VNTB – Việt Nam đã cải thiện về tự do báo chí?Thới Bình
26.06.2024 4:22
VNThoibao
Nhắc lại câu chuyện của hơn một tháng về trước, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở ở Paris, Pháp, đã xếp Việt Nam thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí do “cầm tù nhà báo có hệ thống”.
Rất nhanh nhẹn trong vấn đề “hồi đáp”, ngày 6.5.2024, báo Công an nhân dân online có ngay một bài viết phản pháo. Theo đó, lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.
Đồng quan điểm với Công an nhân dân online, ANTV viết: “Thực tế, báo cáo về tự do báo chí của RSF vẫn chỉ là những quy kết vô căn cứ giống như nhiều năm trước”; “Dù mang danh lên tiếng vì dân chủ, nhân quyền, thúc đẩy tự do của báo chí thế giới nhưng các hoạt động cho thấy điều ngược lại. Không có một nghiên cứu chuyên sâu, cụ thể nào về tình hình báo chí ở Việt Nam. Cũng không sử dụng bất kì báo cáo nào của Chính phủ Việt Nam để đưa ra đánh giá. Tất cả vẫn chỉ là những quy kết vô căn cứ, quy chụp, thiếu thực tế như nhiều năm trước”.
Xét ở khía cạnh khoa học, có thể thấy những điều ANTV viết là hoàn toàn không sai. Để có thể đưa ra một bảng tổng kết về xếp hạng, cần phải có những số liệu thực tế; ghi nhận trực tiếp từ cuộc sống; lấy mẫu bao nhiêu, đối tượng nào, có đúng lấy từ người dân hay chăng đang lấy từ “người nhà cán bộ”? Sau đó phải có kết quả tổng hợp, phân tích, so sánh để mới đưa ra kết quả. Thậm chí, có người khó tính hơn, xét luôn cả phần mềm thống kê….
Tuy nhiên, ANTV cũng quên mất một điều. Dựa vào đâu mà ANTV có thể biết không có một nghiên cứu chuyên sâu, cụ thể nào về tình hình báo chí ở Việt Nam? Dựa vào đâu mà dám khẳng định không sử dụng bất kỳ báo cáo nào của Chính phủ Việt Nam? Và dựa vào đâu mà cho rằng đó là những quy kết vô căn cứ, quy chụp, thiếu thực tế? Trong khi việc “giam cầm” nhà báo tự do là hoàn toàn có thật. Đơn cử, rõ nét nhất là nhà báo độc lập với tiếng nói trung lập, ôn hoà, ông Phạm Chí Dũng.
Cũng xin được nói thêm, chỉ số tự do báo chí là một bảng xếp hạng về độ tự do báo chí ở gần như tất cả các nước trên toàn thế giới được đưa ra bởi tổ chức phi chính phủ Phóng viên không biên giới dựa trên các đánh giá của tổ chức này bằng những hồ sơ về tự do báo chí của các nước vào năm trước đó.
Chỉ số tự do báo chí được tập hợp từ đánh giá 7 thông số thành phần: 1. Tính đa nguyên của báo chí (mức độ các quan điểm khác nhau có thể thể hiện trên truyền thông); 2. Tính độc lập của truyền thông (mức độ truyền thông có thể vận hành độc lập khỏi các ảnh hưởng và quyền lực về chính trị, tôn giáo và doanh nghiệp); 3. Môi trường hoạt động của báo chí và mức độ tự kiểm duyệt; 4. Khuôn khổ pháp lý; 5. Tính minh bạch (mức độ minh bạch của các tổ chức báo chí và quá trình thủ tục ảnh hưởng lên việc sản xuất tin tức và thông tin) và 6. Cơ sở hạ tầng cho báo chí – truyền thông. 6 thông số này được gộp lại và tính cùng thông số thứ 7. Bạo lực với nhà báo.
Câu hỏi được đặt ra, phải chăng, mải lo chăm chăm vào cái xấu hay chăng do “có tật giật mình” mà cả Công an nhân dân và ANTV đều không để ý đến một điều, tự do báo chí ở Việt Nam đã được cải thiện.
Cũng theo tổ chức Phóng viên Không biên giới, năm 2023, Việt Nam bị xếp hạng gần cuối sổ 178/180 về tự do báo chí. Năm nay Việt Nam xếp hạng 174. Dù có thể chậm nhưng đó chính là một bước tiến.
Thay vì cứ chăm chăm vào cái sai, cái xấu của người khác. Vì sao không tích cực, nỗ lực thay đổi để mọi thứ trở nên tốt dần hơn?
“Nói ít làm nhiều” vẫn tốt hơn so với biện minh và chê trách…
No comments:
Post a Comment