Friday, June 21, 2024

Tiểu Vũ - Buồn vui chuyện nghề báo (2)
vendredi 21 juin 2024
Thuymy


Tháng Sáu có một ngày gọi là "Ngày Nhà báo Việt Nam". Đây cũng là dịp để mỗi người làm báo chia sẻ những câu chuyện buồn vui trên bước đường hành nghề của họ với bạn đọc.

Với tôi, một người làm báo chuyên viết mảng văn hóa văn nghệ nên có nhiều kỷ niệm với giới văn nghệ sĩ...Và câu chuyện về bài hát "Con đường xưa em đi" là một niệm khó phai nhất của riêng tôi.

Nhớ lại năm đó bất ngờ bài hát "Con đường xưa em đi" của nhạc sĩ Châu Kỳ bị Cục Nghệ thuật và Biểu diễn (NTBD) ra quyết định thu hồi và cấm lưu hành vĩnh viễn, vì họ cho rằng bài hát này sáng tác trước năm 1975 và có nội dung "nhạy cảm".

Để tìm hiểu, tôi đã tìm gặp gặp bà Kha Thị Đàng, vợ của cố nhạc sĩ Châu Kỳ. Trong cuộc trò chuyện kéo dài đến nửa ngày tôi đã hiểu hơn về về hoàn cảnh ra đời của bài hát, cũng như biết "con đường xưa em đi’’ là con đường nào. Khi ra về bà Kha Thị Đàng đã tặng tôi cuốn hồi ký về cuộc đời của bà và chồng nhạc sĩ Châu Kỳ. Bà viết: "Thương mến tặng em Tiểu Vũ - Nhà báo. Kỷ niệm ngày em đến với gia đình Châu Kỳ vì nhạc phẩm Con đường xưa em đi’’.

Nhớ lại, hồi đó, nghe tin 5 bài nhạc boléro quen thuộc bị "thu hồi", cánh phóng viên văn hoá ngỡ ngàng không thể tin được cái tư duy quản lý máy móc của cái cục nọ. Chúng tôi biết làm gì ngoài việc viết bài đăng báo. Anh em phóng viên văn hóa trong Nam ngoài Bắc kiên nhẫn trong cuộc hành trình "đòi quyền tự do" cho các tác phẩm bị cấm một cách oan ức.

Bằng những bài báo sâu sắc trong đó chuyển tải nhiều ý kiến của các chuyên gia âm nhạc, các nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ và cả ý kiến của bạn đọc, chúng tôi đã chứng minh cho cơ quan chức năng hiểu rằng "Con đường xưa em đi" là một tác phẩm âm nhạc. Đó là những cảm xúc nghệ thuật của người nghệ sĩ chứ không phải viết ra nhằm mục đích chính trị như người ta "tư vấn" cho Cục NTBD.

Điều đó ít nhiều đã tạo áp lực lớn cho Cục NTBD và các cơ quan quản lý văn hóa. Không lâu sau đó thì Bộ Văn hóa Thông tin Du lịch đã ký quyết định bãi bỏ quyết định cấm lưu hành bài hát "Con đường xưa em đi" do Cục NTBD đã ký trước đó. Không lâu sau nữa thì ông Nguyễn Đăng Chương cục trưởng đã bị kiểm điểm "rút kinh nghiệm sâu sắc", và ông Chương cũng bị điều chuyển sang làm công tác khác.

Đó là sự đóng góp nho nhỏ của những người làm báo như chúng tôi.

Có một câu chuyện rất thú vị do bà Kha Thị Đàng kể lại. "Con đường xưa em đi" chính là con đường xuyên qua cánh đồng để đi vào nhà máy dệt ở Biên Hoà nơi bà Đàng làm công nhân. Nhạc sĩ Châu Kỳ thường đưa đón bà mỗi khi tan ca. Sau này khi cả hai chuyển lên Sài Gòn sống, hình ảnh người người yêu với mái tóc dài đi qua cánh đồng đã tạo cảm hứng để nhạc sĩ Châu Kỳ viết ca khúc với ca từ rất đẹp:

Con đường xưa em đi

Vàng lên mái tóc thề

Ngõ hồn dâng tái tê

Anh làm thơ vu quy

Khách qua đường lắng nghe

Chuyện tình ta đã ghi…

Nếu như "Con đường xưa em đi" của nhạc sĩ Châu Kỳ gập ghềnh bao nhiêu, thì con đường đi của cánh báo chí chúng tôi (nhất là phóng viên văn hóa) cũng chông chênh không kém. Chỉ có tình yêu nghệ thuật, sự đam mê mới giúp chúng tôi cố gắng ở lại với nghề. Phóng viên văn hóa ít nhiều cũng mang tâm hồn nghệ sĩ, vì vậy cũng không lạ khi thấy họ mong manh, nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương, vì vậy rất cần sự che chở bảo bọc thương yêu của quý bạn đọc.

Trân trọng.

Về người vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ:

Bà Kha Thị Đàng vợ nhạc sĩ Châu Kỳ là con nhà trí thức ở Sài Gòn, là em ruột của ông Kha Vạng Cân -  Kỹ sư, nguyên là Đô trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn của Chính phủ Trần Trọng Kim và Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông là một nhân sĩ trí thức nổi tiếng của Nam Bộ, hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, tham gia kháng chiến chống Pháp từng kinh qua nhiều chức vụ như thành viên Hội đồng Quản hạt Sài Gòn - Chợ Lớn, Ủy viên Hội Thủ công nghiệp Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Sài Gòn-Chợ Lớn. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, ban đầu giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật Bộ Công thương. Sau đó ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ (1960 - 1975) của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau khi đất nước thống nhất, ông về miền Nam giữ chức vụ Trưởng ban Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian 1976 – 1978, và mất tại đó ngày 18 tháng 1 năm 1982. Tên của ông được đặt cho một con đường lớn tại thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trên biển ghi tên đường đã ghi sai thành Kha "Vạn" Cân. Đến tháng 9 năm 2020, chính quyền TP.HCM quyết định sửa lại thành tên đúng là Kha "Vạng" Cân.

Bà Kha Thị Đàng hiện đang sống với con trai tại thành phố Thủ Đức. Hàng ngày bà trông cháu, khi rảnh bà sáng tác văn chương và viết hồi ký về mối tình của bà với nhạc sĩ tài danh Châu Kỳ.

TIỂU VŨ 16.06.2024

Tiểu Vũ - Buồn vui chuyện nghề báo (1)

No comments:

Post a Comment