Cảnh báo “nguy cơ nội chiến”: Thủ đoạn hạ sách của tổng thống Pháp
Trọng Thành
Đăng ngày: 26/06/2024 - 18:13
RFI
Cuộc tranh cử Quốc Hội Pháp là chủ đề chính của tất cả các báo hôm nay, 26/06/2024, ba ngày trước cuộc bầu cử trước kỳ hạn. Le Figaro đối chiếu cương lĩnh tranh cử của ba liên minh lớn. Le Monde tố cáo cương lĩnh phân biệt kỳ thị của đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc – RN. Nhật báo Công giáo La Croix đặt câu hỏi về khả năng thực thi của cương lĩnh liên đảng cánh tả Mặt trận Bình dân mới - NFP, hứa hẹn “thay đổi triệt để”.
Nhóm cực hữu Comite du 9 Mai biểu tình tại Paris, ngày 06/05/2024. AFP - EMMANUEL DUNANDTổng thống Emmanuel Macron tiếp tục là tâm điểm chú ý. Le Monde dành hình ảnh lớn trên trang nhất cho ông Macron mà một phần gương mặt mờ đi, với hàng tựa “Emmanuel Macron, con người cô đơn”. Le Monde nêu bật một nghịch lý là tổng thống Macron “càng cố gắng hiện diện ở khắp nơi thì lại càng bị lên án, kể cả trong phe cánh mình”. Các dân biểu mãn nhiệm đảng cầm quyền không muốn ảnh chân dung tổng thống hiện diện bên cạnh họ trên áp phích tái tranh cử.
“Sư tử trong lồng”
Nhiều người gặp Macron trong những ngày gần đây mô tả tổng thống như “con sư tử trong lồng”. Dân biểu đảng Phục Hưng của tổng thống, vùng Occitanie, Hérault Patrick Vignal, ví Macron như “một nghệ sĩ đã hết thời”. Ngày 21/06 vừa qua, ông Macron đưa lên một trang mạng của các doanh nhân (Génération Do it Yourself/Thế hệ tự lập) một podcast dài đến một giờ 45 phút, giải thích lý do quyết định giải tán Quốc Hội đột ngột ngày 09/06. Một diễn đạt đặc biệt gây chú ý: tổng thống cảnh báo, nếu các đảng phái cực đoan (có nghĩa là hai liên đảng đối thủ của tổng thống) đắc cử, nước Pháp sẽ bị đẩy “vào nội chiến”.
Tại trụ sở chiến dịch tranh cử của đảng cầm quyền, không ai muốn bình luận về lời lẽ của Macron, ngày càng bị coi là "vụng về”. Ngay cả cử tri ủng hộ liên đảng cầm quyền cũng chỉ trích tổng thống đang diễn kịch. Chủ Nhật 23/06 vừa qua, theo một số cộng sự của tổng thống, ông Macron đã điện đàm với lãnh đạo các đảng phái trong liên minh để trao đổi về tính hiệu quả của “Lá thư gửi người Pháp” để thuyết phục dân Pháp về tính cấp thiết của việc bầu lại Quốc Hội.
“Hoặc là tôi, hoặc hỗn loạn”: “Hành xử trẻ con” của tổng thống Macron
Xã luận Le Figaro, với tựa đề “Hoặc là tôi, hoặc là hỗn loạn”, cũng cùng ghi nhận: tổng thống Macron tìm mọi cách để biện minh cho quyết định giải tán Quốc Hội. Le Figaro coi tổng thống hành xử như “trẻ con”. Bất ngờ tước đi của người Pháp những tuần lễ nghỉ hè yên bình với việc yêu cầu họ đi bỏ phiếu, cứ như là để khẳng định họ có trách nhiệm phải sửa chữa sai lầm đã mắc trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu. Buộc họ phải ‘‘chịu trách nhiệm’’ về kết quả cuộc bầu cử trước kỳ hạn. Rồi lại thêm đe dọa “nội chiến”. Và để tìm ra giải pháp, làm như thể là điện Elysée hoàn toàn vô can, ông Macron đề xuất ‘‘thay đổi triệt để cách điều hành đất nước’’, điều mà tổng thống đã hứa hẹn “cả ngàn lần” sau vụ bạo loạn Áo Vàng, cũng như trong đại dịch…
Le Figaro khép lại với nhận định: chẳng có ích gì khi hét lên báo động (‘‘Chó sói đấy!’’ – lời lẽ trong nguyên văn), khi tình hình hiểm nguy đã quá rõ. Điều mà người Pháp cần không phải là một nguyên thủ quốc gia “ứng xử đồng bóng, quá tự tin và hung hăng”.
Cảnh báo “nguy cơ nội chiến”: Món võ hạ sách
Nhật báo kinh tế Les Echos dành nhiều bài tập trung chỉ trích thái độ quá đà của tổng thống Macron. Bài ‘‘Cảnh báo viễn cảnh ‘nội chiến’, một cú đánh cược mạo hiểm của Macron” cho biết đông đảo chính trị gia Pháp cáo buộc Macron chính là nguồn gốc của căng thẳng hiện nay. Chủ tịch vùng Hauts-de-France, chính trị gia đảng cánh hữu LR Xavier Bertrand nhấn mạnh: “việc làm cho dân Pháp sợ hãi như vậy không giúp mang lại thay đổi gì”.
Theo nhà chính trị học Chloé Morin, Macron hy vọng việc nhấn mạnh đến nguy cơ nội chiến có thể giúp cho ông lôi cuốn được “bộ phận cử tri ôn hòa” đi theo. Trong khi đó, chuyên gia về thăm dò dư luận Brice Teinturier, tổng giám đốc Viện điều tra Ipsos France, coi đây là một món võ “hạ sách”, nhưng Macron cũng không còn cách gì khác hơn bởi sau 7 năm cầm quyền, tổng thống Pháp khó làm gì khác để thuyết phục được dân Pháp ngoài việc thổi phồng mức độ nguy hiểm. Với Brice Teinturier, phát biểu của tổng thống Pháp ''dễ bị đánh giá là coi dân như trẻ con'' và ''nếu đảng cực hữu gây lo sợ thì dân đã không ủng hộ đến mức này''.
‘‘Nguy cơ nội chiến’’: Khi tổng thống Pháp vừa đá bóng, vừa thổi còi…
Bài “Đất nước tan nát, ác mộng của cử tri” của Les Echos nhấn mạnh “tổng thống là người duy nhất” không được phép nói về “nguy cơ nội chiến”, cho dù nỗi lo này đã hiển hiện với đông đảo cử tri, bất kể kết quả bầu cử Quốc Hội ra sao. Nhật báo kinh tế Pháp tố cáo tổng thống vừa đá bóng, vừa thổi còi: Việc ông Macron cảnh báo “nguy cơ nội chiến’’, sau khi bất ngờ giải tán Quốc Hội và bầu cử lại trong thời gian ngắn kỷ lục, có thể khiến ông bị cáo buộc đã chủ trương sử dụng ác mộng của cử tri vì mục tiêu cá nhân.
Nguyên thủ quốc gia cần cẩn trọng
Về vấn đề này, Le Figaro trong bài ‘‘Bước đi sai lầm của Macron…” giải thích rõ là ông Macron cần thận trọng trong lời lẽ, bởi với tư cách nguyên thủ quốc gia, ông cần phải điểm mặt các lực lượng chính trị gây hỗn loạn, hoặc khẳng định sẽ không cho phép các kẻ thù của nền dân chủ phá hoại đất nước, chống lại kết quả của một cuộc bỏ phiếu dân chủ.
Đảng cực hữu để lửng các chính sách kỳ thị
Về cương lĩnh tranh cử của các đảng phái, hồ sơ trang nhất của Le Monde tập trung làm rõ cương lĩnh của đảng cực hữu RN, một mặt mang tính kỳ thị người gốc nước ngoài, nhưng mặt khác tích hợp các chính sách kinh tế của chính quyền Macron để nhằm thu hút cử tri cánh trung. Theo Le Monde, nếu đảng Tập hợp Dân tộc giành được đa số quá bán, hàng triệu người Pháp mang hai quốc tịch, làm việc trong nhiều lĩnh vực nhà nước, dịch vụ công, được đánh giá là “chiến lược”, có nguy cơ bị sa thải. Hiện tại, ban lãnh đạo đảng RN vẫn để treo vấn đề dễ gây phản ứng dữ dội này. Đảng cực hữu cũng tạm gạt sang một bên vấn đề cấm khăn trùm đầu (Hồi giáo) tại nơi công cộng, rất dễ gây phản đối dữ dội và khó lòng qua được cửa ải Tòa Bảo hiến.
Về ba chính sách lớn truyền thống của đảng cực hữu là tăng cường bộ máy tư pháp (với việc mở rộng nhà tù), siết chặt an ninh (tăng số lượng cảnh sát, quyền miễn trừ với cảnh sát trong giới hạn “tự vệ chính đáng”…) và cắt giảm mạnh các quyền của người nhập cư (giảm trợ giúp y tế, trợ cấp xã hội, và đặc biệt là xóa bỏ ‘‘quyền nơi sinh/droit du sol”, tức sinh ra ở nước nào có quốc tịch nước đó), Le Monde nhận định một số chính sách đàn áp của đảng RN sẽ vấp phải Hiến pháp của Pháp và các cam kết quốc tế của nước Pháp.
Kinh tế: Cực hữu bắt chước đảng cầm quyền để quyến rũ cử tri cánh trung
Le Monde chú ý đến đường lối tranh cử rất khác biệt giữa đảng cực hữu và liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới về kinh tế. Theo kinh tế gia Xavier Timbeau, Đài quan sát Pháp về Tình hình Kinh tế, thủ đoạn của đảng Mặt trận Dân tộc là trấn an cử tri cánh trung với các biện pháp “gần gũi nhất có thể” với cương lĩnh của liên minh cầm quyền, như giảm thuế doanh nghiệp, tăng lương cho nhân viên bằng cách giảm các khoản đóng góp của chủ cho bảo hiểm thất nghiệp - bệnh tật, đặt lao động và nỗ lực cách tân vào vị trí trung tâm của chính sách kinh tế….
Các biện pháp nhằm thu hút cử tri cánh trung nói trên không mâu thuẫn với các quan tâm truyền thống của cử tri đảng cực hữu, như cứng rắn với dân nhập cư và siết chặt an ninh. Đảng RN cũng tránh đưa ra những con số cụ thể về các khoản chi cho cương lĩnh của mình, nhằm gây ấn tượng là kế hoạch của họ không mấy tốn kém.
Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới hướng đến “thay đổi triệt để’’
Ngược với RN, liên đảng cánh tả muốn thể hiện rõ thay đổi triệt để so với chính quyền Macron. La Croix, sau hai số trước dành cho cương lĩnh của đảng cực hữu và liên đảng cầm quyền, dành hồ sơ chính hôm nay để làm rõ cương lĩnh của Mặt trận Bình dân mới (NFP). Cương lĩnh của NFP đưa ra gần 200 biện pháp, ít nhất có thêm 150 tỉ euro chi mới dự kiến. Theo La Croix, việc chi ồ ạt cho các mục tiêu kinh tế xã hội của NFP không phải là đặc sản của nước Pháp. Chính quyền Mỹ thời Obama đã làm như vậy, và gần đây là chính phủ đảng Xã Hội Tây Ban Nha.
Lấy tiền đâu cho các khoản chi khổng lồ này? Cánh tả dự kiến sẽ tăng thuế thông qua cải cách chế độ thuế khóa nhắm vào các tài sản lớn, siết chặt các điều kiện trợ giúp doanh nghiệp…, các biện pháp mà nhiều kinh tế gia cánh tả như Thomas Piketty coi là ‘‘sự tái lập công bằng xã hội và thuế”. Đối với dân biểu Paris, Maxime Sauvage, “tổng thống Macron đã làm Nhà nước nghèo đi khi xóa bỏ 50 tỉ euro thuế vì các lý do mang đầy tính ý thức hệ”. Theo La Croix, liên đảng Mặt trận Bình dân mới phải thuyết phục được cử tri về tính chất khả thi của cương lĩnh, đặc biệt trong bối cảnh nội bộ có nhiều bất đồng không dễ dung hòa, giữa cánh cực tả LFI và đảng Xã Hội cánh tả.
Đánh thuế 3.000 tỉ phú thế giới: Kinh tế gia Pháp trình sáng kiến lên G20
Đánh thuế các đại gia không chỉ là vấn đề của riêng nước Pháp. Theo La Croix, ngày hôm qua, 25/06, kinh tế gia Pháp Gabriel Zucman đệ nạp một báo cáo theo yêu cầu của Brazil, quốc gia chủ tịch khối G20 – tức 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, về một dự án thuế tối thiểu với các tỉ phú.
Theo đề xuất này, thuế tối thiểu 2% với 3.000 tỉ phú trên thế giới, có thể mang lại 250 tỉ đô la/năm. Pháp ủng hộ chủ trương này. La Croix nhận định: chúng ta hãy chờ xem liệu Brazil – cùng các đồng minh - có đảo ngược được xu thế hiện này để ấn định được biện pháp đột phá này hay không. Libération dành hai trang báo cho cuộc phỏng vấn kinh tế gia Gabriel Zucman về dự án đánh thuế các đại tỉ phú trên quy mô toàn cầu.
Cực hữu thắng tại Pháp: Hy vọng của nước Nga Putin
Cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp được theo dõi sát từ nước Nga. Les Echos có bài ‘‘Từ Bardella (đảng cánh hữu Pháp) đến Trump, Nga hy vọng những thay đổi ở phương Tây”. Theo ghi nhận của Les Echos, trước thềm cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu và 5 tháng trước bầu cử Mỹ, tại Diễn đàn kinh tế Quốc tế ở Saint-Petersbourg, giới tinh hoa Nga tỏ ra lạc quan, đặt hy vọng vào các thay đổi lãnh đạo tại châu Âu và Hoa Kỳ. Chủ tịch Hạ Viện Nga, Viatcheslav Volodine, nhân vật thân cận với Putin hoan hỉ nhận định kết quả bầu cử Nghị Viện Châu Âu là một “đòn đau” với tổng thống Macron và thủ tướng Đức Olaf Sholz.
Hy vọng gia tăng với nước Nga sau khi tổng thống Pháp giải tán Quốc Hội. Báo chí Nga hào hứng: lục địa châu Âu đang đứng trước ngưỡng cửa thay đổi. Tại Matxcơva, trong hậu trường, người ta chờ đợi thủ tướng tương lai của nước Pháp sẽ thuộc đảng cực hữu RN, một đồng minh ít hay nhiều trực tiếp của điện Kremlin. Les Echos nhắc lại là, nhiều nhân vật chủ chốt của Mặt trận Quốc gia Pháp từng tham dự Diễn đàn Yalta, bán đảo Crimée (thuộc Ukraina), sau khi Nga sáp nhập vùng đất này.
Tên tuổi của nhà Le Pen rất nổi tiếng tại Nga, và thường được coi như một chỉ dấu cho thấy quan hệ gần gũi giữa nước Pháp với điện Kremlin. Les Echos kêu gọi cảnh giác về ‘‘thái độ hai mặt’’ của đảng cực hữu: Hiện tại đảng Mặt trận Dân tộc bảo đảm sẽ không xét lại các cam kết quốc tế của nước Pháp trong việc hỗ trợ Ukraina các phương tiện chống xâm lược Nga.
Nguy cơ bầu cử Quốc Hội Pháp lấn át Thế Vận Hội
Cuộc bầu cử Quốc Hội bất thường tại Pháp gây lo ngại cho việc tổ chức Thế Vận Hội, “sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh”. Theo Libération, về mặt chính thức, ban tổ chức tin tưởng sự kiện sẽ diễn ra suôn sẻ, nhưng trong hậu trường nhiều người lo ngại bầu cử Quốc Hội và các hệ quả bầu cử sẽ lấn át Thế Vận Hội, và sự kiện này có thể bị phe cực hữu lợi dụng.
Bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin báo trước sẽ rời nhiệm sở ngay lập tức nếu đảng cực hữu giành chiến thắng. Một thành viên ban tổ chức bất bình với cảnh báo của lãnh đạo bộ Nội Vụ, với nhận định ‘‘thật khó có thể đưa ra quyết định nào tồi tệ hơn’’ về chính trị hay an ninh như vậy. Nếu phe cực hữu chỉ giành được đa số tương đối, quá trình thương lượng chính phủ kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, chính phủ Attal có thể ở lại cho đến khi có người kế nhiệm. Vấn đề quản lý những sự vụ liên quan đến Thế Vận Hội ở cấp chính phủ còn để ngỏ.
Vì sao ta quên những kỷ niệm đầu tiên thời thơ ấu?
Phụ trương Khoa học và Y tế của báo Le Monde hôm nay dành chủ đề chính cho vấn đề ‘‘Vì sao chúng ta lại quên đi những kỷ niệm đầu tiên thời thơ ấu ?”.Câu hỏi ám ảnh rất nhiều người là : tại sao những hồi ức sống động và hết sức quan trọng với đời sống một con người ở những năm đầu tiên của cuộc đời lại hầu như hoàn toàn bị xóa bỏ sau đó. Một em nhỏ 4 tuổi có thể nhớ lại dễ dàng một cuộc trình diễn xiếc gây ấn tượng mới xem chẳng hạn, nhưng đến tuổi 15, 16, các ký ức này gần như hoàn toàn bị xóa khỏi não bộ.
Trong thời gian gần đây, một số nghiên cứu thần kinh học nhận thức, tâm lý học thần kinh và sinh học phân tử đã vén lộ một số bí ẩn trong lĩnh vực này. Một số nghiên cứu cho thấy rõ xúc cảm cho phép người trưởng thành nối kết lại được với hồi ức tuổi nhỏ.
Hận thù gia tăng sau quyết định giải tán Quốc Hội...
Cảm xúc mãnh liệt đưa con người trở về với hồi ức tuổi thơ cũng là những điều mà nhiều người trải nghiệm. Bài xã luận của Libération với tiêu đề “Hận thù” cho biết cảm nhận về không khí hận thù dâng cao, dấy lên sau quyết định giải tán Quốc Hội bất ngờ của tổng thống, đã đưa nữ đạo diễn Pháp Alice Diop – tác giả của Saint Omer, giải Sư tử bạc Liên hoan phim Venise và giải César - trở lại với những hồi ức đen tối tuổi nhi đồng, khi cô ở trường tiểu học. Những hồi ức của cô bé da đen bị hành hung vì kỳ thị chủng tộc những tưởng đã chôn vùi, nay đột ngột trở lại, đầy ám ảnh. Cô tâm sự: "tôi như mất đi bộ da mình, toàn thân tôi cháy bỏng".
Theo Libération, nếu như thủ tướng Pháp Gabriel Attal dùng diễn đạt ‘‘nước Pháp đang đặt cược sinh mạng của mình trong cuộc bầu cử này’’ (nguyên văn “jouer sa peau”, tạm dịch là ''đánh cược tính mạng - màu da của mình"), thì đối với một số người, ám ảnh này mạnh hơn rất nhiều. Màu da của Alice Diop và những người khác khiến họ dễ dàng trở nên các đối tượng bị kỳ thị, một khi đảng cực hữu, với quan điểm kỳ thị người nước ngoài thâm căn cố đế, giành chiến thắng.
... và quyết định của nữ đạo diễn da đen
Đảng cực hữu có thể thay đổi chiến thuật, nhưng chủ trương đối lập người Pháp ''chính gốc'' với người gốc nước ngoài, “nỗi thù ghét người nước ngoài thì không thay đổi”, theo nhật báo thiên tả. Alice Diop sực tỉnh: ''một ngọn lửa bùng lên trong cô pha lẫn giận dữ, cảm giác bị phản bội và cảm xúc thất vọng tột độ". Bốn ngày sau khi tổng thống tuyên bố giải tán Quốc Hội, Alice Diop và những người đồng chí hướng với cô quyết định lập ra một tổ chức (Nous, on vote! Chúng ta bỏ phiếu) để vận động giới trẻ các khu phố nghèo bỏ phiếu chống lại phe cực hữu.
Trong một bài viết khác, Libération ghi nhận từ khi tổng thống quyết định giải tán Quốc Hội, số lượng lời lẽ nguyền rủa, miệt thị người nước ngoài tăng vọt. Nhật báo thiên tả dành bài phỏng vấn chính của số báo hôm nay cho Alice Diop với tiêu đề ‘‘Chống lại kỳ thị chủng tộc, phải hành động’’, nhấn mạnh "chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc đã ngấm sâu vào trong lòng xã hội, và được âm thầm dung dưỡng, hay được coi là chuyện hiển nhiên, đến mức dường như nó không còn là vấn đề nữa, trong lúc đây lại chính là vấn đề cốt lõi".
No comments:
Post a Comment