dụng. Nếu dàn trải khoản mua này trong vài năm, tôi tin rằng Việt Nam có thể chi trả được," Giáo sư Thayer nhận định.

"Philippines cũng làm được điều đó và gói của họ cũng dưới 8 tỷ USD," ông so sánh.

Vào đầu tháng 4/2025, Mỹ đã phê duyệt bán 20 tiêm kích F-16 cho đồng minh của họ tại châu Á – Thái Bình Dương là Philippines.

Hợp đồng này trị giá 5,58 tỷ USD, cung cấp cho Philippines tổng cộng 16 tiêm kích F-16C Block 70/72, 4 chiếc F-16D Block 70/72 cùng thiết bị liên quan.

Ngược lại, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học News South Wales, Úc, cho rằng nếu có chuyện Việt Nam chốt mua F-16 thì sẽ ít hơn nhiều so với con số 24 mà 19FortyFive đưa.

"Ngân sách quốc phòng được công khai của Việt Nam cho đến năm 2027 là 10 tỷ USD, thực tế mà nói con số 24 chiếc F-16, tùy biến thể và có kèm gói vũ khí hay không, thì chi phí cũng nhiều, gần 50% ngân sách, chưa kể là phải đầu tư vào hạ tầng, con người, bảo trì, bảo dưỡng…

"Bạn có thể tưởng tượng là chỉ việc mua 12 máy bay huấn luyện phi chiến đấu T-6C mà cần phải cải tạo lại cả một sân bay Phan Thiết, điều đó cho thấy mức độ đầu tư không chỉ là mua máy bay mà còn là hạ tầng và những thứ hậu cần rất lớn," ông dẫn chứng.

Theo chuyên gia này, việc mua 24 chiếc F-16 là một khoản đầu tư khá lớn. Có lẽ Việt Nam sẽ mua với một số lượng vừa phải vì hiện nay tốc độ hiện đại hóa vũ khí, khí tài diễn ra rất nhanh, "mua quá nhiều có thể dẫn đến lỗi thời và lãng phí".

"Theo tôi, Việt Nam sẽ mua từ 6-12 chiếc, có khi chỉ 3-6 chiếc, tương đương khoảng một nửa trung đoàn, để thứ nhất là thử nghiệm, thứ hai là huấn luyện, thứ ba là dần dần xây hạ tầng, thứ tư là làm quen và tìm cách tích hợp. Quá trình đó mất nhiều thời gian," ông Phương nói.

Nhưng nhà nghiên cứu này cũng cho rằng con số 24 chiếc thể hiện Mỹ có rất đúng thông tin rằng Hà Nội đang cần phải hiện đại hóa tầm 2 trung đoàn không quân, mỗi trung đoàn tầm 12 chiếc, tương đương một nửa đội máy bay tiêm kích của Việt Nam.

Getty Images
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Việt Nam diễn tập trên bầu trời Hà Nội

Tiến sĩ Benjamin J. Sacks từ trung tâm RAND Corporation của Mỹ lại cho rằng một thỏa thuận 24 chiến đấu cơ là một con số đáng quan tâm, nếu so sánh với các nước khác.

"Bồ Đào Nha là một đồng minh lâu năm trong NATO, Mỹ hợp tác rất chặt chẽ với toàn bộ lực lượng vũ trang của họ – hiện có khoảng 25 chiếc F-16 là tiêm kích chủ lực. Và đó là thế hệ F-16 cũ hơn một thế hệ so với loại đang được đồn đoán là nằm trong quá trình đàm phán bán cho Việt Nam."
"Vì vậy, xét trên khía cạnh đó, Không quân Việt Nam sẽ có năng lực tương đương, thậm chí được nâng cấp hơn so với một đồng minh NATO như Bồ Đào Nha," ông so sánh.

Dẫu vậy, nhà nghiên cứu này lưu ý rằng con số 24 chiếc dù không đủ để so sánh với một lực lượng không quân hùng mạnh như Trung Quốc, nhưng về mặt biểu tượng, đó là một lực lượng răn đe.

"Nó chứng minh rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng biết cách vận hành những máy bay này," ông đánh giá.

Việt Nam sẽ mua F-16 mới hay đã qua sử dụng?

Sau khi thông tin về thương vụ F-16 xuất hiện từ vài năm trước, cũng có những đồn đoán rằng Việt Nam có thể mua các máy bay F-16 đã qua sử dụng từ Israel hoặc các quốc gia khác.

Nhưng theo một số chuyên gia, khả năng cao hơn Hà Nội sẽ mua những chiếc tiêm kích mới thay vì đồ "second-hand".

"Rõ ràng việc mua đồ cũ không nằm trong thói quen mua sắm vũ khí của Việt Nam. Việt Nam thường là mua đồ mới, đã qua đánh giá về mặt tác chiến," ông Phương nhận định.

Tiến sĩ Sacks cho rằng từ những quan sát bên ngoài, có khả năng chính phủ Mỹ đang đề nghị bán cho Việt Nam biến thể mới nhất F-16V, giúp mang lại cho Việt Nam năng lực chiến đấu của tiêm kích thế hệ thứ tư tốt nhất theo phần lớn tiêu chuẩn hiện nay.

Giáo sư Thayer cũng dẫn các báo cáo gần đây cho rằng Việt Nam có vẻ như đang hướng đến phiên bản hiện đại nhất F-16V.

"Phiên bản mới gần như là lựa chọn duy nhất để Việt Nam có thể mua được khoảng 24 chiếc tiêm kích cần thiết. Việc chuyển giao F-16 từ những đồng minh của Mỹ không còn khả thi vì chúng đã được chuyển giao cho Ukraine, hoặc dành cho các mục đích khác," ông bổ sung.

Getty Images
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng trước lô F-16 đầu tiên mà nước này được phương Tây viện trợ vào tháng 8/2024

Việc bán máy bay đã qua sử dụng thường xuyên diễn ra trong NATO. Romania đã mua 17 chiếc F-16 từ Bồ Đào Nha và 32 chiếc từ Na Uy để thay thế đội MiG-21 LanceR đã lỗi thời.

"Đây là bước đi đưa lực lượng không quân của Romania lên tiêu chuẩn NATO, và việc này đã được cả các quan sát viên NATO và những người trong NATO khen ngợi," Tiến sĩ Sacks nói.

Những đợt chuyển giao như vậy cũng liên tục diễn ra giữa Mỹ và các đồng minh và đối tác.

"Một lần nữa, điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có hạ tầng hiện đại hóa, không chỉ để tiếp nhiên liệu, vũ khí mà còn cho các hoạt động bảo trì, sửa chữa và đại tu," chuyên gia từ RAND Corporation đánh giá.

F-16 có tương thích với Không quân Việt Nam?

Theo các chuyên gia, việc Mỹ bán T-6C, và có thể là F-16 và C-130, cho Việt Nam đã đặt ra một nhu cầu tất yếu rằng Hà Nội phải hiện đại hóa và nâng cấp đáng kể hạ tầng quốc phòng đa lĩnh vực.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Thế Phương cho rằng dù Việt Nam đã vận hành một số khí tài phương Tây như như máy bay vận tải C-295 của Airbus, hay một số máy bay tuần thám của Canada, hoặc gần đây nhất là máy bay T-6C, thì mức độ tương thích vẫn ở mức thấp.

"Chỉ 12 máy bay T-6C mà Việt Nam đã phải đầu tư cải tạo lại toàn bộ sân bay ở Phan Thiết, chưa kể là huấn luyện phi công và hệ thống bảo trì, bảo dưỡng," ông cho biết.

Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore, đồng ý với quan điểm này, cho rằng việc tích hợp máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất vào lực lượng vũ trang vốn dựa nhiều vào công nghệ của Nga sẽ là một thách thức lớn về mặt hậu cần vì nó đòi hỏi các hệ thống đào tạo, bảo dưỡng và hỗ trợ riêng biệt và tốn kém.

"Malaysia đã thử điều này vào những năm 1990 và điều đó gây không ít khó khăn cho không quân của họ," ông so sánh.

Tiến sĩ Sacks nhắc đến khả năng Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa và phát triển các hoạt động bảo trì, sửa chữa và đại tu – mà trong ngành hàng không gọi là hoạt động MRO (Maintenance, Repair và Overhaul).

"Theo tôi, với tư cách một người quan sát – nếu tôi là Washington và đã bắt đầu bán những vũ khí này cho Hà Nội - hoàn toàn có thể hình dung rằng Mỹ sẽ đề xuất hỗ trợ Việt Nam mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng đó.

"Năng lực MRO đặc biệt quan trọng, bởi nếu mục tiêu là xây dựng hoặc củng cố năng lực răn đe tập thể tại Đông Nam Á, và bạn đã hỗ trợ hoặc cung cấp các vũ khí, khí tài như F-16 cho Philippines, Singapore, Malaysia, Brunei… thì bạn cũng muốn có năng lực MRO tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn tương đương – đặc biệt là nếu xung đột vũ trang thực sự xảy ra," ông Sacks kết luận.

Bộ Ngoại giao
Máy bay huấn luyện T-6C mà Mỹ bàn giao cho Việt Nam vào cuối 2024

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương lại nhấn mạnh rằng vấn đề quan trọng nhất của việc sở hữu nhiều hệ thống khí tài khác nhau là làm sao kết nối chúng khi có chiến tranh.

"Trong suốt lịch sử, Nga và Mỹ thường đối đầu nhau, thì rõ ràng là họ không thể nào chia sẻ những mã điện tử để kết nối giữa hai máy bay vốn dĩ thuộc hai bên đối địch nhau được.

"Chẳng hạn, nếu mua F-16 thì Việt Nam có thể phải làm lại toàn bộ phần mềm của các hệ thống phòng không của Nga đang trong biên chế. Ví dụ hệ thống phòng không S-300 sẽ phải được thiết kế lại để nhận diện và không cho rằng F-16 là kẻ thù.

"Và việc tác động vào phần mềm mang tính cốt lõi của vũ khí là rất phức tạp và tốn nhiều thời gian, chưa kể là phải nhờ Nga can thiệp vào hệ thống vũ khí của họ. Và nếu nhờ Nga can thiệp vào hệ thống vũ khí của họ để vũ khí đó có thể tương tác với F-16 là một rủi ro cho cả Nga nữa chứ không phải chỉ cho Việt Nam."

"Chưa kể còn hệ thống dẫn đường của máy bay, một phi đội Su-30 bay kết hợp với một phi đội F-16, khi mà tấn công cùng một mục tiêu, ví dụ như một con tàu trên biển, thì một chiếc Su-30 sẽ dùng tên lửa của Nga trong khi chiếc F-16 dùng tên lửa của Mỹ. Vậy thì làm thế nào cả hai cùng có điều lệnh chung để bắn?" ông Phương nêu vấn đề.

"Chưa kể là nhiều khi Mỹ không muốn sử dụng vũ khí của họ trong một số trường hợp nhất định, vậy thì khi đó Việt Nam liệu có thể lắp tên lửa của Nga qua máy bay của Mỹ không?"

Rõ ràng là bài toán này không đơn giản.

Điều đó không chỉ là việc từng máy bay nhắm vào mục tiêu, mà đó phải là sự phối hợp của cả một đội máy bay hỗn hợp như vậy.

Mua F-16 có đồng nghĩa với thay đổi học thuyết quốc phòng?

Với kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh kéo dài hàng thập niên vào thế kỷ trước, quân đội Việt Nam có những ưu thế và nhược điểm nhất định.

"Lực lượng Việt Nam được huấn luyện đặc biệt tốt trong tác chiến phi đối xứng và có khả năng hoạt động hiệu quả trong địa hình rừng rậm, điều mà nhiều quốc gia, dù là đồng minh, đối tác hay đối thủ, đều không có. Họ có kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn, nhưng đang gặp khó khăn do trang thiết bị lỗi thời hoặc lạc hậu của Nga hoặc Trung Quốc," Tiến sĩ Sacks nhận xét.

Còn theo ông Thế Phương, học thuyết quân sự của Việt Nam dựa trên tư duy phòng thủ, lấy ít đánh nhiều, đánh du kích.

"Chẳng hạn như trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972 là dựa trên chiến tranh du kích trên không, dựa trên những mẫu máy bay cơ động, có thể triển khai nhanh chóng.

"Rõ ràng Việt Nam cần thay thế đội MiG-21 để có thể tiến hành quần chiến trên không. Bởi vì thế F-16 mới được lựa chọn như một khả năng," ông nói.

Nhưng theo chuyên gia này, Việt Nam "không có nhiều điều kiện tài chính nên cách tốt nhất vẫn là đầu tư vào máy bay đa nhiệm như Su-27, Su-30 của Nga, và việc mua thêm F-16 chỉ gia tăng thêm năng lực tác chiến của Việt Nam theo hướng đã có chứ không làm thay đổi tư duy tác chiến cũng như chiến thuật, chiến lược của không quân".

HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images
Xác máy bay ném bom B-52 của Mỹ bị bắn rơi trong trận "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B-52 ở Hà Nội năm 2012

Giáo sư Thayer bổ sung thêm rằng chiến lược quân sự của Việt Nam mang tính phòng thủ, với mục tiêu là ngăn chặn các vấn đề từ xa, không để chúng đến được cửa nhà mình, thông qua ngoại giao và các biện pháp khác.

"Trong lý thuyết quan hệ quốc tế, đây được gọi là chiến lược 'cân bằng'. Nếu bạn nhìn thấy một quốc gia là mối đe dọa, như Việt Nam nhìn Trung Quốc là một mối đe dọa quân sự, thì bạn có thể cân bằng bằng cách liên kết với một quốc gia khác - tuy nhiên Việt Nam không làm như vậy - hoặc bạn tiến hành cân bằng nội bộ, nghĩa là xây dựng sức mạnh của lực lượng vũ trang," ông giải thích.

"Điều này báo hiệu với Trung Quốc, hoặc bất kỳ nước nào khác muốn đe dọa, rằng Việt Nam có khả năng răn đe, không phải để tham gia vào một cuộc chiến tranh toàn diện và giành chiến thắng, mà là để gây thiệt hại cho bất kỳ ai đe dọa chủ quyền của Việt Nam bằng vũ lực."

Vì vậy, theo ông, chiến lược và học thuyết chung của Hà Nội sẽ không thay đổi, nhưng họ sẽ phải tính đến công nghệ.

"Chúng ta đang thấy việc sử dụng thiết bị bay không người lái trong cuộc chiến tranh Ukraine. Nếu Việt Nam mua F-16, chiến lược phòng thủ của họ cũng phải thay đổi để tính đến việc sử dụng các thiết bị bay không người lái. Nếu Ukraine có thể đánh chìm tàu chiến Nga trên biển, thì Việt Nam cũng có thể làm điều tương tự trên Biển Đông."

Đồ họa do đội ngũ East Asia Visual Journalism của BBC thực hiện.

Trong bài viết tiếp theo, BBC News Tiếng Việt sẽ phân tích phản ứng của Trung Quốc và Nga về một thỏa thuận mua bán chiến đấu cơ F-16 giữa Việt Nam và Mỹ.

Mời quý vị và các bạn đón đọc.


Tin liên quan




No comments:

Post a Comment