Trần Hoài Thư, người lính già không bao giờ chết!Hồ Phú Bông
26-6-2024
Tiengdan
“Old soldiers never die”, Trần Hoài Thư
Gặp một người trọng tuổi, xa lạ, câu cửa miệng thường là “xin chào…” ông hay bà. Nhưng Trần Hoài Thư, không phải xa lạ, tôi vẫn gọi là Ông. Thay vì gọi nhà văn, nhà thơ, cấp bậc trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, hoặc là nhà sưu tập và phục hồi văn chương miền Nam thời hậu thảm họa phần thư (chỉ tội ác Tần Thủy Hoàng đốt sách) của chế độ cộng sản hiện tại… thì quá dài mà danh xưng nào cũng xứng đáng và chính xác. Vì thế, xin gộp chung tất cả những danh xưng đó vào chữ Ông (viết hoa) với sự kính phục đặc biệt.
Cũng hơn mười năm trước, may mắn biết được Thư Quán Bản Thảo (TQBT), một ấn phẩm văn học xuất bản không định kỳ với chủ trương tìm và in lại những tác phẩm văn chương quý hiếm, đã bị phần thư, hoặc thất lạc vì xuất bản ngay trong những ngày cuối cùng của miền Nam tự do.
Điều kỳ lạ là, ấn phẩm không bán mà chỉ gửi tặng trong khi khá nhiều nhà xuất bản sách phải đóng cửa vì ế khách. Câu hỏi đương nhiên phải có là, kinh phí ở đâu để in ấn, xuất bản và bưu phí gửi biếu sách? Phải chăng chủ nhân là một triệu phú tài hoa và chịu chơi?
Khi khám phá ra thì máy in là đồ lạc-xoong người Mỹ bỏ, tháo gỡ đem về mày mò tự lắp ráp dưới tầng hầm một ngôi nhà ở New Jersey. Tài liệu thì tìm kiếm từ khắp nơi, đặc biệt ở thư viện Cornell, New York, tối thiểu đi/ về trong ngày phải mất 8 tiếng lái xe, bất chấp trời mưa, gió, tuyết. Rồi chọn lọc, đánh máy, viết bài, layout in ấn, đóng sách, cắt xén, xuất bản, gửi biếu… hoàn toàn thủ công.
Khối việc đồ sộ đó không ai có thể hình dung được là chỉ do đôi vợ chồng già Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến thực hiện, cùng với một nhóm bạn rất nhỏ, ở xa, góp sức.
Sự thật như thế đã quá đủ để ngả nón bái phục mà chưa cần nói đến khối lượng sách, tạp chí đồ sộ, bị phần thư, được phục hồi và xuất bản!
“Boat people” với hai bàn tay trắng mà tự thực hiện được một công trình văn học to lớn như thế, xin phép cho tôi được gọi Ông/Bà Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến là ân nhân, nếu không muốn nói là đại ân nhân của văn chương miền Nam và cũng sẽ là văn học Việt Nam tương lai.
Ông và Bà không những đã phục hồi được văn chương miền Nam mà còn ươm mầm cho các thế hệ kế tiếp hiểu đúng về sinh hoạt văn hóa xã hội miền Nam, dù lúc đó cộng sản miền Bắc đang gây cảnh núi xương sông máu, vẫn có Tự do.
Bái phục, tôi viết Người Giữ Mầm Cho Văn Chương Miền Nam gửi TQBT. Email hồi âm, Ông cho biết cảm động và được hỗ trợ tinh thần nhưng gợi ý tôi gửi nơi khác. Không nói thẳng, mà tôi tự hiểu, Ông không muốn TQBT tự khen mình. Không muốn chế độ phần thư có cớ xúc xiểm công việc thiêng liêng của Ông.
Bên dưới là đôi điều trong bài viết (năm 2013) đó:
… “Trong nước thì chế độ cộng sản lo thủ tiêu. Ngoài nước thì nhóm Trần Hoài Thư lo gây mầm! So sánh lực lượng, một bên là chủ trương của nhà nước, một bên chỉ năm bảy người tự xoay xở kiếm sống và tằn tiện từng đồng, tự tay làm tất cả mọi việc in ấn để xuất bản.
Một gã khổng lồ Goliath CSVN tỉ đấu với anh chàng tí hon David. Nhưng lịch sử cho biết, David thắng!
Và hôm nay, cũng thế. Văn chương miền Nam ngày một được phục hồi. Miền Nam mất nhưng văn chương miền Nam không mất! Sự thật, văn chương miền Nam vẫn sống như hơi thở của người miền Nam. Hơi thở của cuộc sống. Hơi thở đó là hơi thở của văn minh nhân loại, nên tự nó tồn tại”.
…
“Tôi tin văn chương miền Nam từ sau 30/4/1975 đến nay chỉ đang bị khô hạn nên không thể phát triển trong nước. Nhưng có được những tấm lòng như nhóm Trần Hoài Thư, như những bác nông dân cứ cố giữ tốt hạt giống cho vụ mùa, bất chấp nắng cháy, bất chấp khô hạn để chờ một ngày có cơn mưa lớn.
Cơn mưa làm hồi sinh!
Như mầm sống của cỏ cây, hoa lá chịu ẩn mình dưới băng tuyết với không gian tê cóng, rặt một màu xám xịt. Nhưng khi mùa Xuân đến, lại nhú mầm. Lại bùng lên nhiều loại hoa tuyệt đẹp giữa lớp băng tan. Chính những giọt thủy tinh lóng lánh còn vươn trên những cánh hoa đó lại có tác dụng làm hoa thêm đẹp, thêm tinh khiết.
Trong số sách nhóm Trần Hoài Thư tìm tòi, tái bản để giữ mầm đó tôi may mắn có được cuốn Cõi Đá Vàng của Nguyễn Thị Thanh Sâm.
Vì thế, mùa Xuân của văn chương miền Nam phải trở lại. Phải hồi sinh ngay tại Việt Nam như đã và đang bùng phát qua in chui, nhà xuất bản chui, phát hành chui”.
Ông Trần Hoài Thư là sĩ quan thám kích của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, từng đổ máu để bảo vệ miền Nam. Từng là phóng viên chiến trường trực diện với cái chết không rời ngay ngoài mặt trận. Từng dạy học và chính xác là nhà văn, nhà thơ quân đội.
Tan hàng, Ông là tù nhân bất khuất của chế độ cộng sản. Là “boat people” đi tìm Tự do. Cuối đời thì dốc sức tìm kiếm, phục hồi được di sản văn chương miền Nam để xuất bản làm quà biếu!
Vô tình Thư Ấn Quán và Thư Quán Bản Thảo của Ông đã biến chế độ phần thư trở thành chuyện khôi hài.
***
Câu nói nổi tiếng của Douglas MacArthur, vị tướng lừng danh nước Mỹ: “Old soldiers never die, they just fade away”. Vâng, người lính già Trần Hoài Thư không bao giờ chết. Và hơn thế nữa, Ông sẽ không bị “fade away”!
_________
Tiếng Dân: Sau đây là link toàn bộ 88 số, trong toàn bộ 103 số, của tạp chí Thư Quán Bản Thảo đã được nhà văn Trần Hoài Thư đưa lên mạng hồi tháng 4 năm 2020:
Năm 2020
Số 88: Tưởng niệm Nhà nhận định triết học Nguyễn Nam Châu (tháng 2-2020)
Năm 2019
Số 87: Đinh Cường và Bích Khê & Giới thiệu tạp chí Văn Hóa Á Châu
Số 86: Tưởng nhớ Nhà văn Trần Phong Giao
Số 85: Lữ Kiều Thân Trọng Minh & Houston ngày hội ngộ
Số 84: Tưởng nhớ bằng hữu công tác viên
Số 83: Mười khuôn mặt văn nghệ hy sinh trong chiến trận
Năm 2018
Số 82: Chủ đề Nhà văn Trần Doãn Nho
Số 81: Nguyễn Kim Phượng, người lính viết văn & dịch giả ở tiền đồn
Số 80: Tưởng nhớ nhà thơ Cao Đông Khánh
Số 80: Báo nói (Audio CD phát hành cùng lúc với số 80 do Cao Đông Khánh và Bùi Huy thực hiện)
Số 79: Trần Hoài Thư vẫn còn mãi đam mê
Số 78: Giới thiệu tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ
Năm 2017
Số 74: Nguyệt san Sinh viên Y Khoa SG: Tình Thương
Số 73: Giới thiệu tạp chí Văn Hóa Nguyệt san (Bộ Quốc gia giáo dục VNCH)
Năm 2016
Số 71: Chiều đầy bông Phùng Thăng
Số 69: Giới thiệu bán nguyệt san MAI
Năm 2015
Số 65: Tưởng niệm Nhà văn Hoàng Ngọc Hiển
Số 63: Hai mươi năm văn học miền Nam & Tạp chí Vấn Đề
Năm 2014
Số 61: Hiện tượng văn chương nữ giới miền Nam
Năm 2013
Số 58: Tinh nhân bản trong văn học miền Nam
Số 56: Những vấn đề văn học miền Nam thời chiến
Số 55: Nhà văn Dương Nghiễm Mậu
Năm 2012
Số 54: Ba lô mang thêm hồn thơ văn
Số 52: Tưởng nhớ Khoa Hữu & Nh. Tay Ngàn
Số 50: Chủ đề Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn
Năm 2011
Số 49: Kỷ niệm 11 năm – Tưởng nhớ Nhà thơ Lâm Vị Thủy
Số 45: Nhà thơ Lâm Hão Dũng (Mây Viễn Xứ)
Năm 2010
Số 41: Tuyển tập thơ văn mùa xuân
Năm 2009
Số 40: Những mùa Giáng sinh khó quên
Năm 2008
Số 31: Thơ văn hôm qua và bây giờ của ba người viết cũ: Nguyên Minh, Hoàng Ngọc Châu, Nguyễn Lệ Uyên
Số 30: Thơ văn hôm qua và bây giờ của 3 người viết cũ: Trần Huiền Ân, Cao Thoại Châu, Mang Viên Long
Năm 2007
Số 29: Tưởng nhớ Nhà thơ Từ Thế Mộng
Số 26: Nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc
Năm 2006
Năm 2005
Số 19: Nhà văn Nguyễn Nghiệp Nhượng
Số 18: Tưởng nhớ Y Uyên (1943 – 1969)
Năm 2004
Năm 2003
Năm 2002
Năm 2001
Số 2: Tuyển tập thơ văn tháng 11-2001
Số 1: Tuyển tập thơ văn tháng 10-2001 (ra đời vào thời điểm 9-11)
No comments:
Post a Comment