Friday, June 28, 2024

Bầu cử Quốc Hội Pháp: Các đối tác Liên Âu lo ngại về vị thế tương lai của Paris
Thanh Phương
Đăng ngày: 28/06/2024 - 15:10
RFI

Cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp ngày 30/06 và 07/07 dĩ nhiên không nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles hôm qua, 27/06/2024, nhưng các đồng minh của tổng thống Emmanuel Macron đều lo lắng trước khả năng đảng Tập Hợp Dân Tộc thắng cử, lập được chính phủ cực hữu đầu tiên tại Pháp kể từ sau Thế chiến thứ hai. Điều này sẽ ảnh hưởng đến vị thế của Pháp trong tương lai, cũng như đe dọa sự ổn định của toàn khối 27 nước châu Âu.

Từ trái sang phải: TT. Ukraina Volodymyr Zelensky, thủ tướng Đức Olaf Scholz, chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, và chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula Von Der Leyen. via REUTERS - OLIVIER HOSLET

Theo hãng tin AFP, hôm Chủ nhật vừa qua, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố ông “rất quan ngại về cuộc bầu cử tại Pháp”, đồng thời tỏ mong muốn nhìn thấy chiến thắng “của các đảng không phải là đảng của Le Pen”. Mối lo ngại của các đồng minh của ông Macron càng lớn vì cuộc chung sống giữa tổng thống đương nhiệm của Pháp với một thủ tướng cánh hữu, nếu khả năng này xảy ra, được dự báo là sẽ rất căng thẳng.

Bên cạnh tranh cãi về vai trò của tổng thống với tư cách tổng tư lệnh quân đội sau tuyên bố của bà Marine Le Pen rằng vai trò này « chỉ mang tính hình thức », còn có thẩm quyền bổ nhiệm các ủy viên châu Âu người Pháp. Chủ tịch đảng Tập Hợp Dân Tộc Jordan Bardella đã báo trước là nếu đảng này thắng cử và nếu thành lập được chính phủ, ông sẽ bổ nhiệm đại diện tương lai của nước Pháp trong Ủy Ban Châu Âu.

Để ngăn chận khả năng đó, ngay từ hôm qua, tổng thống Macron đã thông báo với các đồng minh của ông tại Bruxelles là ông sẽ tái bổ nhiệm ủy viên châu Âu người Pháp Thierry Breton. Nhưng như nhận định của hãng tin AFP, trong vấn đề này, khía cạnh pháp lý là không rõ ràng. Trong hai thời kỳ “chung sống” 1986-1988 (thời Mitterrand) và 1997- 2002 (thời Chirac), thủ tướng và tổng thống mỗi người bổ nhiệm một ủy viên châu Âu đại diện cho nước Pháp. Vấn đề là kể từ nay, nước Pháp chỉ còn một chiếc ghế ủy viên châu Âu. 

Nhưng hồ sơ gây lo ngại nhiều nhất cho các đồng minh của tổng thống Macron đó chính là Ukraina. Tổng thống Pháp đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev chống quân xâm lược Nga. Nhưng một chuyên gia về các vấn đề quốc tế trong phe của Macron nhìn nhận là viện trợ quân sự 3 tỷ euro hứa cho Ukraina năm nay không phải là tùy thuộc vào ông. Vị chuyên gia này cho biết chính quyền Kiev đang rất lo lắng, vì đảng Tập Hợp Dân Tộc vẫn bị xem là thân Nga và nay chỉ miễn cưỡng tuyên bố ủng hộ Ukraina. Jordan Bardella đã báo trước là nếu lên làm thủ tướng, ông sẽ không chấp nhận gởi quân lính cũng như vũ khí tầm xa sang Ukraina.

Bầu cử Quốc Hội Pháp cũng đang đặt ra vấn đề về ảnh hưởng của tổng thống Macron trong Liên Hiệp Châu Âu. Trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu đầu tháng 6 vừa qua, các ứng cử viên của ông đã thua nặng trước đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, và nhóm nghị sĩ của phe tổng thống Macron nay đã tụt xuống hạng tư, sau nhóm của thủ tướng cực hữu Ý Giorgia Meloni.

Nói chung, các đồng minh của tổng thống Macron trong Liên Hiệp Châu Âu lo ngại trước nguy cơ mất ổn định tại một trong những nước thành viên lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong khối. Tiếng nói của nước Pháp chắc chắn sẽ bị hạn chế, vì nếu phải chung sống với đảng cực hữu, tổng thống Macron sẽ không thể toàn quyền quyết định. Hơn nữa, các lãnh đạo khác của Liên Âu vẫn không hiểu rõ về cách vận hành của hệ thống chính trị Pháp mỗi khi có sự “chung sống”. Cũng chưa ai biết cụ thể chính sách ngoại giao của chính phủ đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc sẽ ra sao, để có thể dự báo tác động đối với Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt là đối với cặp bài trùng Pháp-Đức, vốn vẫn là nền tảng của khối này.

No comments:

Post a Comment