Sau bầu cử, Pháp và Mỹ có thể là những cộng tác viên đắc lực giúp Nga giải quyết vấn đề Ukraina?
Thanh Hà
Đăng ngày: 27/06/2024 - 15:44Sửa đổi ngày: 27/06/2024 - 16:04
RFI
Tại điện Kremlin, phải chăng tổng thống Vladimir Putin có nhiều lý do để mở rượu ăn mừng nếu đảng cực hữu chiến thắng sau bầu cử Quốc Hội Pháp ngày 07/07/2024 và nếu Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng sau bầu cử tổng thống Mỹ đầu tháng 11/2024 ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp bà Marine Le Pen tại điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 24/03/2017. AP - Mikhail KlimentyevCho đến tận sát ngày diễn ra vòng một bầu cử Quốc Hội Pháp chủ Nhật 30/06/2024, các cuộc thăm dò cho thấy đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc - RN vẫn dẫn đầu và rất có thể sẽ dễ dàng chiếm đa số tuyệt đối. Viễn cảnh chủ tịch đảng này, Jordan Bardella, 28 tuổi, trong vài tuần nữa được chỉ định làm thủ tướng Pháp có lẽ đang khiến chủ nhân điện Kremlin hài lòng.
Theo điều tra của báo mạng thiên tả Mediapart tuần trước, hơn một chục ứng cử viên đại diện cho đảng RN ra tranh ghế dân biểu Quốc Hội Pháp từng được Matxcơva mời « quan sát bầu cử tổng thống Nga hồi tháng 3/2024, hoặc mời viếng thăm Liên Bang Nga, hoặc là những tiếng nói hàng đầu bảo vệ chính sách của Vladimir Putin ».
Từ hai ngày qua, chủ tịch đảng RN thực sự lúng túng với tên tuổi của bà Tamara Volokhova, cố vấn cho nhóm nghị sĩ cực hữu tại Nghị Viện Châu Âu, luôn tham gia ủy ban đối ngoại đặc trách về các vấn đề an ninh và quốc phòng của Liên Âu. Cơ quan phản gián của Pháp từng báo động nhân vật này có liên hệ trực tiếp với các giới chức của Nga, thậm chí là liên lạc với một số nhân viên tình báo Nga. Trong danh sách ứng cử viên của đảng RN cũng có nhiều người, như luật gia Pierre Gentillet, được coi là những cái « loa tuyên truyền cho Putin » trong giới báo chí, trí thức Pháp.
Gia đình Le Pen cũng có nhiều mối liên hệ mật thiết với điện Kremlin : Bản thân bà Marine Le Pen, nguyên chủ tịch đảng, đã 4 lần đến Matxcơva, lui tới Hạ Viện Nga Duma và lần gần đây nhất, năm 2017, bà đã được tiếp kiến tổng thống Vladimir Putin trước khi ra tranh cử tổng thống Pháp. Marine Le Pen từ khi thay cha lãnh đạo đảng này đã tuyên bố bà « ngưỡng mộ tổng thống Putin ».
Nga, chủ nợ của RN
Không những thế Kremlin còn là « chủ nợ » của đảng cực hữu Pháp. Năm 2014 đảng Mặt Trận Quốc Gia - FN, tiền thân của RN, đã vay một ngân hàng Nga 9,4 triệu euro để tài trợ cho các chiến dịch vận động tranh cử tại Pháp. Trong cuộc chạy đua vào điện Elysée năm 2017, Marine Le Pen một lần nữa lại trông cậy vào các nhà tài trợ ở Matxcơva, nhưng đã bị khước từ, khiến bà phải quay sang vay của một ngân hàng nhà nước Hungary trong tay thủ tướng Viktor Orban, cũng lại là một người thân Nga.
Nhật báo Libération cũng như báo mạng Mediapart trong những ngày qua điểm lại tất cả những lần mà bản thân bà Le Pen và các nghị sĩ của đảng này ở Hạ viện Pháp cũng như tại Nghị Viện Châu Âu bỏ phiếu chống các biện pháp trừng phạt nước Nga về việc thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014, hay về « chiến dịch quân sự đặc biệt » Matxcơva khởi động tháng 2/2022 xâm chiếm Ukraina.
Chỉ bấy nhiêu cũng đủ cho thấy nếu như đương kim chủ tịch đảng RN trở thành thủ tướng Pháp, Paris không thể tiếp tục là điểm tựa « vững chắc » giúp Kiev chống quân xâm lăng Nga bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Vả lại trong kịch bản nội các trong tay phe cực hữu, chia sẻ quyền lực với đảng RN của Jordan Bardella, tổng thống Emmanuel Macron sẽ ở trong thế yếu. Macron là nhà lãnh đạo của châu Âu có tiếng nói cứng rắn nhất với Nga, liệu rằng Pháp có thể tiếp tục gửi máy bay tiêm kích Mirage 2000-5 để tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraina hay không ? Kế hoạch điều chuyên gia quân sự của Pháp, của châu Âu sang Ukraina rồi sẽ đi về đâu ?
Vladimir Putin thừa biết trong hoàn cảnh này, Emmanuel Macron sẽ không còn một mình tự quyết về chính sách đối ngoại, cho dù đây vẫn là lĩnh vực « thuộc thẩm quyền của tổng thống Pháp ».
Trump cũng « ngưỡng mộ » Putin
Nhìn sang Hoa Kỳ, 4 tháng trước bầu cử, tối nay, hai ứng cử viên tổng thống Donald Trump và Joe Biden tranh luận tay đôi. Các thăm dò cho thấy tổng thống mãn nhiệm không nắm thế thượng phong. Về mặt chính thức, Vladimir Putin nói ông thích Joe Biden tiếp tục giữ chìa khóa Nhà Trắng hơn Trump. Nhưng giới phân tích đồng loạt nghi ngờ về mức độ tin cậy từ mỗi phát biểu của chủ nhân điện Kremlin. Hơn nữa, như bà Le Pen, cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã từng thẳng thừng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Putin. Trump cũng là người chủ trương « rút nước Mỹ ra khỏi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO ». Lại cũng tổng thống Mỹ thứ 45 đã báo trước, khi trở lại Phòng Bầu Dục, ông sẽ chỉ cần 24 giờ để giải quyết chiến tranh Ukraina.
Công luận quốc tế và nhất là người dân Ukraina hay những người lính đang cầm súng ở chiến trường còn nhớ rõ chính những đồng minh của Donald Trump ở Hạ Viện Mỹ đã chặn gói viện trợ 60 tỷ đô la cho Ukraina trong nhiều tháng trời, để rồi hệ thống phòng không của Ukraina « gần như tan vỡ ».
Nhà nghiên cứu Leon Aron của viện American Enterprise Institute, trụ sở tại Washington, được báo chí Canada trích dẫn, giải thích, trên hồ sơ Ukraina, rất có thể tổng thống Nga « án binh bất động » cho đến sau bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Vladimir Putin sẽ không thay đổi kế hoạch cả về ngoại giao lẫn quân sự, mà sẽ « chờ để có được một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt chiến tranh mà không quá tốn kém (…), không phải nướng thêm quân ». Matxcơva đánh cược vào khả năng Donald Trump đắc cử và sẽ chặn các khoản viện trợ quân sự cho Ukraina.
Câu hỏi còn lại là Liên Âu có sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev nữa hay không khi mà trong số 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Nga đã có khá nhiều cánh tay đắc lực như thủ tướng Hungary Viktor Orban, hay thủ tướng Slovakia Robert Fico, và cũng rất có thể là thêm cả thủ tướng Pháp tương lai Jordan Bardella, nếu đảng cực hữu RN chiếm đa số tuyệt đối sau bầu cử Quốc Hội.
No comments:
Post a Comment