Sunday, June 30, 2024

Góp ý cho các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Giai đoạn, thời kỳ (Bài 3)
Nguyễn Thông
30-6-2024
Tiengdan
Tiếp theo bài 1bài 2

Những năm gần đây, trên báo chí, tivi, đài phát thanh, người ta dùng lẫn lộn hai từ chỉ thời gian là “giai đoạn” và “thời kỳ”. Nguyên nhân chủ yếu là cứ văn bản của nhà nước viết thế nào thì báo chí ôm nguyên xi như vậy, chẳng thèm tìm hiểu đúng hay sai.

Trước hết là từ “giai đoạn”. Theo Từ điển tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê, đó là phần thời gian trong một quá trình phát triển dài, để phân biệt với những khoảng thời gian ngắn hoặc tương đối ngắn khác (thời kỳ). Ví dụ: Giai đoạn cách mạng, giai đoạn lịch sử, đốt cháy giai đoạn, văn học giai đoạn 1930-1945… Thông thường, để gọi là giai đoạn thì thời gian cụ thể ít nhất phải chục năm trở lên; hoặc để nói về một khoảng thời gian dài không xác định, chẳng hạn: Cuộc kháng chiến chia làm 3 giai đoạn, ung thư giai đoạn cuối, giai đoạn kết thúc dự án…

Thời kỳ: Là khoảng thời gian được phân chia theo việc hoặc sự kiện nào đó. Ví dụ: Thời kỳ cuối bao cấp, thời kỳ chống Pháp, thời kỳ tập sự, thời kỳ mang thai… Thời kỳ thường chỉ thời gian ngắn, vài ba năm, gần chục năm, thậm chí vài tháng; chẳng hạn thời kỳ quân Pháp tập trung 300 ngày ở Hải Phòng trước khi rút hoàn toàn về nước, còn được gọi tắt là thời kỳ 300 ngày.

Thời kỳ khác với “thời”, bởi thời cũng nói về thời gian nhưng là thời gian dài, cực dài, nhất là không xác định cụ thể, ví dụ thời trung cổ, thời phong kiến, thời ăn lông ở lỗ… không bị giới hạn bởi sự việc hoặc sự kiện.

Hồi tôi đi học, các nhà soạn sách giáo khoa, các nhà chép sử dùng rất rõ ràng rành mạch 2 từ “giai đoạn” và thời kỳ”. Họ gọi khoảng thời gian 15 năm trước cách mạng tháng 8 là giai đoạn 1930-1945, chẳng hạn văn học giai đoạn 1930-1945, cuộc cách mạng giai đoạn 1930-1945, những 15 năm. Và trong giai đoạn đó có từng thời kỳ, ví dụ thời kỳ 1930-1931, 1931-1936, 1936-1939, 1939-1945, căn cứ vào từng vấn đề, đối tượng, sự kiện; chẳng hạn thời kỳ mặt trận Bình dân, thời kỳ tổng khởi nghĩa. Rất mạch lạc, gắn với những sự kiện cụ thể để mà chia ra thời gian, thời kỳ.

Chả hiểu sao, những năm gần đây, nhà nước, chính phủ, các bộ ngành, các cơ quan của nhà nước, rồi nhất là báo chí, đài này nọ dùng búa xua hai từ “thời kỳ”, “giai đoạn”. Chỉ 3 năm dịch Covid 2019-2021 cũng gọi là giai đoạn, cải cách tiền lương có 2 năm cũng là giai đoạn, còn quy hoạch điện những mười mấy năm lại gọi là thời kỳ. Đại loại cứ lung tung phèng, rối hơn dây điện, chả biết đường nào mà lần.

Lỗi này, trách cơ quan báo chí một, thì chê chính phủ mười. Phải nói thẳng, trình độ tiếng Việt của quan chức chính phủ bây giờ rất tệ, rất kém. Hỏng hết cả tiếng Việt.

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment