Tây Du Ký và Lý thuyết Quan hệ quốc tếNguồn: Châu Phương Ngân, 《西游记》与国际关系, Tạp chí Khoa học Xã hội Trung Quốc, 07/06/2024.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
25.06.2024
NghiencuuQT
Trong Tây Du Ký, Đường Tăng cùng các đồ đệ đã du hành về phía Tây và đi qua nhiều quốc gia như nước Bảo Tượng, nước Ô Kê, nước Xa Trì, nước Tỳ Kheo… Mỗi lần đặt chân đến một quốc gia, thầy trò Đường Tăng đều phải trao đổi văn điệp thông quan và làm thủ tục xuất nhập cảnh. Trên đường đi, Đường Tăng liên tục thể hiện bản thân với tư cách là một tu sĩ Đại Đường, đây cũng có thể được coi là sự truyền bá quyền lực mềm của nhà Đường. Từ góc độ này có thể thấy, nội dung của Tây Du Ký đề cập đến những vấn đề xoay quanh quan hệ giữa các quốc gia.
Song song với đó, một số lý thuyết về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế cũng mang đến nhiều sự lý giải tương đối thuyết phục cho các hiện tượng trong Tây Du Ký. Hệ thống rộng lớn và thế giới huyền ảo mà Tây Du Ký tạo ra thể hiện nhiều nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế. Bài viết này tập trung phân tích một vài khái niệm và ý tưởng cốt lõi mà chủ nghĩa hiện thực trong lý thuyết quan hệ quốc tế đề cập đến, chẳng hạn như cách mà liên minh, cân bằng, phù thịnh, thế lưỡng nan về an ninh…, được phản ánh trong Tây Du Ký. Do thế giới mà Tây Du Ký cấu thành nên là hết sức đặc biệt nên biểu hiện của những ý tưởng và logic này trong đó cũng mang những điểm độc đáo rất riêng.
Thế lưỡng nan về an ninh của Hoa Quả Sơn
Trong quá trình phát triển sức mạnh của mình, Hoa Quả Sơn đã trải qua những tình thế lưỡng nan về an ninh, và điều hiếm có là, Tôn Ngộ Không có cho mình hiểu biết và nhận thức sâu sắc đối với logic của thế lưỡng nan về an ninh.
Sau khi học nghệ thành tài từ Bồ Đề Tổ sư, Tôn Ngộ Không quay trở lại Hoa Quả Sơn và phát hiện ra rằng, nơi đây đã trải qua những biến đổi không ngờ tới trong quá trình mình đi tầm sư học đạo. Bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn đang phải chịu sự áp bức của một con yêu quái tự xưng là Hỗn thế Ma Vương và rơi vào tình cảnh khá khốn khổ. Điều này khiến Ngộ Không hết sức phẫn nộ, Hầu Vương bổ nhào về phía Bắc, tìm thấy con yêu quái và đánh bại nó chỉ sau vài chiêu.
Có thể coi như Tôn Ngộ Không đã tiêu diệt được Hỗn thế Ma Vương mà chẳng tốn bao nhiêu sức lực, thế nhưng cuộc đụng độ ở Hoa Quả Sơn lại tạo ra đả kích khá lớn về mặt tâm lý, cũng như khiến Hầu Vương nảy sinh những suy xét hiện thực chủ nghĩa về tình thế an ninh mà Hoa Quả Sơn phải đối mặt. Hoa Quả Sơn vốn không phải là chốn “thế ngoại đào viên” đúng nghĩa, do có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào nên nó đã bị một số thế lực nhòm ngó. Để tránh việc bầy khỉ bị kẻ khác ức hiếp một lần nữa, Hoa Quả Sơn cần phải có cho mình một vài phương tiện vũ lực nhất định, chí ít là phương tiện phòng thủ có thể tự bảo vệ mình. Thế là Ngộ Không bảo bầy khỉ nhỏ “vót tre làm gậy, xẻ gỗ làm đao, cắm cờ xí, thổi kèn sáo, khi tiến khi lùi, dựng trại hạ trại”, tập luyện hết sức sôi nổi.
Khi bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn bắt đầu luyện võ, tình hình trở nên có chút phức tạp và thế lưỡng nan về an ninh – vấn đề cốt lõi của chủ nghĩa hiện thực phòng thủ – đã xuất hiện. Chẳng bao lâu sau, Tôn Ngộ Không đã ý thức được vấn đề này một cách sâu sắc. Một ngày nọ, trong lúc ngồi tĩnh lặng, Ngộ Không chợt nghĩ: “Chúng ta ngồi đây làm thế này khéo lại thành sự thực, hoặc sẽ làm kinh động đến muôn loài, hoặc sẽ có vua chúa của loài nào đó coi điều này là tội lỗi, cho rằng ta đang tạo binh làm phản nên cất quân đến đánh. Mà các ngươi toàn là gậy tre với đao gỗ, sao mà chống lại được. Phải có gươm kiếm sắc nhọn mới được. Biết sao bây giờ? (Hồi 3 Tây Du Ký)
Điều trớ trêu của sự việc này nằm ở việc, bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn đã sống ở đây hàng trăm năm. Trước đây, chúng không từng cảm thấy cần đến vũ khí, chứ đừng nói đến vấn đề chất lượng của vũ khí tốt xấu ra sao. Đến nay, khi đã có gậy tre và đao gỗ, chúng chợt nhận ra năng lực của mình còn chưa đủ. Một lý do quan trọng là việc bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn thực hiện huấn luyện quân sự có thể kích thích sự liên tưởng của các thế lực bên ngoài, đồng thời khiến bên ngoài nảy sinh những suy đoán về ý định của bầy khỉ, cho rằng chúng có thể có nhiều ý tưởng và mục tiêu theo đuổi hơn. Nói cách khác, song song với việc khả năng an ninh của bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn được nâng cao, các chủ thể khác có thể cảm thấy rằng sự an toàn của chính họ đang chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng lan tỏa, thậm chí không loại trừ khả năng họ có thể áp dụng cách tiếp cận tấn công trước để chiếm thế thượng phong đối với bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn.
Những gì tồn tại ở đây là một thế lưỡng nan về an ninh cực kỳ điển hình. Ban đầu, việc bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn tăng cường sức mạnh quân sự chỉ nhằm mục đích phòng thủ để bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, do áp dụng phương thức huấn luyện khá bài bản và còn xây dựng được một cơ cấu tổ chức khả quan nên đã làm dấy lên sự ngờ vực từ các chủ thể có liên quan khác. Sự hiềm nghi này khó có thể được loại bỏ qua những giải thích thông thường về ngôn ngữ. Kết quả là, thông qua tăng cường huấn luyện, mặc dù cảm giác an toàn của bầy khỉ đã tăng cao nhưng các chủ thể khác lại cảm thấy thiếu an toàn hơn. Điều này tạo ra sự tương tác phức tạp giữa bầy khỉ với các chủ thể khác, đồng thời cũng phản ánh tính chất phụ thuộc lẫn nhau về an ninh giữa các chủ thể.
Tây Du Ký được viết vào giữa thế kỷ 16, trong khi đó, lý thuyết quan hệ quốc tế của phương Tây chỉ mới đề xuất ý tưởng thế lưỡng nan an ninh từ sau những năm 1950. Qua đây có thể thấy, Tôn Ngộ Không đã có nhận thức rõ ràng về thế lưỡng nan an ninh sớm hơn khoảng 400 năm so với lý thuyết quan hệ quốc tế của phương Tây. Tất nhiên, tư duy chủ yếu của Ngộ Không thuộc về một dạng nhận thức cảm tính và chưa được lý thuyết hóa.
Đối diện với tình thế này, ý tưởng của Ngộ Không là tăng cường hơn nữa sức mạnh khí giới cho bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn. Phương pháp cụ thể là làm phép hô phong để chuyển một lượng lớn vũ khí từ kho vũ khí của nước Ngạo Lai về Hoa Quả Sơn. Sau khi đã có đao kiếm thật, Ngộ Không bắt tay vào việc. Hầu Vương thống kê số lượng khỉ, thấy có tổng cộng hơn 47.000 con, sau đó chia chúng thành các đội, bố trí sắp xếp và tăng cường huấn luyện. Nhờ vậy, sức chiến đấu của bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn đã được nâng cao về chất lượng.
Sự gia tăng sức mạnh của bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn đã dẫn đến sự mất cân bằng rõ nét trong tương quan sức mạnh giữa bầy khỉ với các loài khác. Hành vi lãnh đạo bầy khỉ tiến hành tập luyện của Tôn Ngộ Không đã khiến các loài yêu thú khác hoảng sợ. Các Yêu Vương như hùm beo, lang trùng của tổng cộng 72 hang động đều tìm đến bái kiến. Chúng “mỗi năm bốn mùa đều đến cống nạp và điểm danh, có kẻ gia nhập hàng ngũ tập luyện, có kẻ đến nộp lương theo mùa”, tất cả đều được đưa vào hệ thống trị vì của Hoa Quả Sơn. Phản ứng của bảy mươi hai động Yêu Vương cho thấy sự gia tăng sức mạnh của bầy khỉ đã thực sự tạo ra mối đe dọa đối với các loài khác, ít nhất là trong nhận thức của chúng, dù cho mục đích của bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn có lẽ chỉ mang tính phòng thủ.
Hậu quả của việc bảy mươi hai động Yêu Vương liên minh với kẻ mạnh
Từ góc độ lý thuyết quan hệ quốc tế, sau khi thế lực của bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn đột nhiên trở nên hùng mạnh, bảy mươi hai động Yêu Vương có thể áp dụng ba chiến lược chính để đối phó với bầy khỉ.
Chiến lược đầu tiên là hợp lực với nhau để cân bằng bầy khỉ. Điều này rất phù hợp với lý thuyết cân bằng quyền lực trong quan hệ quốc tế, tức là các chủ thể yếu hơn hợp lực để đối phó với chủ thể mạnh nhất, nhằm ngăn chặn chủ thể mạnh nhất đe dọa an ninh cơ bản của các chủ thể yếu hơn. Tuy nhiên, tình thế ở Hoa Quả Sơn là, sự tồn tại của Tôn Ngộ Không tạo ra một khoảng cách khá lớn giữa sức mạnh của bầy khỉ so với các nhóm khác, hơn nữa sức mạnh của bầy khỉ gia tăng quá nhanh, vậy nên việc hợp lực để cân bằng không mang tính khả thi.
Chiến lược thứ hai là quan sát và chờ đợi tình hình thay đổi. Nhìn từ góc độ lịch sử quan hệ quốc tế, sức mạnh quốc gia luôn trong một quá trình không ngừng biến đổi, tình hình quốc tế cũng liên tục biến hóa khôn lường và thường xuyên xảy ra những tình huống không thể ngờ tới. Vì vậy, nếu không có cách tốt thì kiên nhẫn chờ đợi cũng có thể coi là một lựa chọn khôn ngoan. Xem xét tình huống trong Tây Du Ký, nếu bảy mươi hai động Yêu Vương có tính nhẫn nại chiến lược tốt hơn thì thực tế là chưa đầy hai năm nữa, Ngộ Không sẽ lên Thiên Đình để làm Bật Mã Ôn và Tề Thiên Đại Thánh, rồi sau đó bị trấn áp dưới chân Ngũ Hành Sơn. Trong trường hợp này, chúng vẫn có thể tìm cách đối phó với những con khỉ còn lại. Tuy nhiên, sự phát triển về sau của Ngộ Không rõ ràng nằm ngoài dự liệu của bảy mươi hai động Yêu Vương.
Chiến lược thứ ba là đi theo kẻ mạnh và nương nhờ bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn dưới sự lãnh đạo của Ngộ Không. Với phương thức gia nhập bầy khỉ, chúng có thể tránh khỏi việc bị bầy khỉ làm tổn hại một cách cố ý hoặc vô ý, ngoài ra còn có thể nhận được sự bảo hộ của bầy khỉ và nâng cao hệ số an toàn của chính mình. Do giữa bảy mươi hai động Yêu Vương và bầy khỉ tồn tại một khoảng cách sức mạnh rất lớn, vậy nên trên thực tế, hai bên đã hình thành một liên minh không cân xứng, bảy mươi hai động Yêu Vương thậm chí còn trở thành thuộc hạ của bầy khỉ.
Điều này đặt ra một vấn đề, liệu việc liên minh với Hầu Vương có thực sự mang lại sự an toàn cho bảy mươi hai động Yêu Vương? Nhìn nhận từ sự phát triển về sau của các sự kiện, lý thuyết đồng minh trong quan hệ quốc tế cho rằng, nan đề chính trong quản lý quan hệ đồng minh là làm thế nào để cân bằng một cách hiệu quả các rủi ro tới từ việc “bị liên lụy” và “bị bỏ rơi” thường tồn tại trong các mối quan hệ đồng minh. Nhìn chung trong mối quan hệ đồng minh, bên mạnh hơn sẽ lo lắng nhiều hơn về việc bị liên lụy, còn bên yếu hơn thì lo lắng nhiều hơn về việc bị bỏ rơi. Trong Tây Du Ký, cuộc liên minh với Tôn Ngộ Không đã mang đến tai họa cho bảy mươi hai động Yêu Vương, đây là điều mà có lẽ lúc đầu chúng đã không ngờ tới.
Sau đó, Ngộ Không tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Vào lúc tiệc bàn đào được tổ chức trên Thiên Đình, Hầu Vương đã lén nếm thử đào tiên, rượu tiên, thuốc tiên và khiến buổi tiệc không thể diễn ra như dự kiến. Sau khi Ngộ Không trốn về Hoa Quả Sơn, Thác Tháp Lý Thiên Vương đã dẫn theo một trăm ngàn thiên quân tiến đánh và làm nổ ra trận chiến quyết định số phận của Hoa Quả Sơn, vấn đề “bị liên lụy” đã nảy sinh từ đây. Hành vi mạo hiểm của Ngộ Không đã khiến bảy mươi hai động Yêu Vương buộc phải tham gia vào trận đại chiến giữa Hoa Quả Sơn và Thiên Đình, đồng thời phải chịu tổn thất rất lớn vì việc này.
Không chỉ vậy, trong quá trình trận chiến diễn ra, bảy mươi hai động Yêu Vương còn phải nhận sự đối xử khác biệt so với bầy khỉ. Trước kẻ thù hùng mạnh, Ngộ Không đã làm gì? Hầu Vương “lập tức ra lệnh cho Độc Giác Quỷ Vương dẫn bảy mươi hai động Yêu Vương xuất trận.” Kết quả là sau trận chiến, hai Độc Giác Quỷ Vương và bảy mươi hai động Yêu Vương đều bị bắt, trong khi bốn tướng khỉ dưới trướng Hầu Vương và bầy khỉ đều bình an vô sự. Tuy nhiên, phản ứng của Ngộ Không trước thất bại này là: “Thắng thua là lẽ thường trong việc nhà binh. Cổ nhân nói: Giết một vạn người, quân ta cũng phải tổn hại ba ngàn. Các tướng lĩnh bị bắt đi đều là phường hùm beo, lang trùng, chồn cáo, còn đồng loại của ta không ai bị thương, thế thì có gì phải phiền não chứ?” (Hồi 5 Tây Du Ký). Rõ ràng, Ngộ Không quan tâm hơn đến sự an toàn của bầy khỉ và không hề để tâm đến việc bảy mươi hai động Yêu Vương bị bắt. Vào thời khắc sinh tử, trước tiên Hầu Vương đẩy các lực lượng ngoại vi nương nhờ vào mình ra tiền tuyến. Lúc này, bảy mươi hai động Yêu Vương đã không còn cơ hội hối hận nữa. Có vẻ như vào thời khắc tình thế có sự chuyển biến, cần phải suy nghĩ kỹ càng và hành động thận trọng khi đưa ra những lựa chọn về việc có nên thành lập liên minh hay không và liên minh với ai, nếu không có thể sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Tác giả là giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại ngữ Quảng Đông và là phó giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Quảng Đông.
No comments:
Post a Comment