VNTB – Người dân đang phải gánh hậu quả từ hành động duy ý chí đến từ chính quyền
Lê Tự Do
23.01.2024 7:06
VNThoibao
Dữ liệu chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe, đánh giá bằng chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI) ở cả hai tỉnh, thành này thường là ở chất lượng màu vàng (những người nhạy cảm: người cao tuổi, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch… có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe). Nhiều hôm, trời trắng xóa, chất lượng không khí chuyển sang màu da cam (chất lượng không khí kém, người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng).
“Là một người thường xuyên tham gia giao thông, cho sinh hoạt lẫn công việc, tôi nhận thấy có rất nhiều ngày cảm giác có bụi trong không khí, gây ra cho tôi cảm giác khó thở, ngứa mũi dẫn đến hắt xì, cảm giác đau khô họng, cay mắt, chạy xe rất khó chịu. Tưởng chừng như đó là chuyện bình thường của buổi sáng hoặc buổi trưa, do đó là thời gian cao điểm, đi làm, các nhà máy vận hành…. Nhưng không, đến chiều, thậm chí là 18g, có việc phải đi Bình Dương, những khu vực nào trống trải nhà cửa, thấy rất rõ bầu trời, trắng xóa, và mức độ khó thở, cay mắt vẫn không thua kém gì buổi sáng”, anh Minh, một người tham gia giao thông chia sẻ trong sự khó chịu về sức khỏe.
Một trong những khuyến cáo mới của Cục Quản lý môi trường y tế về vấn đề làm gì để bảo vệ sức khỏe khi không khí nhiều bụi, có một biện pháp: “Trồng cây xanh giúp ngăn bụi và làm sạch không khí”.
“Cá nhân tôi nghĩ rằng khuyến cáo có thể không sai. Bởi tôi là người từng trải nghiệm. Những năm về trước, Sài Gòn cũng bị một vấn đề tương tự là bụi mịn. Tôi nhớ khi đó phải mua khẩu trang N95 để đeo. Trong một lần có việc phải đi lên Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột, thấy cái không khí se lạnh ở đây, thích quá, mở thử ứng dụng kiểm tra chất lượng không khí thì thấy hiển thị màu xanh. Có thể do ở đây còn nhiều cây nên không khí có chất lượng tốt, dễ sống và dễ thở”, chị Ngọc, một người dân chia sẻ.
Quay ngược thời gian về quá khứ, Sài Gòn đã từng có một thời gian rất nhiều mảng xanh. Nhiều và dày đến cái mức, đi ở khu vực không có cây thì nắng gắt, bước vào là rợp bóng mát, thậm chí có những nơi tối. Thế nhưng…
Là một trong những công viên lớn của thành phố. Vậy mà giờ đây diện tích gần như “teo tóp” dần theo năm tháng bởi một phần đất của công viên Gia Định có chiều dài 650m, rộng 20m đã bị “xóa sổ” để làm đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Rất nhiều cây xanh đã bị đốn hạ, mảng xanh công viên cũng từ đó thu hẹp lại dần trong sự tiếc nuối không chỉ của dân địa phương mà còn là của du khách thăm viếng nơi đây.
Những năm 2017, với lý do “không còn sự lựa chọn nào khác”, để xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son), chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố (đại diện tiếng nói của người dân) khi đó là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã quyết tâm xử lý 258 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án cầu Thủ Thiêm 2 (TP.HCM), trong đó sẽ di dời 115 cây, đốn hạ 143 cây (dữ liệu ghi nhận từ báo chí). Bất chấp ý kiến phản đối của người dân.
Để rồi, giờ không khí bị ô nhiễm, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) lại khuyên người dân trồng cây xanh.
Theo bà Lương Mai Anh, cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), gửi văn bản đến các tỉnh thành, Tổ chức Y tế Thế giới và các nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư.
Tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch. Thời gian qua, tại một số thành phố đã xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong cộng đồng.
“Tại sao người dân buộc phải chịu như vậy? Trong khi đó, trước khi các ông đưa ra quyết định đốn hạ cây xanh, đưa ra quyết định xẻ thịt công viên, được góp ý không? Được góp ý. Người dân lên tiếng, mong muốn được giữ lại không? Có lên tiếng luôn. Mà vẫn làm. Để giờ người dân buộc phải gánh chịu hậu quả do các hành động duy ý chí của các ông. Thôi thì Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên.
Cũng mong mấy ông nghị, bà nghị sẽ có kiến nghị để cải thiện đời sống người dân, trước nhất là câu chuyện về sức khoẻ. Có sức khỏe (thể chất lẫn tinh thần) thì hiệu suất công việc mới tăng, kinh tế mới phát triển chứ…”.
No comments:
Post a Comment