VNTB – Cấm tuyệt đối có nồng độ cồn là một ý kiến… bất bình thường
Diệp Chi
23.01.2024 7:07
VNThoibao
Điều đáng để nói hơn là có ý kiến cấm tuyệt đối có nồng độ cồn, dù chỉ là dự thảo trình lên, chờ xét duyệt.
Theo ghi nhận từ trang Chính phủ, “Quan điểm của Cơ quan thẩm tra hoàn toàn đồng ý với Cơ quan soạn thảo là phải tuân thủ quy định của pháp luật.
Hàng năm, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra các báo cáo về an toàn giao thông, qua tổng kết các vụ tai nạn giao thông đường bộ cho thấy, trung bình có 43% vụ vi phạm giao thông nghiêm trọng do rượu, bia.
Chính vì vậy, việc phòng, chống tác hại của rượu bia là mệnh lệnh cần thực hiện. Nội dung này cũng được nhiều người dân ủng hộ. Tôi tin rằng, Quốc hội cơ bản sẽ đồng ý nội dung này”, Trung tướng Nguyễn Minh Đức khẳng định.
“Đồng ý phạt các ma men để đem lại sự an toàn cho người tham gia giao thông nhưng ý kiến cấm tuyệt đối nồng độ cồn là hoàn toàn không hợp lý. Vì sao? Đơn giản, thiết bị đo nào chả có vấn đề sai số. Tôi nhớ lúc mình còn bé, mỗi khi bị sốt, ba mẹ hay dùng nhiệt kế kẹp nách để đo nhiệt độ. Sau một thời gian, khi có kết quả thường cộng thêm 0.5 vì một lý do gì mà đến giờ tôi cũng không nhớ. Chỉ một nhiệt kế nhỏ như vậy, còn sai số, huống gì máy đo nồng độ cồn.
Nếu chỉ vì đo sai số mà các anh cho rằng người dân đã vi phạm nồng độ cồn, thế thì khác gì đang bắt lỗi oan cho người dân? Đến khi xác minh không có lỗi, cùng lắm mấy anh chỉ xin lỗi, ai đền bù thiệt hại cho người dân?”, một người tham gia giao thông giấu tên chia sẻ.
Theo thông tin ghi nhận từ báo chí, máy đo nồng độ cồn được nhiều cảnh sát giao thông trên khắp cả nước sử dụng là của hãng Andatech với quảng cáo thông số kỹ thuật độ chính xác là ± 0.005g/210L ở 0.100g/210L.
Và cũng theo quy định hiện hành, các thiết bị này phải đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định theo văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam ĐLVN 107:2012 của Bộ KH&CN về phương tiện đo hàm lượng cồn trong hơi thở, được cấp chứng chỉ kiểm định như tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định theo quy định. Về sai số, tiêu chuẩn cho phép sai số 0,020 mg/L hoặc 0,004% BAC với kiểm định ban đầu; hoặc 0,032 mg/L hoặc 0,006% BAC với kiểm định định kỳ. Chu kỳ kiểm định phương tiện đo hàm lượng cồn là 1 lần/năm.
“Quá rõ ràng, ngay cả luật cũng đưa ra quy định về sai số, thiết bị cũng đưa ra khuyến cáo về sai số. Vậy các ông, các bà đưa ra ý kiến cấm tuyệt đối nồng độ cồn có phải chăng là quá ư là bất bình thường? Vì lý do sai số mà nó nhảy số, rồi quy chụp tội về người dân? Chưa có quy định thì dân còn có thể nói được, giờ đưa ra ý kiến, ví dụ như thông qua, khác gì kêu “đã có quy định, cãi cãi cái gì?”. Trong khi cái ý kiến đó lại đang đi ngược với pháp luật, đang đi ngược với sự phát triển của văn minh nhân loại”.
“Cá nhân tôi quan sát, cũng không ủng hộ ý kiến đó. Theo tôi thấy, nên áp dụng như nước ngoài. Trước khi đo nồng độ cồn, nên có các bài kiểm tra mức độ tỉnh táo của người dân để tránh việc bắt nhầm, bắt oan. Có những người uống ngàn ly không say, có những người chỉ ngửi thôi đã xỉn. Quy kết ai thổi lên số là phạt, điều đó nó không hợp lý. Nó giống như kiểu đánh đồng. Không lẽ trong một tổ chức, có một con sâu, đánh đồng lên cả tổ chức đều lôm côm, như vậy đâu có được “, ông Hai, nay đã 88 tuổi, chia sẻ.
Tựu trung lại, dẫu biết rằng để hạn chế tai nạn giao thông, nhưng khi đưa ra ý kiến cũng cần nên “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, nhất là cái ý kiến đó sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân, đến kinh tế nước nhà. Vì vậy, cần cân nhắc mức nồng độ cồn cho phép phù hợp với từng loại phương tiện giao thông cần được nghiên cứu, đánh giá thận trọng cũng như biện pháp thổi nồng độ cồn bất chấp…
No comments:
Post a Comment