Wednesday, October 18, 2023

VNTB – Việt Nam có phải là thành viên của Tòa án hình sự quốc tế?
18.10.2023 12:19
Cát Tường
VNThoibao


(VNTB) – Vì chưa là thành viên của Tòa án hình sự quốc tế nên mới có chuyện Chủ tịch Võ Văn Thưởng đã mời Tổng thống Putin đến Hà Nội.

 Chiều 17-10, theo giờ địa phương, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhân dịp cả hai nhà lãnh đạo cùng dự Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường lần ba.

Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi, chia sẻ đánh giá về một số vấn đề quốc tế, khu vực hai bên cùng quan tâm. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trân trọng mời Tổng thống Putin sớm thăm Việt Nam. Tổng thống Putin đã vui vẻ nhận lời, và mời Chủ tịch nước thăm Nga vào thời gian thích hợp.

Tin tức không cho biết cụ thể lúc nào thì Tổng thống Putin mới đến Hà Nội theo lời mời này.

Về nguyên tắc thì do Việt Nam không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC), nên Tổng thống Putin không phải dè dặt bất kỳ điều gì trong chuyện nhận lời mời này của Chủ tịch Võ Văn Thưởng.

Thế nhưng một tình huống pháp lý mang tính giả định đặt ra: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng còn đồng thời giữ chức vụ Trưởng Ban Cải cách Tư pháp Trung ương. Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin thì đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh truy nã vì tội cưỡng bức di dời trẻ em tại vùng chiếm đóng ở Ukraina đến Nga.

Cáo buộc được đưa ra sau khi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố một báo cáo về việc Nga phạm tội ác chiến tranh trong cuộc xâm lăng Ukraina. Một trong những cáo buộc đối với Vladimir Putin là cưỡng bức hàng ngàn trẻ em Ukraina đến Nga. Theo giới chuyên gia, những tội ác này không chỉ đe dọa những người dễ bị tổn thương nhất, khiến gia đình chia cắt, mà còn thể hiện một nỗ lực có hệ thống nhằm xóa bỏ bản sắc Ukraina bằng cách cải tạo những đứa trẻ này thành người Nga.

Dĩ nhiên Tổng thống Nga sẽ khó có thể bị bắt giữ khi vẫn đang nắm quyền. Tòa Hình sự Quốc tế thì không có lực lượng an ninh của riêng mình và phụ thuộc vào các quốc gia (thừa nhận cơ quan này) để thực thi lệnh bắt giữ.

Tuy chưa là thành viên của Tòa Hình sự Quốc tế, nhưng theo quy định của pháp luật Việt Nam, bốn tội phạm chính của Tòa án Hình sự Quốc tế bị xử phạt như sau:

(1) Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược quy định tại Điều 421 Bộ luật Hình sự 2015:

– Người nào tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

– Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

(2) Tội chống loài người quy định tại Điều 422 Bộ luật Hình sự 2015:

– Người nào trong thời bình hay trong chiến tranh mà thực hiện hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá hủy nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó hoặc thực hiện hành vi diệt chủng khác hoặc thực hiện hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

– Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

(3) Tội phạm chiến tranh quy định tại Điều 423 Bộ luật Hình sự 2015:

– Người nào trong thời kỳ chiến tranh mà ra lệnh hoặc trực tiếp tiến hành việc giết hại dân thường, người bị thương, tù binh, cướp phá tài sản, tàn phá các nơi dân cư, sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp chiến tranh bị cấm hoặc thực hiện hành vi khác vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

– Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

(4) Tội tuyển mộ, huấn luyện, sử dụng hoặc làm lính đánh thuê

– Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê quy định tại Điều 424 Bộ luật Hình sự 2015:

+ Người nào tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê nhằm chống lại một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

– Tội làm lính đánh thuê quy định tại Điều 425 Bộ luật Hình sự 2015:

+ Người nào làm lính đánh thuê nhằm chống một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

… Như vậy, liệu Điều luật hình sự 331 có được viện dẫn khi giới biếm họa vẽ ngài Trưởng Ban cải cách Tư pháp Trung ương ‘tay bắt mặt mừng’ tại Hà Nội, trong chào mời một tên đồ tể đang bị truy nã về tội ác chiến tranh?


 

No comments:

Post a Comment