Friday, June 28, 2024

Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu: Chính thức đề cử các chức vụ lãnh đạo
Trọng Thành
Đăng ngày: 27/06/2024 - 13:27Sửa đổi ngày: 27/06/2024 - 16:23
RFI

Lãnh đạo 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) họp trong hai ngày, hôm nay 27 và ngày mai 28/06/2024, tại Bruxelles, để thống nhất ý kiến về các vị trí lãnh đạo chủ chốt của khối này và xác định đường lối trong nhiệm kỳ 5 năm tới (2024 - 2029).

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trước cuộc họp phi chính thức của các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, tại Bruxelles, Bỉ, ngày 17/06/2024. REUTERS - Johanna Geron

Tại thượng đỉnh lần này, lãnh đạo 27 nước sẽ chính thức đề cử ba vị trí lãnh đạo chủ chốt, gồm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu và lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu, để đưa ra bỏ phiếu tại Nghị Viện Châu Âu sau đó. 

Tái tranh cử chức chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, chính khách người Đức Ursula von der Leyen, ứng viên duy nhất, được ba lực lượng chính trị hàng đầu trong Nghị Viện Châu Âu ủng hộ, gồm đảng cánh hữu PPE, đảng Xã hội - Dân chủ và đảng cánh trung Renew.

Đức đặt điều kiện với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu tương lai 

Thủ tướng Đức, nhân vật chủ chốt trong liên minh ủng hộ bà Ursula von der Leyen tái ứng cử, đặt điều kiện là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu tương lai không được liên minh với các lực lượng chính trị cực hữu. 

Thông tín viên Pascal Thibaut tường trình từ Berlin: 

Miss Europa’’ (nữ vương châu Âu) là biệt danh của thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã để lại dấu ấn của mình trên lục địa này trong 16 năm. Giờ đây, Ursula von der Leyen có thể cầm tiếp ngọn đuốc và mang theo biệt danh của chính người mà bà đã chịu ơn trong sự nghiệp của mình. Ursula von der Leyen từng là bộ trưởng bang Hạ Sachsen, nơi cha bà lãnh đạo. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu từng nắm giữ ba chức bộ trưởng dưới thời thủ tướng Angela Merkel (bộ Gia Đình, Việc Làm và Quốc Phòng) từ năm 2005 cho đến năm 2019, khi bà được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, trước sự ngạc nhiên của công chúng. 

Để được tái bổ nhiệm, thành viên cánh tả của đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo - CDU này đã nhận được sự ủng hộ của liên minh do thủ tướng Olaf Scholz đứng đầu. Nhưng thủ tướng Đức hôm qua đã nhấn mạnh trước Quốc Hội điều kiện để hậu thuẫn chủ tịch Ủy Ban Châu Âu tái ứng cử vào chức vụ này là bà Ursula von der Leyen không được dựa vào phiếu bầu của các thế lực dân túy. Tuyên bố được đưa ra vào lúc mà Ursula von der Leyen đề nghị mở rộng liên minh cho phong trào chính trị cực hữu của thủ tướng Ý Meloni tham gia.  

Thủ tướng Scholz nói: “Ba phần tư người dân châu Âu đã không bỏ phiếu cho các đảng phái cực đoan. Như vậy, điều quan trọng là tại Nghị Viện Châu Âu giờ đây phải có được một liên minh đa số của các lực lượng chính trị rõ ràng đứng về phía Liên Âu. Tôi hy vọng là Ủy Ban Châu Âu nhiệm kỳ tới sẽ dựa vào liên minh đa số này”.  

Đảng Dân chủ - Thiên Chúa Giáo Đức, từ lâu vốn lo ngại về việc Ursula von der Leyen theo xu hướng quá tự do trong các vấn đề xã hội, hoặc quá thiên về môi trường trong suốt 5 năm qua với Thỏa thuận Xanh (Green Deal) mà bà thúc đẩy, đã kiên quyết ủng hộ chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Chủ tịch đảng Dân chủ - Thiên Chúa Giáo Đức Merz hôm qua nhắc lại rằng phe bảo thủ, tức lực lượng chính trị hàng đầu trong Nghị Viện Châu Âu, sẽ không chấp nhận bất kỳ lựa chọn nào khác"

Thủ tướng Ý phẫn nộ 

Đối tượng của cảnh báo nói trên của thủ tướng Đức là liên đảng cực hữu châu Âu ECR, giành được 83 ghế trong cuộc bầu cử vừa qua, và nay là nhóm nghị sĩ lớn thứ ba của Nghị Viện Châu Âu. Hôm qua, thủ tướng Ý Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng cực hữu Fratelli d’Italia, thành viên trụ cột của ECR, đã bày tỏ thái độ phẫn nộ tại Quốc Hội nước này, vì liên đảng ECR đã không được tham gia vào các đàm phán về các chức vụ lãnh đạo chủ chốt. 

Theo quy định của Liên Âu, được Euronews dẫn lại, ba vị trí lãnh đạo chủ chốt của Liên Âu cần tối thiểu sự ủng hộ của 20 quốc gia thành viên, với ít nhất 65% dân cư của Liên Âu. Thủ tướng Ý để ngỏ khả năng không tham gia vào cuộc bỏ phiếu của khối 27 nước. Theo một số nhà quan sát, mục tiêu chính của thủ tướng Ý khi gia tăng áp lực như trên là để Roma có được ít nhất một chức vụ quan trọng trong các định chế Liên Âu tương lai. 

Tái khẳng định ủng hộ Ukraina

Trong dự thảo thông cáo chung của thượng đỉnh EU, mà Reuters tham khảo được, khối 27 nước tái khẳng định ủng hộ Ukraina chống xâm lược Nga chừng nào Kiev cần, với mục tiêu "không để Nga giành chiến thắng". Liên Âu dự kiến thúc đẩy các hợp tác về quốc phòng của khối, đặc biệt về công nghiệp quốc phòng, hiện không đáp ứng được nhu cầu về vũ khí của Kiev trong cuộc kháng chiến chống Nga. Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia hôm qua kêu gọi Liên Âu lập một tuyến phòng thủ chung dọc biên giới của khối để chống lại các đe dọa từ Nga và Belarus. 

Dự thảo thông cáo chung của EU cũng kêu gọi tăng cường năng lực cạnh tranh của Liên Âu để đối phó với các áp lực kinh tế từ Trung Quốc và Mỹ, và đồng thời chuẩn bị cho việc khối 27 nước mở cửa đón thêm thành viên mới, gồm Ukraina, Moldova các nước miền tây bán đảo Balkan. 

Theo truyền thống của Liên Âu, văn kiện nói trên sẽ được sử dụng làm lộ trình hành động của Ủy Ban Châu Âu.

No comments:

Post a Comment