Thursday, June 20, 2024

Đón Putin, Hà Nội hứa ‘sẽ không hùa với nước khác chống Nga’
VOA Tiếng Việt
20/06/2024
VOA

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm là 'nồng ấm'


Chủ tịch nước Tô Lâm đã đón Tổng thống Nga Vladimir Putin với nghi thức long trọng nhất và hai vị nguyên thủ đã hứa với nhau rằng sẽ ‘không tham gia liên minh với bên thứ ba để làm tổn hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau’, truyền thông hai nước đưa tin.

Ông Putin đã bay từ Bình Nhưỡng đến Hà Nội vào sáng sớm ngày 20/6 trong chuyến thăm cấp nhà nước và là chuyến thăm lần thứ 5 của ông đến Việt Nam trên cương vị tổng thống Nga. Ông được người tương nhiệm Tô Lâm đón tại Phủ Chủ tịch vào trưa cùng ngày với 21 phát đại bác chào mừng, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.

Trong ngày đầu tiên của chuyến thăm kéo dài hai ngày, ông Putin đã hội đàm, sau đó họp báo với Chủ tịch nước Tô Lâm, gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và dự kiến cũng sẽ gặp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Ông Putin đến Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng giống như Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, không rõ vì sao ông Trọng đã không chủ trì lễ đón ông Putin như ông đã từng đón hai nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc.

‘Ủng hộ hòa bình’ 

Cuộc xung đột tại Ukraine là một trong những nội dung được đề cập tại cuộc hội đàm Tô Lâm- Putin, truyền thông Việt Nam cho biết. Việt Nam nằm trong số ít các nước đã nhiều lần bỏ phiếu trắng và phiếu chống đối với các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraine.

Mặc dù Nga đang tiến hành cuộc chiến ở Ukraine, ông Lâm được hãng tin nhà nước dẫn lời tái khẳng định lập trường của Việt Nam là ‘giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình’, ‘có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan’, tức là lợi ích của cả Nga và Ukraine. Tuy nhiên, bản tin của đài Russia Today của Nga không đề cập đến chi tiết này.

Việt Nam cũng bày tỏ sẵn sàng tham gia nỗ lực trung gian quốc tế để tìm kiếm giải pháp hòa bình bền vững cho vấn đề Ukraine, cũng theo lời ông Tô Lâm được dẫn lại.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, ông Tô Lâm cho biết hai nước Việt-Nga đã hứa với nhau là sẽ ‘không tham gia vào liên minh hay ký hiệp ước với các nước thứ ba để làm tổn hại cho độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của bên kia’, cả Russia Today và Thông tấn xã Việt Nam đều cho biết.

Trong bài viết đăng trên báo Nhân dân một ngày trước khi đến Hà Nội, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảm ơn Việt Nam vì ‘đã thể hiện lập trường cân bằng về cuộc khủng hoảng Ukraine’.

Putin khen Việt Nam ‘nhớ ơn’ 

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó, ông Putin được Russia Today dẫn lời nói với ông Chính rằng ‘điều rất quan trọng là ở Việt Nam các bạn vẫn nhớ rằng Liên Xô đã hỗ trợ cho nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến hào hùng chống lại người Pháp, sau đó là cuộc chiến với quân xâm lược Mỹ, và rồi giúp xây dựng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’.

Liên Xô trước đây và Nga sau này là nước đồng minh sớm nhất và lâu bền nhất của nhà nước cộng sản Việt Nam. Không chỉ trong các cuộc chiến với người Pháp, người Nhật, người Mỹ mà trong cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc, Moscow cũng đứng về phía Hà Nội. Sau này, khi Việt Nam bị cộng đồng quốc tế cô lập, cấm vận vì đưa quân vào Campuchia, Nga cũng nằm trong số những nước ít ỏi vẫn ủng hộ Việt Nam.

“Việt Nam là một trong những bạn bè và đối tác lâu đời nhất của Nga. Mối quan hệ tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau đã có từ rất lâu rồi. Nó đã trải qua thử thách của thời gian,” ông Putin được dẫn lời nói với ông Chính.

Trước đó, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói với người tương nhiệm Nga rằng Việt Nam ‘luôn trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình mà nhân dân Nga dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay’, theo Thông tấn xã Việt Nam.

‘Bạn bè tốt, tin cậy cao’

Hai ông đã mô tả quan hệ giữa hai nước là ‘rất tốt đẹp’ với ‘mức độ tin cậy cao’, hãng tin Nhà nước Việt Nam tường thuật. Ông Tô Lâm nói Việt Nam coi Nga là một trong những đối tác hàng đầu trong khi ông Putin khẳng định luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam trong chính sách ‘Hướng Đông’.

Sau cuộc hội đàm, hai vị nguyên thủ đã thông báo với báo chí rằng hai nước đã thông qua Tuyên bố chung nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Cụ thể, hai nước cam kết sẽ tăng cường tiếp xúc ở tất cả các cấp, đặc biệt là ở cấp cao nhất, thông qua tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội để đẩy mạnh hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau. Ngoài ra, hai nước cũng sẽ tăng cường hợp tác ở cấp độ địa phương, tăng cường giao lưu thanh niên và giáo dục thế hệ trẻ về quan hệ truyền thống giữa hai nước.

Hai nước cũng sẽ thúc đẩy du lịch bằng cách mở thêm đường bay, đơn giản hóa visa cho công dân Việt Nam, và thúc đẩy hợp tác lao động. Ông Putin cũng hứa là sẽ cấp thêm học bổng cho sinh viên Việt Nam du học ở Nga, cũng theo tường thuật của hãng tin Nhà nước.

Việt Nam và Nga bày tỏ lập trường ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông và giải quyết các tranh chấp trên vùng biển này bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ trao đổi một loạt văn kiện hợp tác song phương về giáo dục đào tạo, giao thông, tư pháp, hải quan, tài chính, khoa học-công nghệ, dầu khí…

Russia Today còn cho biết ông Putin nói cơ quan năng lượng nguyên tử của Nga (Rosatom) sẽ giúp Việt nam xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân và các trường đại học Nga sẽ đào tạo các chuyên gia về hạt nhân dân sự cho Việt Nam.

Việt Nam ‘thể hiện sự độc lập’ 

Kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2 năm 2022, ông Putin gần như bị phương Tây cô lập, thậm chí còn bị Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Sau khi lên nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5 hồi đầu tháng 5, những nước bạn bè thân cận mà ông Putin có thể đi thăm gồm có Belarus, Uzbekistan, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam.

Hà Nội, vốn có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và đối tác chiến lược với nhiều nước châu Âu và nền kinh tế của họ dựa rất nhiều vào thị trường và đầu tư của phương Tây, đã đối mặt với sức ép của phương Tây khi tiếp đón Tổng thống Nga. Trước thềm chuyến thăm, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã chỉ trích rằng ‘không nước nào nên cho Putin diễn đàn để thúc đẩy cuộc chiến xâm lược của ông ấy và cho phép ông ấy biến sự tàn bạo thành điều bình thường’.

Đài Russia Today đã ca ngợi Việt Nam ‘mặc kệ chỉ trích của Mỹ’ và gọi đó là ‘thất bại mới nhất của Washington trong nỗ lực cô lập Moscow’.

Còn Chủ tịch nước Tô Lâm trong cuộc họp báo chung đã nói rằng sở dĩ Việt Nam tiếp đón ông Putin là để ‘triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ’, tức là có thể tùy ý quan hệ với bất cứ nước nào mà không bị phụ thuộc vào nước nào.

“Khi tôi nói nồng ấm, ý tôi không chỉ muốn nói là nhiệt độ nóng bên ngoài mà còn là sự tiếp đón chân thành mà chúng tôi nhận được,” Tổng thống Putin được Russia Today dẫn lời nói về màn tiếp đón Việt Nam dành cho ông.

Trong một cử chỉ đặc biệt, ông Putin đã mời ông Tô Lâm đến Nga tham dự Lễ kỷ niệm 80 năm ngày chiến thắng phát xít ở Quảng trường Đỏ vào năm 2025, Thông tấn xã Việt Nam và Russia Today đều đưa tin.

No comments:

Post a Comment