Wednesday, October 25, 2023

VNTB – Công khai kết quả tín nhiệm để tránh trò ‘ném đá giấu tay’
Hồng Dân
26.10.2023 12:25
VNThoibao



(VNTB) – Kết quả phiếu của việc lấy phiếu tín nhiệm đã có, và tất cả không quan chức nào nằm trong diện ‘phải từ chức’.

 Những thắc mắc chưa biết ai chịu trách nhiệm trả lời

Không rõ với các “người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn” khi được “tín nhiệm cao”, liệu có công khai về tờ khai tài sản của cá nhân này để các cử tri có cơ sở để giám sát, bao gồm cả việc ‘tín nhiệm cao” ở đây được cử tri đồng tình đến mức độ nào.

Nếu chỉ dừng lại và hài lòng với “công khai kết quả phiếu tín nhiệm”, thì đúng là đã minh bạch hơn trước nhiều, song với thực tế phe nhóm quyền lực ngay trong chính nội bộ Đảng cầm quyền, trong Quốc hội và cả Chính phủ, người ta có quyền ngờ vực cho chuyện đằng sau hậu trường thông qua “bỏ phiếu kín” để chiêu trò “ném đá giấu tay”.

Bởi tin chắc rằng cử tri rất quan tâm đến việc thu nhập từ tiền lương, phụ cấp cùng các bổng lộc khác của ông Vương Đình Huệ, ông Tô Lâm… là bao nhiêu mỗi tháng mà họ có thể chu cấp dễ dàng cho con cái họ những suất du học tại nước ngoài toàn các nơi được cho là giá cả đắt đỏ.

Ngay cả chuyện đồn đoán về món “bò rắc vàng” mà tướng công an Tô Lâm được ai đó chiêu đãi ở xứ người, liệu đây có phải việc “bánh ít đi – bánh quy lại” cho cú áp-phe nào đó, và thu nhập này có nằm trong bản kê khai tài sản cá nhân mà chính khách đó đã ‘nộp” cho Quốc hội trong thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm?

Cơ hội vàng cho triệt hạ nhau trên đường đua ghế khóa 14?

Tương tự, việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC được đồn đoán là môi giới vũ khí cho Bộ Quốc phòng Việt Nam thông qua Bộ trưởng Phan Văn Giang, cũng như các mối làm ăn thân tình riêng với cá nhân chính khách Phạm Minh Chính, liệu các khoản thu nhập đó được chia chác ra sao trong bản kê khai tài sản theo thủ tục đối với Quốc hội?

Nếu thật sự liêm chính, thì khi đang ở chốn quan trường, các chính khách nên công khai tài sản có được từ các nguồn thu nhập hợp pháp nào, ra sao. Nói như vậy vì trên thực tế những hiếu hỉ kiểu “để quên va-ly tiền” ở vụ Việt Á, hay chuyến bay giải cứu, hoặc lùi xa hơn nữa từ vụ AVG khiến các cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn vướng lao lý, cũng đều do sự mập mờ trong kê khai tài sản mà ra.

Một vấn đề khác, đó là đến nay vẫn chưa thấy giải thích thuyết phục trong cách đánh giá về “tín nhiệm”, theo đó ở ba mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”, nghĩa là ai cũng được tín nhiệm. Tại sao Quốc hội không lấy phiếu chỉ với hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, khi đó mọi chuyện sẽ đơn giản hơn so với quy định hiện tại: Với người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.

Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, thường trực hội đồng nhân dân, trình hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất. Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

Còn khi người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên, cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.

Hãy vững tin rằng Đảng không hề thui chột như đồn đoán

Cá nhân người viết thì lạc quan tin tưởng rằng Quốc hội ta luôn sáng suốt, chỉ bầu nên những người có được sự tín nhiệm cao. Do đó không có chuyện Quốc hội lại phải có thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Tuy nhiên khi đã được Quốc hội bầu vào một số chức danh, đôi người nào đó bị xã hội làm giảm uy tín vì vậy vẫn cần có thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm vừa vừa và tín nhiệm thấp. Cũng không thể có chuyện tín nhiệm rất thấp, vì Quốc hội ta luôn lựa chọn rất sáng suốt. Có khả năng suy thoái cỡ đấy thì làm sao mà Quốc hội lại không nhìn thấy trước?

Không nên quá lo lắng vì Quốc hội đã tính rồi: ai mà bị xã hội làm hỏng thì dứt khoát bị đi tù. Vụ chuyến bay giải cứu và vụ kít-tét không phải là những minh chứng sao?

***

 

Quốc hội thông báo vào chiều ngày 25-10 về ba mức lấy phiếu tín nhiệm gồm Tín nhiệm cao – Tín nhiệm – Tín nhiệm thấp.

  1. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân: 410 – 65 – 6
  2. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: 437 – 32 – 11
  3. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: 414 – 63 – 4
  4. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: 392 – 85 – 3
  5. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: 391 – 87 – 2
  6. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: 426 – 49 – 3
  7. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh: 373 – 93 – 14
  8. Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình: 312 – 154 – 15
  9. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: 396 – 80 – 5
  10. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: 367 – 106 – 8
  11. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm: 352 – 116 – 12
  12. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy: 375 – 101 – 4
  13. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: 354 – 83 – 5
  14. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: 365 – 73 – 4
  15. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh: 381 – 55 – 5
  16. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới: 361 – 77 – 2
  17. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: 365 – 73 – 3
  18. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh: 346 – 84 – 12
  19. Thủ tướng Phạm Minh Chính: 373 – 90 – 17
  20. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: 384 – 90 – 6
  21. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: 229 – 189 – 61
  22. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: 279 – 164 – 35
  23. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: 312 – 142 – 26
  24. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt: 187 – 222 – 71
  25. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Đại tướng Phan Văn Giang: 448 – 29 – 4
  26. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan: 316 – 148 – 17
  27. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: 308 – 143 – 30
  28. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: 262 – 167 – 52
  29. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng: 219 – 200 – 62
  30. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: 239 – 186 – 54
  31. Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Tô Lâm: 329 – 109 – 43
  32. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: 260 – 185 – 36
  33. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: 371 – 102 – 7
  34. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: 306 – 152 – 19
  35. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: 263 – 195 – 22
  36. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: 334 – 119 – 24
  37. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: 241 – 166 – 72
  38. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: 370 – 102 – 8
  39. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn: 328 – 137 – 14
  40. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng: 237 – 197 – 45
  41. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: 353 – 110 – 17
  42. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình: 311 – 142 – 28
  43. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí: 337 – 130 – 11
  44. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn: 292 – 173 – 14

 

No comments:

Post a Comment