Saturday, May 24, 2025

Kinh tế tư nhân: Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói “gà”, Bộ Chính trị và Quốc hội nói “vịt”?
Mai Quỳnh
24-5-2025
Tiengdan

Tóm tắt:

Khi phân loại thống kê, Bộ Kế hoạch & Đầu tư xếp cả tổ chức, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vào loại hình kinh tế tư nhân. Nhưng trong các văn bản mới nhất về kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị và Quốc hội chỉ nhắc đến doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Với sự không nhất quán này thì số liệu thống kê về kinh tế tư nhân, những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, cơ chế, chính sách hay sau này là các báo cáo đánh giá dựa trên số liệu đó có đáng tin cậy không?

Thông tư 07 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói “gà”

Theo thông tư 07 có hiệu lực từ ngày 1/5/2025 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Việt Nam có 4 loại hình kinh tế là kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ba tiêu chí được dùng để làm căn cứ phân loại là quy định pháp luật hiện hành, tỷ lệ vốn chủ sở hữu và đặc thù của mỗi loại hình kinh tế. (Xem Thông tư 07 tại đây).

Theo đó, loại hình kinh tế tư nhân gồm:

– Tổ chức do tư nhân nắm giữ 100% vốn

– Tổ chức do tư nhân nắm giữ từ 50% đến dưới 100% vốn

– Tổ chức do tư nhân nắm giữ dưới 50% vốn và tỷ lệ nắm giữ là lớn nhất

– Hộ sản xuất

– Tổ chức tư nhân khác

Cụ thể hơn, tổ chức tư nhân khác gồm các tổ chức, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo do cá nhân, nhóm cá nhân thành lập, quản lý theo quy định của pháp luật.

Mà theo luật tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo. Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác.

Nói cách khác, theo như người viết hiểu thì Bộ Kế hoạch & Đầu tư xem các tôn giáo ở Việt Nam như Phật giáo, Công giáo, đạo Cao Đài, đạo Tin Lành v.v… cùng các cơ sở như nhà thờ dòng họ, chùa, đền, nhà thờ v.v… là đơn vị kinh tế và phân loại nhóm này vào loại hình kinh tế tư nhân.

Vậy đơn vị kinh tế là gì? Và việc phân loại thống kê là gì? Thông tư 07 không nhắc đến. Tuy nhiên, bản dự thảo thông tư 07 được công khai trước đó để lấy ý kiến thì lại giải thích về hai cụm từ trên, như sau:

Đơn vị kinh tế là một thực thể kinh tế có quyền sở hữu hàng hóa hoặc tài sản, có khả năng phát sinh nghĩa vụ nợ và tham gia các hoạt động, các giao dịch kinh tế với các thực thể kinh tế khác.

Phân loại thống kê là sự phân chia hiện tượng nghiên cứu thành các bộ phận và xếp các yếu tố của hiện tượng vào từng bộ phận riêng biệt, không trùng lặp, căn cứ vào một hoặc một số đặc điểm của yếu tố thuộc hiện tượng nghiên cứu. (Xem dự thảo Thông tư 07 và tờ trình tại đây).

Trước Thông tư 07 thì sao?

Theo tờ trình dự thảo Thông tư 07, trước khi có Thông tư này, việc phân loại theo loại hình kinh tế thực hiện theo Quyết định số 231/TCTK-PPCĐ ngày 17/4/2002 của Tổng cục Thống kê về quy định danh mục đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp áp dụng trong điều tra, báo cáo thống kê. (Xem Quyết định 231 tại đây).

Theo đó, Hội Phật giáo, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như nhà thờ, đền, chùa được xem là đơn vị kinh tế có mã 460 (Đơn vị của tổ chức xã hội và các đơn vị khác) và được tách nhỏ thành 461 (nếu nguồn kinh phí chủ yếu từ nhà nước) và 462 (nếu kinh phí hoạt động chủ yếu do hội viên đóng góp).

Với báo cáo nhanh, phân loại theo 3 loại hình kinh tế là kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Hội Phật giáo, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như nhà thờ, đền, chùa được xếp vào loại hình kinh tế nhà nước (nếu là mã 461) hoặc kinh tế ngoài nhà nước (nếu là mã 462).

Với báo cáo chính thức 6 tháng và báo cáo năm, phân loại theo 5 loại hình kinh tế: Nhà nước, tập thể, cá thể, tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài. Hội Phật giáo, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như nhà thờ, đền, chùa được xếp vào loại hình kinh tế nhà nước (nếu là mã 461) hoặc kinh tế tập thể (nếu là mã 462).

Như vậy, Thông tư 07 đã có sự thay đổi về cách phân loại thống kê đối với các tổ chức, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Trước đó thì tổ chức, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo không được coi là kinh tế tư nhân (mà được xếp vào kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước hoặc kinh tế tập thể), còn nay thì được xếp vào kinh tế tư nhân.

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 198 của Quốc hội nói “vịt”

Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Bộ Chính trị) ký ban hành nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Theo quan điểm của Bộ Chính trị lúc này, kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, là “lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng”. Bộ Chính trị yêu cầu “xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam”, “đánh giá đúng vai trò của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước”.

Nghị quyết 68 không nói cụ thể phạm vi, nội hàm của “kinh tế tư nhân” mà chỉ dẫn số liệu rằng “Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 ngàn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động”. (Xem Nghị quyết 60 tại đây).

Ngày 17/5/2025, Quốc hội thông qua Nghị quyết 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Đối tượng áp dụng của Nghị quyết này là “doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan”. (Xem Nghị quyết 198 tại đây).

Như vậy, khi nói về kinh tế tư nhân, cả Bộ Chính trị và Quốc hội đều không nhắc gì đến các tổ chức, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo. Từ đó có thể thấy, hiện nay đang có sự khác biệt rõ ràng trong cách hiểu về kinh tế tư nhân giữa hai cơ quan này và Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Nếu không giải quyết tình trạng “ông nói gà bà nói vịt” này thì số liệu thống kê về kinh tế tư nhân, những lời hứa chính trị (quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, cơ chế, chính sách) và sắp tới là các báo cáo đánh giá dựa trên số liệu đó có đáng tin cậy hay không?

No comments:

Post a Comment