Wednesday, March 6, 2024

VNTB – Cháu gái Tô Lâm – Dân nói có, nhà báo nói không!
Châu Nam Việt
07.03.2024 4:16
VNThoibao



(VNTB) – Vụ va chạm giao thông của “cháu gái Tô Lâm” là một biểu hiện rõ ràng về sự bất công và phân biệt đối xử trong xã hội.

 Ngày hôm qua 5/3, một vụ va chạm giao thông bình thường đột ngột làm nóng mạng xã hội. Vụ va chạm giữa một phụ nữ tự xưng là cháu gái của bộ trưởng công an Tô Lâm và một người đàn ông đi xe máy đang gây nhiều tranh cãi và phản ứng từ dư luận. Điều đáng lưu ý ở đây không phải là vụ va chạm giao thông đơn thuần mà là cách mà công an và báo chí nhà nước đã xử lý vụ việc như thế nào.

Trước tiên, việc người phụ nữ vỗ ngực tự xưng là cháu gái của Bộ trưởng Bộ Công an khiến nhiều người đặt ra nhiều câu hỏi về tư duy và thái độ của một số người đối với luật pháp. Tự xưng là cháu gái của một quan chức cao cấp, người phụ nữ này tỏ vẻ coi thường luật pháp và công lý. Cái mác người thân của cán bộ cấp cao được sử dụng làm kim bài cho thấy có những người tự tin rằng họ có thể lạm dụng quan hệ và quyền lực để đứng trên cả luật pháp.

Việc tự xưng, nếu không đúng sự thực, có thể bị xử lý rất nặng, đặc biệt trong hệ thống quyền lực công an trị như hiện tại điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến người đứng đầu lực lượng công an. Tuy nhiên, hành vi bảo kê cho người phụ nữ này của công an khiến cho người ta không còn tin vào sự công bằng và minh bạch trong hệ thống pháp luật. 

Công an giao thông “xử lý nhân văn khác thường”

Trong vụ va chạm giao thông này, hành vi của lực lượng công an giao thông khi có mặt cũng đã gây nhiều nghi vấn trong quá trình xử lý vi phạm.

Người bị hại dù đã mong muốn giải quyết vụ việc một cách nhẹ nhàng, người phụ nữ – dù sau này được xác định là say xỉn quá mức cho phép – vẫn yêu cầu gọi công an giao thông tới xử lý.

Theo những người dân có mặt và trong những livestream trên mạng xã hội, việc không lập biên bản và không bắt người vi phạm khai báo ngay tại hiện trường; thay vào đó, công an đã chọn cách tra khảo nạn nhân. Việc không đo nồng độ cồn của người phụ nữ vi phạm ngay từ đầu và chỉ được thực hiện sau khi bị người dân thúc ép. Lối hành xử này khiến công chúng nghi ngờ về tính công bằng trong quá trình xử lý người vi phạm của cảnh sát giao thông Hà Nội.

Việc “bảo vệ nhân thân” của người vi phạm một cách kỳ lạ cũng rất kinh ngạc. “Cháu gái Tô Lâm” được “ưu tiên” đo nồng độ cồn nhưng không cần tháo khẩu trang. Sau đó cô cháu gái được đưa lên xe công an ngồi suốt hai tiếng đồng hồ trước khi có công an hộ tống đưa đi.

Những hành vi kỳ lạ của lực lượng công an giao thông trong vụ việc này càng khẳng định thêm cho thân phận “cháu gái Tô Lâm” của người phụ nữ kia.

Nhân dân nói có – Nhà báo nói không

Dù sự việc được phát đi trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với có hàng trăm nghìn người theo dõi, nhưng ngày hôm sau, báo chí trong nước đồng loạt đăng tin khẳng định chị L.H.T, người tự xưng là cháu Tô Lâm, không có bất kỳ quan hệ gì với Bộ trưởng Bộ Công an.

Trong một nền báo chí độc lập và chuyên nghiệp, sự minh bạch và trung thực trong việc phản ánh các sự kiện là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, việc bênh vực một bên và che đậy thông tin như báo chí nhà nước đã làm ở đây không chỉ làm mất đi sự minh bạch mà còn làm suy yếu niềm tin của công dân vào tổ chức và cơ quan truyền thông.

Với những hành xử kỳ lạ của công an giao thông, cùng với báo chí nhà nước, người ta càng thắc mắc người phụ nữ bí ẩn kia là ai lại có thể sai khiến được cả một hệ thống công an và tuyên truyền như vậy.

Vụ va chạm giao thông này là một biểu hiện rõ ràng về sự bất công và phân biệt đối xử trong xã hội. Vụ việc cho thấy những lời kêu gọi sống theo hiến pháp, pháp luật hay những khẩu hiệu công bằng – văn minh của Đảng Cộng sản chỉ là hão huyền, bánh vẽ cho người dân đen, tứ cố vô thân.

 


 

No comments:

Post a Comment