Saturday, May 24, 2025

Duy Dân Đoàn Viết Hoạt
Trần Minh Khôi
23-5-2025
Tiengdan

Sự ra đi đột ngột của những người bạn quý thường nhấn chìm tâm trí mình vào một nỗi u uất kéo dài. Đã hơn một tuần từ hôm được tin sư huynh Đoàn Viết Hoạt mất, mình vẫn chưa lấy lại được sự cân bằng. Đầu óc phân tán, không tập trung nghĩ điều gì cho thông suốt. Cái cảm giác “gặp nhau đây rồi chia tay”, như lời một bài hát quen thuộc mà mỗi lần các bạn gặp nhau hay hát trước lúc về, chứa đựng cái thăm thẳm của cuộc chia tay đời người. Cuộc đời thật chỉ là một cuộc gặp thoáng qua rồi chia tay. Cái “thoáng qua” ân tình đó giữa mình và sư huynh Đoàn Viết Hoạt là gần 25 năm.

Sự quý mến của mình với sư huynh là sự quý mến, đúng hơn là ngưỡng mộ, đối với một cuộc đời chứa những điều bí ẩn mà mình, rất nhiều lần chuyện trò, và có khi thức thâu đêm suốt sáng, không nắm bắt được. Người đang ngồi trước mặt mình, đang rót rượu, đang kể chuyện, đang tranh biện, đang cười đùa, đã từng ngồi tù hai mươi năm vì những điều người ấy tin. Tri thức, hay ngay cả trí tuệ, với mình không phải là điều bí ẩn. Điều bí ẩn phải là một thứ sức mạnh tâm thức nào đó đủ để dẫn dắt một người đi qua những năm tháng tù đày dài như thế.

Đoàn Viết Hoạt được biết đến như một gương mặt lớn đấu tranh cho dân chủ và tự do cho Việt Nam. Nhưng, từ cuộc đời của những Havel, Walesa, những Mandela, San Suu Kyi, hay ngay cả Kim Dae Jung, Trần Thủy Biển, mình biết rằng nếu chỉ mỗi “dân chủ”, “tự do” thôi thì không đủ để một người sống sót qua những thách đố gian truân như thế. Đằng sau cái “lý tưởng” dân chủ, tự do đó là một niềm tin và, điều cốt lõi là, có một lộ trình lý tính, nghĩa là có thể lý giải được, từ niềm tin này đến với “lý tưởng” dân chủ, tự do.

(Điều này cũng giải thích hiện tượng những gương mặt cũng chấp nhận hy sinh, cũng đương đầu với quyền lực toàn trị, cũng hướng đến lý tưởng dân chủ, tự do nhưng không có một niềm tin khác này và họ dễ dàng bị cuốn vào, rồi sụp đổ trong những bung xung đời thường).

Cũng như với Havel và Walesa, với Mandela và San Suu Kyi, nơi mà lý tưởng dân chủ, tự do được nuôi dưỡng bởi niềm tin từ trong truyền thống học thuật, hay tôn giáo, hay bộ tộc, hay gia tộc, hay lịch sử, với sư huynh Đoàn Viết Hoạt, niềm tin khác này là từ một hệ thống luận cứ mang tính triết học bản địa và một di sản truyền thừa. Sự gắn bó của mình với sư huynh và đề tài của những câu chuyện bất tận thâu đêm suốt sáng với sư huynh, không phải là “lý tưởng” dân chủ, tự do – điều này là mặc nhận, mà xoay quanh niềm tin này. Mình thật sự muốn hiểu cái cơ chế đã giữ cho sư huynh đứng vững qua chừng đó năm tháng tù đày: Lý Đông A và Duy Dân luận.

Trong những lần gặp sau cuối với sư huynh, khi còn ở Annandale, Virginia, mình có nói với sư huynh là, sau khi hoàn tất xuất bản cuốn hồi ký của sư huynh thì mình sẽ thường xuyên xuống đây với sư huynh để làm một cuốn về tư tưởng Duy Dân của Lý Đông A. Xong cuốn hồi ký, mà sư huynh đặt một cái tựa “duy dân” không nhầm lẫn được “Đáy tầng vượt sóng”, thì sư huynh dời đi California. Phần mình thì lao vào dịch bộ Tân ước. Từ đó, cho đến khi nghe tin sư huynh mất, mình không gặp lại sư huynh nữa.

Trong gia đình Thắng Nghĩa, một học hội về Duy Dân luận do chính sư huynh lập ra, mình được coi là “út”, vì “nhập môn” sau cuối. Sư huynh và sư tỉ Thức thường gọi mình là “Út Việt” (Trần Trung Việt là tên của mình khi còn trong “giang hồ”.) Mặc nhiên, mình là người của Thắng Nghĩa. Hồi đầu, mình vẫn tham gia sinh hoạt hàng tuần thảo luận về các trước tác của Lý Đông A với các bạn, nhưng về sau, vì nhiều lý do, mà lý do chính yếu là cái cảm nhận “gieo hạt trên lối đi” không rũ đi được, mình lặng lẽ dừng lại. Từ đó, những trao đổi về Duy Dân luận là chỉ giữa mình với sư huynh. Từ Pittsburgh xuống Annandale chạy xe bốn tiếng. Mình xuống, chuyện trò với sự huynh và sư tỉ rồi ngủ lại một đêm, sáng sớm ghé ăn tô phở rồi lái xe về. Nhiều năm như thế.

Câu chuyện về nhân vật huyền thoạt Lý Đông A và Duy Dân luận là một câu chuyện dài. Bằng cách nào đó, câu nói, mà có lẽ chính Phan Bội Châu cũng chỉ nói qua, như một phản ứng chống lại những luồng tư duy khuynh loát trong giai đoạn đó, “dân không duy vật, dân chẳng duy tâm, dân chỉ duy dân” trở thành một luận cứ triết học mà đã có khi được lấy làm nền tảng cho sự hợp nhất các đảng phái quốc gia ngay trước khi đối thủ sống còn của họ là đảng Cộng sản tổ chức cướp chính quyền vào tháng 8 năm 1945. (Cố gắng hợp nhất này thất bại.) Luận cứ triết học đó có tên gọi là “Duy dân chủ nghĩa” và người sáng lập nó là một chàng trai ở tuổi hai mươi tên là Lý Đông A. Thế rồi, như với nhiều thứ khác của lịch sử Việt Nam cận đại, câu chuyện đó ít nhiều bị lãng quên. Có vài lý do, mà lý do chính yếu vẫn là: Trí thức Việt Nam mấy thế hệ kế tiếp không đủ tự tin để viết lại lịch sử tư duy của họ.

Người được giao chép tay lại bản thảo của các trước tác của Lý Đông A là vị thân phụ của sư huynh Đoàn Viết Hoạt. Ngày lên máy bay sang Mỹ du học, sư huynh kể, thân phụ tiễn sư huynh ra phi trường và căn dặn, con ráng học cho được cái khoa học của phương Tây, vì không có khoa học thì không hiểu được cụ Lý. Thật, cho đến lúc này, không mấy ai hiểu Lý Đông A viết gì, và nếu có ai hiểu, như vài vị ở thế hệ của sư huynh Đoàn Viết Hoạt, thì cũng không giảng giải mạch lạc được. Hai lý do:

1) Lý Đông A viết bằng thứ tiếng Việt giao thời; và

2) Trong số những người đã viết về Duy Dân, chưa có ai tiếp cận triết học một cách có hệ thống, nghĩa là bắt đầu từ triết học sử, để đặt Duy Dân luận ở đúng cái vị trí lịch sử của nó.

Đây là công việc mà, khi nói với sư huynh trong những lần gặp cuối, mình dự định sẽ làm với cuốn sách về Lý Đông A. Mình đi dịch kinh cũng vì mình cho rằng lúc này ai viết gì cũng chỉ “gieo hạt trên lối đi” (hoặc “landfill”, nghĩa là viết để lấp đầy cái vũng lầy.) Nhưng nó là việc trước sau cũng phải làm.

Cái series này trước hết là để tưởng nhớ một người mà mình đặc biệt yêu quý vừa mới ra đi, và cũng là để phác họa những việc phải làm với một di sản từng là nền tảng cho niềm tin của một người mà nhờ niềm tin đó người này đã có đủ sức mạnh tâm thức để đi qua những năm tháng tù đày gian truân của một đời người.

No comments:

Post a Comment