Monday, January 22, 2024

Chuyện lương thực, gạo (Kỳ 2)
Nguyễn Thông
22-1-2024
Tiengdan

Tiếp theo kỳ 1

Giờ thì khác, người ta sợ ăn mặn, dễ bị huyết áp cao, nên đài báo, tivi nhan nhản lời khuyên cần ăn nhạt để bảo vệ sức khỏe. Tất nhiên, kèm theo lời khuyên ấy thường là một vài thứ thực phẩm chức năng giá cực đắt, rất cần cho người bị cao huyết áp hoặc bị bướu cổ, với lời đọc liến thoắng trên tivi, hay in chữ bé tí ti như con kiến trên báo, rằng “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Chả hiểu sao đám báo chí truyền thông quốc doanh công khai thủ đoạn bịp bợm, lừa đảo, dối trá như thế mà nhà cai trị, cụ thể là Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin – Truyền thông vẫn cứ mặc nhiên chấp nhận, không xử lý.

Cạnh cái nghĩa đen ấy thì “ăn mặn” có nghĩa là ăn rất tốn thức ăn. Người lớn sống trải đời nên phần lớn biết điều, ăn uống có chừng mực, ngó trước trông sau, nhưng bọn trẻ con thì thường rắn mặt khó bảo, chúng chỉ cốt thỏa cái mồm. Đứa nào bị nói, bị đánh giá “ăn mặn”, không khác gì được gắn cho tội tham ăn. Người nhớn luôn phải nhắc nhở chúng “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là vậy, để kềm chế cái tính tham ăn hồn nhiên của chúng lại. Kể cũng tội, đang tuổi ăn tuổi nhớn, nhưng do nghèo đói mà miếng ăn cũng bị siết vào quy trình ứng phó sự thiếu thốn, nên mất cả tuổi thơ. Một thời thật buồn.

Còn ăn độn, tôi từng biên hẳn thành bài về chuyện ăn độn, không ít người đã đọc. Bây giờ lương thực ê hề, nước ta xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chả mấy ai phải ăn độn. Sơn hào hải vị thì có thể thèm, chứ cơm không thiếu. Cô em tôi nuôi con chó và mấy con mèo. Người và chó mèo đều xơi cơm trắng gạo ST25. Đứa em chồng lắc đầu bảo, khiếp, con chó nhà bác cũng sướng. Không phải ăn độn nên không nghĩ tới từ “ăn độn” nữa.

Những năm chưa xa, người ở miền Bắc lấy ăn cơm là chính để mà sống, làm bản vị, nhưng hạt gạo hiếm hoi, chẳng đủ no bụng, đành phải thêm thứ này thứ nọ độn vào nồi cơm. Nhiều khi một phần gạo cõng hai, ba phần độn. Cơm không độn gì gọi là cơm trắng. Cơm kèm khoai sắn hoặc thứ này thứ khác thì gọi là cơm độn. Ăn thứ cơm ấy là ăn độn. Cốt no cái bụng đã, còn ngon để tính sau. Bọn thanh niên nhại bài hát của ông Vũ Trọng Hối, “ta bắc nồi cơm lên sắn nhiều hơn ngô, ngô nhiều hơn khoai, khoai nhiều hơn cơm”.

Suốt tuổi thơ, tuổi thanh niên, tới lúc trưởng thành (từ thập niên 50 tới 70), tôi và phần đông lứa với tôi chỉ thèm ăn, mãi về sau mới ao ước ăn no, gần như không có trong đầu ước muốn ăn ngon. Ăn và mặc là hai nhu cầu chính của con người, thế hệ tôi là nhân chứng lịch sử cho sự gia tăng nội hàm khái niệm: Ăn mặc – ăn no mặc ấm – ăn ngon mặc đẹp. Mất nửa thế kỷ, gần như một đời người mới đạt được.

Ông nhà thơ viết: “Ruộng đoàn tụ nên người thôi chia cắt/ Đêm no ấm giọng chèo khuya khoan nhặt/ Lúa thêm mùa khi lúa chín về ta/ Đều lộng hương thơm những cánh đồng hợp tác/ Chim cu gần chim cu gáy xa xa”, chỉ là nói phét, sản phẩm của trí tưởng tượng. Đến bây giờ, nhìn lại, ngẫm lại, càng hiểu rằng đám văn nghệ sĩ của đảng ở miền Bắc sau 1954, thời xây dựng chủ nghĩa xã hội, hầu hết chỉ nói phét.

Trong vốn từ cũ có từ “ngũ cốc”. Đây là từ gốc Hán Việt. Cốc, theo từ điển của cụ học giả Đào Duy Anh, là hạt, hạt cây lương thực như lúa, kê, mạch, đậu… Càng về sau, nghĩa của từ “cốc” này càng mở rộng, để chỉ chung lương thực, không hẳn cứ phải hạt. Những cây nào cho ra sản phẩm nuôi được con người đều được xếp vào hạng ngũ cốc. Mà có thể không dừng ở 5 (ngũ) loại, có khi tới thất cốc, cửu cốc. Thành ngữ “tích cốc phòng cơ” có nghĩa là trữ lương thực để phòng khi xảy ra cơ sự thiếu thốn đói kém.

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment