VNTB – Ai chịu trách nhiệm cho bữa ăn của trẻ mầm non, mẫu giáo?
Lê Tự Do
29.01.2024 2:24
VNThoibao
Trẻ em là mầm non của đất nước, là những tương lai của đất nước, có những nơi, lại đang thờ ơ trước sự phát triển của trẻ.
Theo phản ánh của báo chí trong năm 2023, trên một số diễn đàn xã hội có gửi hình ảnh bữa ăn của học sinh tại một trường mầm non tư thục đóng trên địa quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) kèm nỗi bức xúc và thất vọng. Phụ huynh cho rằng, mình phải đóng mức 70.000 đồng/ngày cho con ăn ở trường nhưng con nhận lại bữa ăn quá ít ỏi và nghèo nàn dinh dưỡng.
Câu hỏi đặt ra, trách nhiệm thuộc về ai? Thuộc về bà làm bếp? Thuộc về tổ tài chính? Hay cao hơn là thuộc về hiệu trưởng? Hoặc chăng còn tổ chức nào khác?
Theo thông tư số 12/2020/TT-BGDĐT được ký bởi Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, ở mục 4 điều 4, nói về trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo:
“Quản lý các hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường; chỉ đạo thực hiện hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, an toàn trường học; tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện và chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông giáo dục trên địa bàn”.
Cụ thể hơn, tại trang của ngành Giáo dục Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, có hẳn hoi một bộ phận gọi là Phòng giáo dục mầm non, có nhiệm vụ tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác Giáo dục Mầm non.
Trong đó có quy định: “Định kỳ đột xuất thanh tra, kiểm tra thực hiện chương trình, kế hoạch toàn diện hoặc chuyên đề đối với phòng Giáo dục – Đào tạo (Giáo dục mầm non), các nhà trẻ, trường mẫu giáo thuộc Sở. Tổ chức tuyên truyền để phát triển công tác nuôi dạy trẻ”.
Và điều này, đã được một số phòng Giáo dục – Đào tạo thực hiện rất nghiêm túc. Thật không khó trong công tác tìm kiếm tin tức về vấn đề này từ trường công lập cho đến trường tư nhân. Và cũng bao lùm xùm, bàn luận về những hành vi, thái độ của các cán bộ phòng khi thực hiện công tác kiểm tra ở một số trường.
“Xin lỗi chứ nhiều lúc nhìn mấy bức hình mấy cán bộ phòng giáo dục đi gọi là khảo sát hay thị sát hay thanh tra, kiểm tra gì đó ở trường mẫu giáo, mầm non, nhìn ngứa con mắt. Nghĩ sao trong lớp của mấy đứa con nít, con nít đó nha, tụi nó ngồi xuống hay để tay xuống đất là chuyện bình thường, trong khi mấy em đi chân không trong lớp, mấy bà cán bộ lại mang giày đi xộc xộc vào lớp rồi bước chỗ này, tiến chỗ kia. Có những trường, các em chỉ trải một tấm nệm nhỏ rồi nằm ngay dưới đất đấy”.
Một thực tế ghi nhận, mỗi buổi sáng, các em lớp mẫu giáo được “phát” đồ ăn không nhiều. Nhiều phụ huynh lo lắng cho tình trạng dinh dưỡng của con, có người cho con uống sữa trước khi đi học; cũng có người liên hệ bộ phận văn phòng của nhà trường để đề nghị gửi thêm sữa cho con em mình thì ở văn phòng nhận được cái gật đầu nhưng giáo viên chủ nhiệm thì lại… không cho.
Chưa kể, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là điều nhiều cha mẹ lo lắng khi hiện tượng học sinh bị đau bụng, nôn, khó chịu… do nghi ngờ chất lượng bữa ăn bán trú thỉnh thoảng vẫn xảy ra và được phản ánh trên các diễn đàn .
“Ăn uống bây giờ đã không an toàn, thực phẩm bẩn, hoá chất rồi thuốc tăng trưởng, đủ thứ chuyện mà báo chí phanh phui. Vì guồng máy mưu sinh, phụ huynh gửi con vào các trường, đặt niềm tin vào quý cô giáo. Chính vì điều đó, vì thương con nít cũng được, vì cái tâm nghề nghiệp hay vì chữ nhân cũng được, cũng mong rằng, các con sẽ có bữa ăn chất lượng hơn, hợp vệ sinh hơn. Chứ nhìn con bị nhiễm trùng đường ruột phải vào bệnh viện, thật sự rất xót xa”…
Tựu trung lại, với vấn đề bữa ăn cho con trẻ có đủ dinh dưỡng hay không, truy cứu trách nhiệm của nhà trường là chính xác. Nhưng nếu bỏ qua vai trò, trách nhiệm của những cán bộ thanh tra trong ngành giáo dục, xem ra, có gì đó vẫn là thiếu sót…
No comments:
Post a Comment