Tuesday, June 25, 2024

Ngộ nhận về ngày 21 tháng 6
Phạm Đình Trọng
25-6-2024
Tiengdan

Đang trong thời nhiễu loạn; thật, giả, mọi giá trị bị đảo lộn. Xã hội ta hôm nay có quá nhiều ngộ nhận, một ngộ nhận ngày càng lan rộng rồi được nhìn nhận như một sự thật lịch sử hiển nhiên: Ngộ nhận ngày 21 tháng sáu là ngày nhà báo Việt Nam. Rực rỡ hoa tươi, thơm thảo quà cáp tưng bừng ở các tòa báo mừng ngày nhà báo Việt Nam. Tràn ngập những lời hoa mỹ trong không gian mạng rộn ràng xưng tụng ngày nhà báo Việt Nam, 21 tháng sáu!

Có bà do tổ chức phân công về nhận công tác ở một toà báo mà trở thành nhà báo. Như một cán bộ được tổ chức đảng cử đi học trường bổ túc công nông rồi được cử sang Liên Xô học đại học, làm tiếp nghiên cứu sinh mà có bằng tiến sĩ, có hàm giáo sư, dù chẳng có công trình khoa học gì có ích cho cuộc sống, cũng nghiễm nhiên là nhà khoa học của đảng.

Được phân công về toà báo, ngày thường bà đã chăm chỉ soi gương tự ngắm mình xúng xính trong bộ cánh nhà báo, ngày 21 tháng sáu càng ngắm trước, ngắm sau rồi trong sung sướng, thoả mãn, bà phán “Chỉ nên gọi là ngày Nhà báo VN thôi, chữ cách mạng nên bỏ đi vì có ai cách mạng và có ai chiến đấu với ai nữa đâu mà cách mạng…”. Đó, vốn liếng văn hoá xã hội của một nhà báo luôn hãnh diện: “Mình được bạn đọc và các doanh nghiệp, bạn bè yêu quý là nhờ những bài viết trên báo hơn 40 năm”! Ngày 21 tháng sáu được đôn lên, được xưng tụng là ngày nhà báo Việt Nam chính từ các nhà báo nông cạn, nghèo nàn nhận thức, trống hụt kiến thức xã hội như vậy.

Ngày 21 tháng sáu chỉ là ngày nhà báo cách mạng vì ngày 21.6.1925 ra đời một ấn phẩm thủ công chỉ để tuyên truyền cách mạng trong thanh niên thợ thuyền ở cảng Hải Phòng và mỏ than Hồng Quảng. Ấn phẩm thủ công thô sơ khổ 18 X 24 chỉ bằng trang vở học trò có tên Thanh Niên.

Ấn phẩm thủ công Thanh Niên do một mình Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Quảng Châu, Trung Hoa cặm cụi thực hiện toàn bộ việc chế tác. Viết bài. Chép bài viết bằng que nhọn trên giấy sáp. Lăn mực lên giấy sáp rồi in ra giấy trắng. Mỗi kỳ chế tác tạo ra khoảng hơn trăm tờ Thanh Niên với những bài viết truyền bá hận thù giai cấp. Giao tờ Thanh Niên cho người của tổ chức Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội làm việc trên tầu biển chạy tuyến Quảng Châu – Hải Phòng, lén lút đưa về cảng Hải Phòng rồi bí mật chuyển đến các tổ chức do đảng viên cộng sản gây dựng trong thợ thuyền trẻ ở cảng Hải Phòng, ở mỏ than Hồng Quảng, như một tài liệu bí mật, nội bộ.

Một người mày mò, hì hục làm bằng tay nên tờ Thanh Niên vụng về, thủ công từ hình thức, định kỳ thất thường, có khi một tuần, có khi hai, ba tuần mới ra được một số. Có mặt ngoài vòng pháp luật. Tồn tại ngắn ngủi. Tháng tư năm 1927 quân đội Tưởng Giới Thạch mở chiến dịch tấn công quyết liệt vào lực lượng cộng sản Trung Hoa. Nguyễn Ái Quốc phải rời Quảng Châu, lại bắt đầu một thời kỳ lang bạt vô định. Tồn tại chỉ hơn một năm, ấn phẩm thủ công Thanh Niên kết thúc ở số 88, cuối năm 1927.

Chỉ là tài liệu tuyên truyền những điều vỡ lòng, sơ đẳng về cách mạng vô sản trong nội bộ tổ chức cộng sản thời manh nha, nhỏ bé, bất hợp pháp, hơn trăm tờ Thanh Niên chỉ là tài liệu nội bộ của một tổ chức tồn tại ngoài vòng pháp luật, không làm chức năng thông tin về đời sống xã hội của một tờ báo, cũng không có tư thế, vị trí một tờ báo trong đời sống xã hội khi xã hội loài người đang hăm hở bước vào văn minh công nghiệp, văn minh đô thị, đòi hỏi phải có báo chí, lương thực văn hóa của con người, văn hóa xã hội đô thị.

Báo chí là sản phẩm của văn minh công nghiệp, văn minh đô thị, là hàng hoá của dây chuyền sản xuất công nghiệp để đáp ứng nhu cầu đời sống văn hoá xã hội của con người bước vào văn minh công nghiệp, văn minh đô thị. Như chiếc ô tô là sản phẩm của văn minh công nghiệp, là hàng hóa của dây chuyền sản xuất công nghiệp. Lao động thủ công không thể tạo ra chiếc ô tô. Không có nền sản xuất công nghiệp, không có sản phẩm ô tô.

Nền sản xuất công nghiệp tạo ra văn minh đô thị. Có cơ sở sản xuất công nghiệp mới có dây chuyền công nghệp xuất bản báo chí. Có văn minh đô thị mới có thị trường báo chí. Chức năng hàng đầu của báo chí là thông tin sinh hoạt đời sống xã hội loài người. Báo chí là hàng hoá của đời sống, là lương thực của con người văn hoá xã hội. Không có thị trường hàng hoá báo chí, không có không gian rộng lớn tự do lan toả thông tin, không có báo chí đích thực.

Nhà nước cách mang vô sản cần có lịch sử báo chí cách mạng liền lấy ngày ra đời ấn phẩm thủ công có tên Thanh Niên, làm ngày ra đời báo chí cách mạng. Nguyễn Ái Quốc đã khai sinh ra nhà nước cách mạng Việt Nam thì báo chí cách mạng Việt Nam cũng do Nguyễn Ái Quốc khai sinh ra là một bảo đảm chính trị vững chắc hơn cả sự thật lịch sử!

Nhưng đó chỉ là ý chí của nhà nước cách mạng, không phải sự thật của lịch sử báo chí Việt Nam. Ấn phẩm thủ công Thanh Niên chỉ là tài liệu nghiệp vụ, là văn bản nội bộ của một tổ chức chính trị, không làm chức năng một tờ báo, không có mảy may vị trí, vai trò và tác động qua lại với đời sống xã hội. Tồn tại bấp bênh, được chăng hay chớ rồi chết non, không có sự nối tiếp, sự ra đời của ấn phẩm thủ công Thanh Niên không phải là sự kiện khai sinh ra một nền báo chí.

Sự thật cội nguồn báo chí Việt Nam được ghi nhận trong lịch sử cận đại Việt Nam: Tờ báo đầu tiên của báo chí Việt Nam ra đời từ dây chuyền sản xuất công nghiệp là tờ Gia Định Báo do nhà văn hoá lớn Trương Vĩnh Ký xuất bản ở Sài Gòn. Số 1 Gia Định Báo phát hành ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ ngày 15 tháng 4 năm 1865, trước ấn phẩm thủ công Thanh Niên của Nguyễn Ái Quốc sáu mươi năm. Gia định Báo bền bỉ có mặt trong đời sống xã hội, trong thị trường báo chí Việt Nam suốt 44 năm, gần nửa thế kỷ giữa những biến động dữ dội của xã hội Việt Nam và thế giới.

Xã hội Việt Nam giữa thế kỷ mười chín vẫn chìm đắm trong xã hội nông nghiệp lạc hậu, tăm tối. Ngày 15 tháng 4 năm 1865, tờ Gia Định Báo phát hành ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành Nam Kỳ, mang ánh sáng văn minh công nghiệp, văn minh đô thị đến với xã hội Việt Nam tăm tối, thực sự là cuộc cách mạng sâu rộng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam. Sự ra đời của tờ Gia Định Báo đã xác nhận sự có mặt của nền báo chí hiện đại trên đất nước Việt Nam nông nghiệp lạc hậu. Không phải chỉ là cuộc cách mạng, sự xuất hiện của Gia Định Báo cùng hàng loạt tờ báo ngày, báo tuần, báo tháng xuất bản bằng dây chuyển sản xuất công nghiệp ở Hà Nội, Sài Gòn là bước tiến dài của xã hội Việt Nam.

Lấy ngày ra đời của ấn phẩm thủ công Thanh Niên làm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, nhà nước cách mạng của những người cộng sản Việt Nam đã đoạn tuyệt với dòng chảy văn hóa Việt Nam. Coi ngày 21.6.1925, ngày ra đời ấn phẩm thủ công Thanh Niên yểu mệnh là ngày báo chí Việt Nam, nhà nước cách mạng Việt Nam đã phủ nhận lịch sử, bóp méo lịch sử hiển hách, lâu đời, và tràn đầy sức sống của nền báo chí Việt Nam.

Nối tiếp Gia Định Báo, nửa cuối thế kỷ mười chín, đầu thế kỷ hai mươi, hàng loạt tờ báo tiếng Việt xuất bản bằng dây chuyền sản xuất công nghiệp ở Sài Gòn và Hà Nội liên tiếp xuất hiện và khoe sắc trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam: Nhựt Trình Nam Kỳ, ra đời năm 1883 ở Sài Gòn. Thông Thoại Khóa Trình, ra đời năm 1888 ở Sài Gòn. Đại Nam Đồng Văn, ra đời năm 1892 ở Hà Nội. Nông Cổ Mín Đàm, ra đời năm 1901 ở Sài Gòn. Đại Việt Tân Báo, ra đời năm 1905 ở Hà Nội. Đăng Cổ Tùng Báo, ra đời năm 1907 ở Hà Nội…

Tất cả những tờ báo đàng hoàng, chững chạc trên đã đưa ánh sáng văn minh công nghiệp, văn minh đô thị đến xứ sở bùn lầy nước đọng của nền sản xuất nông nghiệp cổ lỗ, nâng đời sống văn hoá tinh thần người dân Việt Nam lên một tầm nấc cao hơn, mở ra khung cửa sáng rộng cho trí thức và tuổi trẻ Việt Nam nhìn ra xã hội và nhìn ra thế giới, rút ngắn khoảng cách Việt Nam với thế giới trên tiến trình đi đến văn minh.

Những ấn phẩm đầu tiên thực sự là báo chí: Gia Định Báo, Đại Việt Tân Báo… đặt nền móng vững vàng cho nền báo chí Việt Nam đều được lưu giữ trong thư viện quốc gia ở Hà Nội và Sài Gòn như một giá trị văn hóa vĩnh hằng.

Ngày 15.4.1865 Gia Định Báo phát hành rộng rãi số báo đầu tiên, mở ra sự ra đời và phát triển mạnh mẽ, bền vững cả nền báo chí Vệt Nam. Ngày 15 tháng 4 hàng năm mới đích thực là ngày Nhà Báo Việt Nam.

________

Ảnh chụp tờ Gia Định Báo và các tờ báo khác, ra đời từ thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trước tờ Thanh Niên của Nguyễn Ái Quốc hơn nửa thế kỷ:

 






No comments:

Post a Comment