Friday, March 1, 2024

VNTB – Việt Nam lại vi phạm nhân quyền khi bắt ông Nguyễn Chí Tuyến
Hoàng Lan Mộc Châu
01.03.2024 6:33
VNThoibao



(VNTB) – Việt Nam lại vừa vi phạm nhân quyền khi bắt giữ thêm một nhà hoạt động dân chủ, ông Nguyễn Chí Tuyến.

 Công an Hà Nội hôm 29/2 bắt tạm giam và khởi tố bị can bốn tháng đối với nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, cáo buộc ông Chí tội  “tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Trong hầu hết các quốc gia dân chủ, tự do, việc kêu gọi hoặc tuyên truyền cho các phong trào chính trị, thậm chí là phong trào chống đối chính phủ, lật đổ chính phủ là một phần của quyền tự do ngôn luận và biểu đạt, nếu các hành động này không vi phạm các quy định pháp luật cụ thể, như khích bác hoặc tuyên truyền bạo lực, kêu gọi hủy hoại tài sản công cộng, hoặc vi phạm an ninh quốc gia. 

Đòi hỏi sự thay đổi trong chính sách hoặc cơ cấu chính trị của một quốc gia thông qua các phong trào dân chủ hòa bình như ông Nguyễn Chí Tuyến hay các nhà hoạt động dân chủ khác, cụ thể những nhà báo trong Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam không phải là hành vi tội phạm. Trong hệ thống dân chủ tự do, việc tham gia vào các hoạt động như biểu tình, tự do ngôn luận và việc tổ chức các phong trào công dân là quyền được hiến pháp, pháp luật bảo đảm. 

Theo dõi các hoạt động của ông Nguyễn Chí Tuyến, chưa từng thấy ông không tuân thủ các quy định pháp luật của nhà nước Việt Nam, không tôn trọng nhân quyền, bạo động hoặc có hành vi bất hợp pháp nào. Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt là các quyền cơ bản được ghi trong Hiến Pháp. Bắt ông Nguyễn Chí Tuyến, đảng và chính quyền đã vi phạm hiến pháp.

Chính quyền Hà Nội bắt ông Tuyến, ghép tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đây là một tội mơ hồ mà chính quyền Việt Nam  lạm dụng để ghép tội công dân trong hệ thống pháp luật không minh bạch, thiếu công bằng. Sự mơ hồ trong định nghĩa tội này là hậu quả của sự lạm dụng quyền lực để trấn áp hoặc cản trở các hoạt động của các nhóm hoặc cá nhân hoạt động đấu tranh cho tự do, dân chủ mà chính quyền không đồng tình.

Đấu tranh ôn hòa cho dân chủ hòa bình phải được xem là một phần của việc thúc đẩy sự thay đổi tích cực và cải thiện xã hội. Chính phủ Việt Nam thì lại xem đó là một sự phản đối chính trị, chống đảng, chống phá chính phủ.

Trên thế giới hầu như không nước nào có điều khoản mơ hồ về “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”  như Việt Nam. Việc xác định và xử lý các hành vi liên quan đến lợi dụng các quyền tự do dân chủ phụ thuộc vào quy định cụ thể của pháp luật và nguyên tắc công bằng.

Trong luật pháp Mỹ, có các quy định cụ thể về tội phạm như phản bội (treason), phản bội quốc gia (sedition), và quấy rối công cộng (disturbing the peace), mà có thể áp dụng trong trường hợp người ta cố ý sử dụng quyền tự do dân chủ để gây hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức hoặc công dân.

Đài Loan, Singapore và Nhật Bản là ba quốc gia có hệ thống pháp luật khác nhau và có cách tiếp cận riêng biệt đối với việc xử lý các hành vi liên quan đến việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ. Tuy nhiên nhìn tổng quan về cách tiếp cận của mỗi quốc gia này, việc xác định và xử lý các hành vi liên quan đến việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ phụ thuộc vào quy định cụ thể của pháp luật và nguyên tắc công bằng.

Tại Đài Loan có một hệ thống pháp luật dân chủ và tự do, trong đó tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt được bảo vệ. Tuy nhiên, như nhiều quốc gia khác, Đài Loan có các quy định rõ ràng  về tội phạm như phản loạn hoặc tội phạm chống phá chính phủ bằng vũ lực. 

Singapore, một nhà nước khá chuyên chế, cũng có một hệ thống pháp luật khắt khe và nghiêm ngặt, trong đó quyền lợi của nhà nước và ổn định chính trị được coi trọng. Quốc gia này có các quy định pháp luật nghiêm ngặt về tội phạm như phản loạn, tội phạm chống phá chính phủ và gây rối công cộng, và các hành vi liên quan đến việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ có thể bị xem xét một cách nghiêm ngặt.

Nhật Bản cũng là một quốc gia dân chủ và tự do, trong đó quyền lợi cá nhân được bảo vệ bởi hiến pháp và luật pháp.

Việc xác định và xử lý các hành vi liên quan đến việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ ở các quốc gia này được thực hiện trong bối cảnh pháp luật và quy trình công bằng, không có tính mơ hồ như Việt Nam.

Khái niệm về việc xâm phạm quyền lợi của nhà nước Việt Nam rất mơ hồ trong mọi trường hợp mà nhà cầm quyền cố tình buộc tội, đặc biệt là khi không có định nghĩa rõ ràng và cụ thể về các quyền và lợi ích của nhà nước. Điều này không dẫn đến sự chắc chắn về việc nắm bắt được các hành vi cụ thể được coi là vi phạm quyền lợi của nhà nước mà Nhà nước cũng không cần chứng minh hành vi vi phạm.

Nếu VN cũng đàng hoàng, thẳng thắn và minh bạch thì thay vì bắt những người đấu tranh cho dân chủ, tự do và hạnh phúc cho dân tộc như Nguyễn Chí Tuyến họ nên đưa những kẻ lạm dụng quyền lực công cộng, tham nhũng, gian lận thuế, phá hủy tài sản công cộng đầy rẫy trong đảng ra tòa. Đáng tiếc, từ trước đến nay, những vụ án tầy đình như vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, AIC, chuyến bay giải cứu,.. hầu hết là đảng viên xâm phạm quyền lợi của nhà nước thì lại được tòa án, chính quyền nhắm mắt cho qua.

No comments:

Post a Comment