Donald Trump ghẻ lạnh với Benjamin Netanyahu và xích lại gần các nước Vùng Vịnh
Phan Minh
Đăng ngày: 20/05/2025 - 14:01Sửa đổi ngày: 20/05/2025 - 21:46
RFI
Quốc Hội Pháp thảo luận về luật trợ tử, kết quả bầu cử tổng thống Rumani, tình hình ở Trung Đông là những chủ đề được báo chí Pháp khai thác nhiều hôm nay 20/05/2025.

Về thời sự Trung Đông, tờ Le Figaro có bài “Donald Trump ghẻ lạnh với Benjamin Netanyahu và xích lại gần các nước Vùng Vịnh”. George W. Bush từng tìm cách làm đảo lộn thế giới Ả Rập, Barack Obama thì muốn tránh xa, còn Donald Trump thì lại đưa Hoa Kỳ quay trở lại khu vực này với một chiến lược hết sức thực dụng. Tổng thống Trump dành chuyến công du đầu tiên trong nhiệm kỳ hai đến ba vương quốc dầu mỏ Vùng Vịnh, là dịp để ông tái định nghĩa vai trò của Mỹ trên thế giới.
Tại Riyad, Donald Trump thể hiện sự ngưỡng mộ với Ả Rập Xê Út. Hoa Kỳ cũng từng bảo vệ các quốc gia Vùng Vịnh trước cuộc cách mạng Iran thập niên 1980 và trước Saddam Hussein năm 1990-1991. Ngay cả sau vụ khủng bố 11/09/2001, với nhiều thủ phạm là người Ả Rập Xê Út, Washington cũng không trừng phạt quốc gia này.
Giống những người tiền nhiệm, Donald Trump chú trọng đến hợp đồng vũ khí và sự ổn định đối với nguồn cung dầu mỏ, đồng thời làm ngơ trước những chỉ trích về chế độ độc tài. Tuy nhiên, khác với tổng thống Bush muốn thúc đẩy dân chủ hay Barack Obama chỉ trích tham nhũng, Donald Trump khẳng định không muốn can thiệp vào nội bộ các nước Ả Rập.
Ông nhấn mạnh rằng hòa bình và sự phát triển phải dựa trên việc tôn trọng truyền thống quốc gia, chứ không phải áp đặt mô hình bên ngoài. Phát biểu này đánh dấu sự đoạn tuyệt với giọng điệu mang tính “cứu thế” đã chi phối chính sách của Mỹ trong khu vực từ suốt 25 năm qua. Chủ nhân Nhà Trắng cũng tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ các đồng minh Vùng Vịnh, trái ngược với chủ nghĩa biệt lập áp dụng với châu Âu.
Nhật báo thiên hữu cũng nhấn mạnh rằng tuy Donald Trump không chỉ trích Israel, nhưng cũng không đưa nước này vào chuyên công du. Ông để mặc cho thủ tướng Benjamin Netanyahu tự do hành động ở dải Gaza và Cisjordanie, nhưng ảnh hưởng của Israel suy giảm rõ rệt. Sau khi Donald Trump rời Trung Đông, Israel mở cuộc tấn công vào Gaza, và Mỹ giữ thái độ dè dặt. Phó tổng thống J. D. Vance hủy chuyến thăm Israel với lý do chính thức là “hậu cần không được bảo đảm”, nhưng thực chất là để tránh tỏ ra ủng hộ cuộc tấn công của Nhà nước Do Thái.
Nhiều dấu hiệu cho thấy sự tách biệt về ngoại giao giữa Mỹ và Israel. Hoa Kỳ đàm phán trực tiếp với tổ chức Palestine Hamas để giải cứu con tin mà không cần đến Israel, các cuộc thương lượng với phiến quân Houthi (do Oman làm trung gian) cũng không có sự tham gia của Nhà nước Do Thái. Đặc biệt, trong khi thủ tướng Netanyahu kỳ vọng sự hỗ trợ của Mỹ để đối đầu với Iran, Donald Trump lại bất ngờ tuyên bố nối lại đàm phán với Teheran.
Bầu cử tổng thống Rumani : Phe thân Liên Âu “nhẹ nhõm”
Về bầu cử tổng thống Rumani, trang nhất và bài xã luận của tờ Libération tỏ ra nhẹ nhõm với chiến thắng bất ngờ của Nicusor Dan. Nhật báo thiên tả cho rằng việc thị trưởng Bucarest đắc cử tổng thống là một tin rất khả quan đối với những ai lo sợ phe thân châu Âu bị thất thế trước làn sóng dân tộc chủ nghĩa đang gia tăng trong Liên Hiệp Châu Âu (EU). Đây cũng là tin mừng đối với những người lo sợ sự can thiệp từ bên ngoài, chẳng hạn như từ Nga hoặc thậm chí từ Mỹ. Việc George Simion, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thất bại, cho dù từng được coi là ứng viên sáng giá, đã khiến phe hoài nghi châu Âu bao gồm Giorgia Meloni (Ý) và Viktor Orban (Hungary) mất đi một đồng minh trong chiến lược làm suy yếu EU từ bên trong.
Không giống những chính trị gia truyền thống, Nicusor Dan đã thu hút cử tri bằng cách mô tả cuộc bầu cử lần này như một trận chiến địa chính trị có thể tác động đến tương lai người dân. Ông từng tuyên bố : “Đây không phải là cuộc đối đầu giữa hai cá nhân, mà là giữa hai hướng đi : một hướng thân phương Tây và một hướng chống phương Tây.” Tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 65% cho thấy có một sự thức tỉnh mạnh mẽ từ người dân, cả trong nước lẫn cộng đồng người Rumani ở hải ngoại, đi kèm với việc tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Simion giảm đáng kể so với vòng một.
Ông George Simion thể hiện lập trường chống châu Âu, phản đối viện trợ quân sự cho Ukraina và ngưỡng mộ tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông có mặt ở Washington trong lễ nhậm chức của Donald Trump vào tháng Giêng và chọn khẩu hiệu tranh cử “Làm cho Rumani vĩ đại trở lại”. Phải chăng điều này đã khiến cử tri quay lưng ?
Vẫn tại Đông Âu, Ba Lan cũng đang trải qua một cuộc bầu cử tổng thống với tầm quan trọng tương tự. Thị trưởng Vacxava Rafal Trzaskowski, cũng là người ủng hộ Liên Âu, đã về đầu trong vòng một hôm 18/05. Nhưng vòng hai hứa hẹn sẽ rất sít sao, ông Trzaskowski sẽ phải đối mặt với ứng cử viên thuộc phe bảo thủ. Tại Bồ Đào Nha, cuộc bầu cử Quốc Hội cuối tuần qua cho thấy phe cực hữu đang trở thành lực lượng chính trị lớn thứ ba trong nước. Phe ủng hộ Liên Âu có thể đã thắng một trận đánh, nhưng chưa thắng cuộc chiến.
Cùng chủ đề, nhật báo Le Monde có bài “Nhà sáng lập Telegram cáo buộc Pháp tìm cách ‘kiểm duyệt các tiếng nói bảo thủ’ tại Rumani”. Ngày 18/05, Pavel Durov, người sáng lập và giám đốc điều hành Telegram, đã ngầm cáo buộc chính quyền Pháp tìm cách bịt miệng các tiếng nói bảo thủ tại quốc gia Đông Âu này, ngay trước vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống.
Trong bài đăng của mình, Pavel Durov không nêu đích danh Pháp, nhưng sử dụng biểu tượng chiếc bánh mì baguette để ám chỉ quốc gia đứng sau vụ này. Thông điệp được dịch sang tiếng Rumani và chuyển trực tiếp đến người dùng Telegram tại quốc gia này. Chỉ trong ba giờ đồng hồ, bài đăng đã nhận được hơn 56.000 lượt tương tác.
Pavel Durov cũng cho biết đã gặp lãnh đạo Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp (DGSE), ông Nicolas Lerner, vào mùa xuân tại khách sạn Crillon (Paris). Tại đó, ông Lerner được cho là đã yêu cầu Telegram dỡ bỏ các nội dung ủng hộ phe bảo thủ ở Rumani.
Bộ Ngoại Giao Pháp (Quai d’Orsay) đã ngay lập tức phủ nhận những cáo buộc “hoàn toàn vô căn cứ” của ông Durov, và cho rằng đây là chiêu đánh lạc hướng khỏi những nguy cơ can thiệp thực sự, đặc biệt từ Nga, có thể đe dọa nền dân chủ Rumani.
Được Le Monde liên hệ, DGSE thừa nhận từng liên lạc nhiều lần với Pavel Durov để nhắc nhở ông về trách nhiệm của nền tảng Telegram trong việc phòng chống khủng bố và nạn ấu dâm, nhưng bác bỏ mọi cáo buộc dính líu đến việc bịt miệng các tiếng nói bảo thủ ở Rumani.
Pháp : Quốc Hội thảo luận về quyền trợ tử
Về tình hình xã hội Pháp, trang nhất của tờ Le Figaro chú ý đến việc các dân biểu vừa thông qua luật sửa đổi, công nhận quyền được trợ tử. Những cuộc tranh luận trong Quốc Hội sẽ tiếp diễn để xác định rõ các tiêu chí áp dụng. Hiện tại, dự thảo luật quy định chỉ những bệnh nhân mắc bệnh nghiêm trọng và không thể chữa khỏi, bất kể nguyên nhân, tiên lượng sống bị đe dọa mới có thể yêu cầu được trợ tử. Ngoài ra, bệnh nhân phải chịu nỗi đau thể xác hoặc tinh thần tột độ và khôn nguôi, nhưng đồng thời phải có khả năng bày tỏ nguyện vọng được trợ tử một cách tự do và sáng suốt.
Hiệp hội hỗ trợ và chăm sóc giảm đau Pháp (Sfap) ước tính có hơn một triệu người có thể nằm trong diện này, mặc dù chỉ có một phần nhỏ sẽ thực sự yêu cầu được trợ tử. Kinh nghiệm từ Bỉ và Hà Lan cho thấy phần lớn các trường hợp trợ tử liên quan đến bệnh ung thư. Ở Pháp, với khoảng 450.000 ca ung thư di căn, câu hỏi đặt ra là trợ tử sẽ áp dụng ở giai đoạn nào, vì một số loại ung thư có thể được kiểm soát trong thời gian dài.
Dự thảo luật hiện tại không áp dụng với những người mắc chứng mất trí như Alzheimer, vì họ không có khả năng bày tỏ nguyện vọng một cách rõ ràng. Tuy nhiên, một số bác sĩ cho rằng những bệnh nhân này vẫn có thể xin được trợ tử khi còn minh mẫn.
Những người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, như Charcot hay Parkinson, khiến chất lượng cuộc sống suy giảm theo thời gian, cũng có thể yêu cầu được trợ tử. Những phế nhân do tai nạn cũng được nêu ra, mặc dù nhiều người cuối cùng có thể sẽ chấp nhận tình trạng tàn tật của mình theo thời gian.
Người cao tuổi trong viện dưỡng lão (Ehpad) có thể cũng nằm trong diện này, vì họ thường mắc nhiều bệnh mãn tính nghiêm trọng. Một số bác sĩ lo ngại rằng điều này có thể gửi một thông điệp tiêu cực, rằng họ không còn xứng đáng sống nữa.
Một số chuyên gia lo ngại rằng các tiêu chí có thể bị nới lỏng trong tương lai, như đã xảy ra ở Hà Lan, nơi hiện cho phép trợ tử đối với bệnh tâm thần nặng như trầm cảm. Nhiều tiếng nói kêu gọi cần giám sát chặt chẽ vấn đề này để tránh làm lệch hướng tinh thần ban đầu của đạo luật.
Các băng nhóm ma túy ngày càng tinh vi
Về nạn buôn bán ma túy, trang nhất của nhật báo Công Giáo La Croix quan tâm đến việc hơn 80% lượng cocaine sản xuất tại Nam Mỹ được vận chuyển đến châu Âu bằng đường biển, thường qua các cảng của Pháp. Các băng nhóm buôn ma túy sử dụng nhiều phương pháp tinh vi để giấu hàng như giấu trong hoa quả, thậm chí dưới dạng lỏng trong chai nước trái cây. Đôi khi, những băng nhóm này dùng tàu ngầm nhỏ hoặc thuê thợ lặn để gắn ma túy dưới thân tàu.
Tháng 09/2024, 75 kg cocaine đã được phát hiện trong các thùng chuối tại nhiều cửa hàng ở vùng Bourgogne, Pháp. Các cảng của Pháp như Le Havre, Marseille hay Dunkerque thường xuyên bị nhắm đến. Riêng tại Dunkerque hồi tháng 3 vừa qua, cảnh sát đã thu giữ 10 tấn cocaine.
Những toán tội phạm này cũng dùng phương pháp “drop-off”, tức là tàu mẹ thả các bọc cocaine xuống biển gần bờ để tàu nhỏ đến nhặt. Tháng 04/2025, một vụ như vậy đã bị chặn ngoài khơi biển Manche, và cơ quan chức năng thu giữ 630 kg ma túy. Đôi khi, các bọc cocaine trôi dạt vào bờ, như vào tháng 02/2023 tại làng Réville, nơi một tấn cocaine được tìm thấy trên bãi biển.
Năng lượng hạt nhân được “chuộng” trở lại
Năng lượng hạt nhân, từng bị nhiều nước từ bỏ sau thảm họa Fukushima hồi năm 2011, đang có dấu hiệu quay trở lại. Nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất chú ý đến việc một số quốc gia như Bỉ và Đan Mạch đã thay đổi lập trường, cho phép xem xét hoặc khôi phục chương trình điện hạt nhân. Tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron đã khởi động chương trình xây dựng 14 nhà máy điện hạt nhân mới từ năm 2022.
Có ba nguyên nhân chính dẫn đến sự “hồi sinh” của điện hạt nhân. Đầu tiên là chiến tranh ở Ukraina khiến giá năng lượng toàn cầu tăng vọt và khiến các nước phải xem xét lại sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Tiếp theo là nhu cầu cắt giảm khí thải CO2 để chống biến đổi khí hậu đang ngày càng cấp thiết. Và cuối cùng là nhu cầu điện ổn định và lớn từ các trung tâm dữ liệu kỹ thuật số đang bùng nổ, trong khi năng lượng tái tạo hiện chưa thể cung cấp điện liên tục suốt ngày đêm.
No comments:
Post a Comment