Friday, March 15, 2024

Nga Đang Chuẩn Bị Cho Tình Trạng Chiến Tranh Triền Miên
Nina Khrushcheva, “Preparing Russia for permanent war” PS
Chuyển ngữ: Lương Định Văn
Posted on March 14, 2024 by Ha Nhan
QGHC

Đằng sau cái vỏ bề ngoài của một dân tộc hết lòng biết ơn nhà lãnh đạo của họ ở Điện Cẩm Linh là sự tuyệt vọng, mối hoài nghi, giáo điều cực đoan, sự thịnh nộ và bạo lực.
Vào cuối thế kỷ 18, Catherine Đại Đế làm kế hoạch cho chuyến đi quan sát bán đảo Crimea, nơi mà một cận thần của bà, Bá tước Grigory Potemkin, đã chinh phục được vài năm trước đó. Nhưng trong khi Potemkin chiếm được bán đảo trù phú về nông nghiệp từ tay đế chế Ottoman, ông ta đã không đạt được mục đích nhằm thuộc địa hóa như đã hứa.

Để giữ thể diện, Potemkin đã ra lệnh xây dựng một dãy mặt tiền làm bằng bìa giấy cứng được sơn phết đọc theo bên cạnh con sông mà Nữ hoàng sẽ đi qua, đồng thời đưa những dân làng có dáng vui vẻ và các đàn gia súc khỏe mạnh đến để dàn cảnh. Đã không có sự thịnh vượng, nhưng cảnh tượng được dàn dựng trông như là sự thật.

Kể từ đó, các phiên bản của ‘ngôi làng Potemkin’ đã trở thành phần chủ yếu của lịch sử Nga. Dưới thời Xô Viết, hình ảnh của cuộc sống được cải thiện bởi chủ nghĩa cộng sản đã che đậy cho bạo lực và đàn áp có hệ thống. Ngày nay, Điện Cẩm Linh nỗ lực liên tục để tạo dựng một cảm tưởng rằng nước Nga là ngọn hải đăng cho sức mạnh và sự ổn định, và một dân tộc biết ơn luôn nhiệt thành tuân phục vị lãnh đạo của họ, Vladimir Putin. Nhưng đằng sau vỏ bề ngoài đó là sự tan vỡ về một ảo tưởng, sự tuyệt vọng, sợ hãi và giận dữ.

Khó có thể dối trá hoàn toàn.

Bạn thấy sự thật này trong các bộ phim và truyền hình của Nga hiện nay, bởi vì một nền văn hóa thịnh hành khó có thể dối trá hoàn toàn về mặt chính trị. Trong một bộ phim tội phạm của Nga “The Boy’s World: Blood on the Asphalt”, chính trị bạo lực và sự hỗn loạn chuyển thành bạo lực và hỗn loạn trên đường phố. Khi các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng kẻ thù rình rập ở khắp nơi và cách phòng thủ tốt nhất là phải tấn công trước, thì sự ngờ vực, cực đoan và hung hăng sẽ gia tăng. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Putin phát động chiến tranh với Ukraine, trẻ em Nga cũng bắt nạt bạn học cùng lớp, thanh thiếu niên quay phim chính họ tấn công người dân địa phương và người lớn cũng xông vào các vụ ẩu đả nơi công cộng.

Nước Nga ngày nay không hẳn là một thành trì của sự ổn định và thỏa mãn, cũng như không phải là một pháo đài thịnh vượng như Điện Cẩm Linh tuyên bố. Mặc dù tổng sản phẩm quốc nội của nước này đã tăng hơn 3% vào năm 2023, bất chấp các lệnh chế tài của Tây Phương, nhưng điều này hầu như không phản ánh sự thật, chứ chưa nói đến tính năng động và bền vững của nền kinh tế.

Thay vào đó, nó phản ánh một thực tế là nhà nước đã đổ dồn các nguồn tài nguyên khổng lồ vào một tập đoàn hỗn hợp về kỹ nghệ – quân sự. Nhưng những nguồn tài nguyên đó phải được tái phân phối từ những lĩnh vực nào đó và một loạt các thảm họa – bao gồm tai họa của hạ tầng cơ sở, sự suy sụp của các nguồn cung cấp năng lượng và các vụ hỏa hoạn tại các cơ xưởng và nhà kho – đều đưa ra những dấu hiệu về các lĩnh vực đã buộc phải bị hy sinh.

Hơn nữa, chiến tranh Ukraine đã khởi động một cuộc di cư hàng loạt của người Nga, trong đó có nhiều người có kỹ năng cao, đến mức 85% doanh nghiệp đang báo cáo về tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ. Một vài sự ước tính cho rằng đến năm 2030, Nga sẽ thiếu tới 4 triệu nhân công có năng lực, điều này sẽ làm giảm mức tăng trưởng GDP khoảng 2 điểm phần trăm.

Sự sùng bái cá nhân

Như trong bất kỳ chế độ độc tài nào, chế độ của Putin càng có nhiều vấn đề thì bộ máy tuyên truyền lại càng rầm rộ. Điều này giải thích tại sao tháng 11 năm ngoái – vào Ngày Thống nhất Quốc gia – một “Hội Nghị và cuộc Triển lãm” với quy mô lớn được gọi đơn giản là “Nga” đã được khai mạc ở Mạc Tư Khoa. Sự kiện này sẽ kéo dài sáu tháng, dự kiến kết thúc sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3, với mục đích biến thành một ‘một Dự Án quy mô lớn về đất nước’, với 131 cuộc triển lãm giới thiệu ‘những thành tựu chính’ của Nga, từ ‘những phát minh đột phá’ đến các ‘chiến thắng’ trong ‘kỹ nghệ, văn hóa và thể thao’.

Một nước Nga do cuộc triển lãm trưng bày có thể huy hoàng như Putin tuyên bố, nhưng cũng giống như những ngôi làng của Potemkin, đó là một nỗ lực trắng trợn nhằm che đậy một sự thật đen tối bằng những luận điệu đánh bóng dối trá. Hơn nữa, nó đang được sử dụng để củng cố sự sùng bái cá nhân của Putin. Vói ý nghĩa đó, việc lựa chọn địa điểm tổ chức cho sự kiện này không thể nào thích hợp hơn: Tòa Nhà Triển lãm Thành tựu Kinh tế Quốc dân (VDNKh) đã được xây dựng vào thời điểm của cao trào xảy ra các cuộc thanh trừng của Joseph Stalin.

Các hình ảnh và biểu tượng của Putin hiện diện trong suốt diễn tiến của những buổi sinh hoạt, các cuộc nói chuyện với công nhân, gặp gỡ bác sĩ và cầu nguyện với các giáo sĩ trên màn ảnh khổng lồ đặt trong các gian hàng tại địa điểm. Trong khi đó, gian hàng bán quà lưu niệm của cuộc triển lãm trưng bày những mặt hàng đầy dẫy những câu nói của tổng thống. “Cờ Nga không thể nào lại làm phiền bất cứ ai,” một lời tuyên bố in trên chiếc áo thun. “Bạn và Kẻ thù đều được kính trọng như nhau,” được viết trên một chiếc áo nỉ tay dài.

Đối với những người Nga không thể đến cửa hàng bán quà lưu niệm của Cuộc Triển lãm, những lời trích dẫn tương tự đã được chiếu trên màn ảnh khổng lồ ở ngoài trời trên khắp đất nước trong hai tuần đầu năm nay. “Khối lượng Vàng Dự trữ của đất nước chính là người dân”, người Nga đã được nhắc nhở mỗi khi bước xuống phố. ‘Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì khi con đường của chúng ta đi được thắp sáng bởi tình yêu Tổ quốc.’

Những hình ảnh trưng bày khắp nơi

Đây là ngôn ngữ được học từ các Nhân Vật Độc Tài của Xô viết. Không ai có thể quên những tấm áp phích in hình Stalin trong chiếc áo khoác màu vàng nhạt kiểu quân đội đang phân phát kem cho những đứa trẻ với vẻ mặt hớn hở, được đặt ở trên những cánh đồng và các đám đông nông dân, hoặc chỉ đơn giản với cái nhìn kiêu hãnh hướng về phía xa. Hình ảnh của ông ta xuất hiện khắp nơi dưới thời kỳ cai trị của ông, được dán bên ngoài của các tòa nhà, được dùng làm biểu ngữ trong các cuộc diễn hành, thậm chí còn được dệt thành thảm. Những người khác, từ Vladimir Lenin đến Leonid Brezhnev, cũng tung ra các áp phích khoe khoang những tuyên bố vừa đao to búa lớn vừa nhạt nhẽo của họ.

Mục tiêu tuyên truyền hiện nay của Điện Cẩm Linh không nhằm thuyết phục người dân rằng cuộc sống ở Nga yên bình và thịnh vượng. Mọi chuyện rất có thể đã bắt đầu như thế, nhưng khi cuộc chiến Ukraine kéo dài, Putin đã buộc phải thích nghi. Giờ đây, áp dụng các luận điệu của Stalin cho rằng tiến trình hướng tới chủ nghĩa xã hội phải vượt qua nhiều mối thử thách hơn, đòi hỏi phải tăng cường việc đấu tranh giai cấp, Putin đang sử dụng tuyên truyền để chuẩn bị người Nga cho nhiều cuộc chiến tranh hơn nữa.

Nỗ lực này hầu như không thể nào giữ bí mật được. Ngày 14/1, một căn lều của Bộ Quốc phòng được dựng lên có tên là “Quân đội cho trẻ em”. Thành phố của ngành chuyên nghiệp. Tương lai của đất nước’ được khai mạc tại Cuộc triển lãm VDNKh. Cũng vào cùng một ngày, một cuộc triển lãm khác ở Mạc Tư Khoa —‘Xác Định và Đánh Giá: Franz Kafka và nghệ thuật thế kỷ 20’, được tổ chức tại Viện Bảo tàng Do Thái (còn được gọi là Trung tâm Khoan Hồng)—đã bị đóng cửa.

Những gì nước Nga cần ngày nay chính là những thông điệp mà cuộc triển lãm của Kafka đem lại: hệ thống Xô Viết tuy vô lý nhưng có khả năng đạt hiệu quả tàn nhẫn trong việc đè bẹp những cá nhân vô tội. Thay vào đó, người Nga hiện đang nhận được những thông điệp ngày càng cần được quân sự hóa nhiều hơn và ít khoan dung hơn – đằng sau bề ngoài đó là các cuộc bầu cử giả mạo, một nền kinh tế suy yếu và bạo lực gia tăng. Hẳn là Potemkin sẽ rất tự hào.

Nina L Khrushcheva, Giáo sư về Quan hệ quốc tế tại New School ở New York và là đồng tác giả cuốn sách In Putin’s Footsteps: Searching for the Soul of an Empire Across Russia’s Eleven Time Zones (Nhà xuất bản St Martin). Khrushcheva là chắt gái (và cháu gái nuôi) của cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev

No comments:

Post a Comment