VNTB – Tự chủ đại học: kêu gọi ‘nói thật – nói thẳng’ trong khuôn phép tính Đảng
Sơn Trà
24.10.2023 12:14
VNThoibao
Tự chủ đại học với yêu cầu Đảng lãnh đạo toàn diện
Tại hội thảo khoa học xin ý kiến dự thảo Đề án đẩy mạnh tự chủ đại học giai đoạn 2024-2030, diễn ra trong hai ngày cuối tuần tại thành phố Đà Nẵng, bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) nhấn mạnh, GDĐH đóng vai trò then chốt trong thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao gắn với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư, kiến tạo phát triển và quản lý GDĐH.
Tự chủ đại học là thuộc tính của hệ thống GDĐH, là nền tảng và động lực then chốt để các cơ sở GDĐH tối ưu hóa hoạt động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, gia tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, nghiên cứu.
Nhiệm vụ của đề án là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và xã hội đối với cơ sở GDĐH; Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính đại học…
Trong đó, đổi mới chính sách, cơ chế tài chính đại học sẽ gồm 6 nhiệm vụ: Cân đối ngân sách nhà nước cho GDĐH đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường và tiếp cận công bằng; Tăng cường hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho GDĐH; Đổi mới chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên; Huy động nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp, khu vực tư nhân phát triển GDĐH;
Hoàn chỉnh chính sách học phí và giá dịch vụ giáo dục đào tạo; Đổi mới quản trị tài chính của các cơ sở GDĐH; Nâng cao năng lực cơ sở GDĐH sẽ đa dạng hóa nguồn thu cho cơ sở GDĐH từ hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… để tăng nguồn tài chính cho hoạt động của cơ sở GDĐH.
Độc quyền quyền lực thì rất khó tự chủ
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cái gốc của tự chủ phải nói đến vấn đề phân quyền. Theo đó, nếu phân quyền mà không xác định quyền ở đâu thì sẽ quay lại câu chuyện tranh chấp quyền lực trong nội bộ, dẫn đến xung đột trong tổ chức.
Ông Nguyễn Quý Thanh cho rằng, đầu tiên nguyên tắc của phân quyền là quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước ở các ngành khác nhau phải được chuyển vào các tổ chức đệm, và hội đồng trường chính là tổ chức đệm đó.
“Hiện nay tổ chức hội đồng trường không được ủy thác các quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Chỉ sử dụng một số quyền lực của đảng ủy, một số quyền lực của ban giám hiệu, từ đó ra quyết định về những vấn đề của nhà trường sẽ dẫn đến một số tranh chấp nhất định”, ông Thanh phân tích.
“Nếu chúng ta ủy thác mạnh hơn cho hội đồng trường thì hội đồng trường mới thực quyền. Thành viên hội đồng trường phải là những người có thực quyền chứ không chỉ là đại diện theo kiểu mặt trận cho đầy đủ các thành phần như khi vận hành”, ông Thanh diễn giải tiếp.
Phản biện đề xuất trên, PGS Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hà Nội, cho rằng chủ tịch hội đồng trường và các thành viên cốt cán hội đồng trường cần phải có quan điểm rõ ràng: hội đồng trường vai trò quản trị, đừng đòi tham gia việc quản lý.
“Nhiều lúc chỉ vì chủ tịch hội đồng trường muốn tham gia vào công tác quản lý của trường, một số việc đáng lẽ giao cho hiệu trưởng, ví dụ bổ nhiệm một trưởng phòng hay trưởng khoa, hội đồng trường giao cho hiệu trưởng bổ nhiệm theo nguyên tắc của Đảng về công tác cán bộ, thì sẽ giải quyết được những vướng mắc khó khăn trong mối quan hệ giữa hội đồng trường và ban giám hiệu hiện nay”, ông Thạch nêu vấn đề.
Mười năm rồi… chưa cũ
GS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thái Nguyên, cho rằng trong 3 quyền tự chủ là tài chính, bộ máy, học thuật, thì đề án cần cố gắng làm rõ: tài chính và bộ máy là phương tiện để đạt đến cái cuối cùng là tự do sáng tạo, tự do học thuật, cống hiến của đại học với đất nước. Từ đây giải tỏa cách suy nghĩ cho một số bộ ngành có liên quan tới việc quản lý tiền, để họ hiểu rằng nếu hai vấn đề tài chính và tổ chức – bộ máy thông thoáng được thì trường đại học đủ sức tồn tại.
Thế nhưng ý kiến của GS Phạm Hồng Quang lại đưa đến một tranh luận khác là nên hiểu tự do học thuật như thế nào? Bởi chỉ mỗi chuyện chọn người tài để bổ nhiệm đã phải theo “nguyên tắc của Đảng”, thì tự do tư tưởng cho quyền tự do học thuật có phải theo “nguyên tắc của Đảng”?
“Cách đây 10 năm tôi và các thầy trong Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã lên gặp Thủ tướng Chính phủ để nói về tự chủ đại học. Lúc đấy một thầy trong Ban Giám đốc có câu ví von rất hay: Các trường công lập như một con trâu bị buộc vào một gốc cây. Mỗi một nghị định, chính sách mới là cái dây buộc mũi con trâu được nới dài ra một chút, nhưng vẫn quanh quẩn gốc cây đó…” – GSTSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), kể câu chuyện 10 năm rồi vẫn… chưa cũ.
No comments:
Post a Comment