Chiến tranh thương mại : « Bài học » Bắc Kinh dành cho Washington !
Minh Anh
Đăng ngày: 19/05/2025 - 14:45Sửa đổi ngày: 19/05/2025 - 17:19
RFI
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ xét lại các mức thuế đối ứng mà không cần đến các cuộc đàm phán. Việc áp dụng mức thuế quan mới từ tháng 7/2025 như dự trù chỉ có thể gây bất lợi cho Mỹ. Nhưng điều đáng chú ý là trong cuộc thương chiến này, Trung Quốc đã có những nước cờ đi chắc chắn đáng kinh ngạc. Đó còn là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài của Bắc Kinh nhằm « tước vũ khí » công nghiệp Mỹ (và kể cả châu Âu).

Ông Jean-Marc Vittori, cây bút thời luận trên nhật báo kinh tế Les Echos, ví cuộc thương chiến Mỹ - Trung như một vở kịch gồm 4 hồi được dựng trên một bức phông nền là việc Trung Quốc mở cửa với thế giới năm 1979 để dần dần trở thành « công xưởng » toàn cầu và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (2001).
Bốn hồi diễn
Trên bức phông nền này, còn có việc Trung Quốc mua đô la Mỹ để kềm giá nhân dân tệ và thói tiêu xài vô độ của Mỹ. Những đòn trừng phạt thuế quan đầu tiên thời chính quyền Obama, rồi các mức thuế của Donald Trump năm 2018, được chính quyền Biden duy trì năm 2020 và cuối cùng là mức thặng dư mậu dịch kỷ lục 1.000 tỷ đô la của Trung Quốc.
Trước khi vở diễn vén màn, Trump đánh khúc dạo đầu với những hứa hẹn áp thuế 60% đối với hàng Trung Quốc và 10% đối với các nước còn lại trong cuộc vận động tranh cử. Kết quả là ông giành được thắng lợi bầu cử ngày 05/11/2024.
Hồi một vở diễn mở ra với thông báo áp thuế nhắm vào các nước lân cận trong khu vực là Canada, Mêhicô và Colombia ở mức 25% ngay trong ngày nhậm chức đầu tiên. Đến ngày 01/02, khi Nhà Trắng thông báo áp thêm 10% thuế để đạt mức 20% đối với hàng Trung Quốc, để đáp trả, Bắc Kinh đưa ra một loạt mức thuế mới đối nhiều hàng nhập khẩu từ Mỹ, và cho mở điều tra nhắm vào Google.
Kể từ đây, thương chiến Mỹ - Trung bắt đầu leo thang với những đòn trả đũa thuế quan qua lại đầy ấn tượng với hồi II diễn ra trong suốt tháng 4/2025 : Mỹ lần lượt tăng thuế từ 34% rồi 145% đối với Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh cũng áp từ 34% lên 125% đối với hàng Mỹ. Rồi đến hồi III là màn « chùn bước » của Washington, cho đến hồi IV là cuộc đàm phán ở Geneve, Thụy Sĩ với thông báo tạm ngưng áp thuế đến 115% trong vòng ba tháng. Dù vậy, hàng của Trung Quốc vẫn bị đánh thuế 30% còn hàng Mỹ là 10%. Cứ như chưa có chuyện gì xảy ra.
Hoa Kỳ : « Con hổ giấy » !
Nếu như ở mỗi hồi diễn, các tuyên bố của Donald Trump khiến nhiều nước bị « tê dại », bị « điêu đứng », thì Trung Quốc, như đã biết lá bài đối thủ trong một ván cờ poker, bình thản có những nước đi trong chiến lược đối phó. Và trong cuộc đọ sức này, Donald Trump chẳng thu được điều gì từ đối thủ mà ông quyết định tấn công : Không mở cửa thị trường, không định giá lại đồng nhân dân tệ cũng không hứa hẹn mua thêm hàng Mỹ như đã từng làm vào cuối nhiệm kỳ I của Donald Trump. Và tệ hơn, mức thuế đối với hàng Trung Quốc thấp hơn một nửa so với những gì ông Trump tuyên bố trong vận động tranh cử.
Không những nhanh chóng đáp trả, chỉ trong vòng hai ngày, thay vì là hai tháng hay hai năm như ở Bruxelles, Bắc Kinh còn khôn khéo tăng dần đòn trả đũa bằng cách đánh mạnh nhưng thường xuyên « ít đau » hơn so với các biện pháp của Washington nhằm chứng tỏ thái độ có « chừng mực » của mình.
Phương pháp có hiệu quả này không phải là một sự ngẫu nhiên. Trung Quốc từ năm 2018, nhiệm kỳ đầu của Trump, đã có kế hoạch tách rời kinh tế giữa hai nước và đã cân nhắc cái giá phải trả. Khi có những dự báo thắng lợi bầu cử của Donald Trump, giới chức Trung Quốc đã xem xét đến nhiều kịch bản tấn công và phản đòn.
Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Bắc Kinh đã có thể hành động và phản ứng như thể đang diễu hành. Đương nhiên hồi V vẫn chưa diễn ra. Nhưng một điều chắc chắn, tại Trung Quốc, câu nói của Mao Trạch Đông lúc sinh thời khi cho rằng « Hoa Kỳ chỉ là con hổ giấy » mang tính thời sự hơn bao giờ hết !
Chuyên gia Jean-Marc Vittori kết luận : Đây là một bài học « tuyệt vời » mà Trung Quốc dành cho Mỹ (và trong chừng mực nào đó là cả châu Âu) !
No comments:
Post a Comment