Friday, October 27, 2023

Tại sao chiến dịch phản công của Ukraina gặp trở ngại ?
Thanh Hà
Đăng ngày: 27/10/2023 - 16:32
RFI

Cận Đông, Ukraina tiếp tục chiếm nhiều trang trên các tờ báo Paris ngày 27/10/2023.

Các thành viên của đơn vị rà phá bom mìn gần thị trấn Izum, vùng Kharkiv, Ukraina, ngày 24/10/2023. REUTERS - STRINGER

Bên cạnh đó các báo không quên những chủ đề như là một năm sau « trận cuồng phong Elon Musk », hóa thân thành X, Twitter mất 60 % các nguồn thu nhập từ quảng cáo ; Mike Johnson, một chính trị gia « Vô danh » trở thành tân chủ tịch Hạ Viện Mỹ. Kế hoạch của Pháp « chống bạo loạn » : 100 triệu euro để khắc phục hậu quả các vụ đốt phá hồi tháng 6 vừa qua. Cùng lúc nội các Elisabeth Borne « cứng rắn » với trẻ vị thành niên phá hoại cơ sở hạ tầng công cộng, đòi phụ huynh « phải có trách nhiệm với con cái ».

2024, Ukraina lo hết đạn

Về thời sự quốc tế, tít lớn trên Le Monde « Chiến dịch phản công của Ukraina gặp trở ngại ».

Sau 5 tháng, lính Ukraina « tiến rất chậm » vẫn « không chọc thủng được tuyến phòng ngự của đối phương ». « 150 ngày để giành lại 400 km vuông ». « Nga vẫn chiếm đóng 17 % lãnh thổ của Ukraina ». Matxcơva có khả năng huy động thêm binh sĩ và đã tái làm chủ tình hình. Giới chuyên gia quân sự của phương Tây nhìn nhận « khả năng phòng thủ rất vững chắc của Nga ».

Mùa xuân vừa qua quân Nga đã đào hàng trăm cây số lũy hào, đặt hàng ngàn mìn chống tăng và mìn chống cá nhân, cản đường quân Ukraina. Đó là công trạng của tướng Sergei Surovikin theo lời một chuyên gia quân sự bộ binh của Pháp.

Cũng đừng quên rằng Nga là quốc gia với 143 triệu dân, có truyền thống công nghiệp quốc phòng lâu đời nên dễ dàng huy động cả về người lẫn thiết bị quân sự. Ở góc đài bên kia, 43 triệu dân Ukraina dù được phương Tây yểm trợ nhưng đã phải liên tục chống chọi với cỗ máy chiến tranh của Vladimir Putin.

Nhiều chuyên gia e rằng về lâu dài Ukraina khó mà cầm cự được và cũng có thể là đội quân của Kiev thiếu đạn dược ngay từ năm tới. Trong lúc mà Matxcơva vẫn còn khoảng độ « 4 triệu đạn pháo trong kho ». Theo lời lãnh đạo tình báo quân sự Estonia, Ants Kiviselg được Le Monde trích dẫn. Đó là chưa kể kho đạn dược của Nga được « Bắc Triều Tiên tiếp sức » và theo thẩm định của giới trong ngành thì Bình Nhưỡng có chừng từ 300.000 đến 350.000 đạn pháo có thể cung cấp cho Nga. Mykola Bieleskov thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Gia tại Kiev nhìn nhận chủ trương huy động kinh tế phục vụ cho chiến tranh của Vladimir Putin tuy « không hoàn hảo nhưng đã bắt đầu mang lại kết quả » như Matxcơva mong muốn.

Putin bẫy Liên Âu bằng năng lượng

Hơn 600 ngày chiến tranh Ukraina châu Âu đã « cai nghiện » dầu hỏa và khí đốt của Nga hay chưa ? Câu trả lời là chưa.

Libération phỏng vấn nhà báo Marion Van Renterghem, tác giả của cuốn sách vừa cho ra mắt độc giả Le Piège Nord Stream – Cái bẫy đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, NXB Les Arènes. Bà nhận định : Vladimir Putin đã « gây dựng cả một hệ thống đường ống dẫn khí đốt để bẫy châu Âu », để « mô hình kinh tế và công nghiệp của toàn châu lục này phải lệ thuộc năng lượng Nga », Bruxelles đã phạm phải « một trong những sai lầm chiến lược nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21 ».

« Nord Stream là dự án kinh tế và chiến lược quan trọng nhất Vladimir Putin đã tính toán ngay từ 2001 khi ông lên cầm quyền ». Khí đốt là công cụ để Kremlin « vô hiệu hóa châu Âu, chiếm đoạt lại Ukraina » với sự đồng lõa ngoài ý muốn của Berlin.

Vẫn theo tác giả, hai đời thủ tướng Đức là những cánh tay đắc lực giúp Putin. Bà Angela Merkel là người mở rộng cửa « cho cáo vào nhà » và đó là một « tì vết » trong sự nghiệp của nữ thủ tướng Đức. Còn ông Gerhard Schröder là một chính khách « tham tiền » trước khi rời khỏi phủ thủ tướng đã « đàm phán » với tổng thống Nga để có được một chiếc ghế trong hội đồng quản trị Nord Stream AG, một chi nhánh của Gazprom …

Chủ trương dĩ hòa vi quý của phương Tây là một sai lầm

Từ một sai lầm này đến một sai lầm khác. Trả lời báo Le Figaro nhân dịp đến Paris nhà đấu tranh nhân quyền người Ukraina, Myroslav Marynovytch báo động chiến tranh Ukraina và chảo lửa ở Cận Đông sau vụ phong trào Hamas tấn công Israel là hậu quả « từ những sai lầm của phương Tây ».

Sai lầm đó là không thanh toán quá khứ lịch sử và đã khoan nhượng với một số giá trị như là tự do, công lý để đánh đổi lấy một sự an toàn nào đó.

Marynovytch từng trải qua 7 năm trong quần đảo ngục tù Goulag Liên Xô rồi bị quản thúc tại gia trong 3 năm. Khi được hỏi ông nghĩ gì về việc Nga xâm lược Ukraina và đợt tấn công của phong trào Hamas, nhà trí thức này trả lời : Bài học thứ nhất là không bao giờ hy sinh những giá trị cơ bản như là tự do, sự thật và công lý để đánh đổi lấy một sự an toàn bởi đấy chỉ là một sự an toàn tạm bợ. Thứ hai là cần phải xét xử những tội ác, bởi nếu không chúng sẽ đâm trồi nẩy lộc… : Nhân loại đã xét xử tội ác Đức Quốc Xã nhưng tội ác của đảng Cộng Sản Liên Xô thì không. Chính vì thế mà tội ác của Vladimir Putin đã có cơ hội « nẩy mầm ». Với chiến tranh Ukraina theo Myroslav Marynovytch, nếu như tội ác của Putin không bị đem ra xét xử, Nga không có một chút ăn năn, thì ngay cả trong trường hợp có bại trận đi chăng nữa, « dân tộc Nga vẫn nghĩ rằng họ đã bị sỉ nhục và tâm tư đó sẽ lại là một mảnh đất màu mỡ cho nhiều cuộc chiến trong tương lai ».

Vòng tròn của tội ác

Nhà bất đồng chính kiến dưới thời Liên Xô cũ này nhìn nhận chảo lửa ở Cận Đông làm giảm bớt áp lực về Ukraina nhưng phương Tây sẽ « lầm to » nếu nghĩ rằng họ sẽ được yên bình khi đang bị cả một « vòng tròn tội ác bao vây ». Trên vấn đề Ukraina cũng như về xung đột giữa Israel và Hamas phương Tây thiên về giải pháp « dĩ hòa vi quý » nhưng họ đã quên mất rằng « vòng tròn tội ác đó suy nghĩ hoàn toàn khác chúng ta. Họ xem thái độ chủ hòa của phương Tây là một sự mềm yếu ». Trong lúc mà các nhà lãnh đạo cái « vòng tròn tội ác đó, mà đứng đầu là Vladimir Putin, thì chỉ muốn dẹp bỏ thế giới phương Tây thối nát », thay thế trận tự mà phương Tây đã hình thành bằng những quy luật của chính họ. Tiếc là Phương Tây « hoàn toàn không được chuẩn bị để đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng mọc lên cùng một lúc ». Nhà trí thức Ukraina này kết luận : đó là điều « cực kỳ nguy hiểm ».

Ngoại giao Pháp : thành quả không nhiều

Báo Le Monde tỏ ra thất vọng sau vòng công du Cận Đông của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tờ báo ghi nhận Jordanie « lạnh nhạt với sáng kiến của Paris » thành lập liên minh quốc tế chống phong trào Hồi Giáo Hamas, tương tự như hợp tác quốc tế chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech ở Irak và Syria trước kia. Ai Cập cũng « không hào hứng gì hơn » mà « chỉ tán đồng những nỗ lực của Pháp về mặt nhân đạo ». Trong vài giờ « kế hoạch chống Hamas » của ông Macron đã chuyển hướng. Pháp vận động cho một « sáng kiến vì hòa bình và an ninh » với ba mục tiêu chính : chống các nhóm khủng bố trong đó có Hamas, yểm trợ Palestine về mặt nhân đạo và nối lại đối thoại chính trị với mục tiêu thành lập một nhà nước Palestine. Thế nhưng ngay cả khi đã tỏ ra mềm dẻo và uyển chuyển đến như vậy, cả Aman lẫn Cairo vẫn dửng dưng với những đề xuất của Paris « vì an ninh và hòa bình ».

Một chút hy vọng cho Cận Đông

Vì an ninh và hòa bình : Vào lúc kịch bản chiến tranh được coi là khó tránh khỏi ở Cận Đông, cây bút bình luận trên báo Le Monde Alain Frachon trong bài viết mang tựa đề « Tính trung tâm của cuộc xung đột Israel Palestine » đưa ra một chút hy vọng.

Xung đột Israel – Palestine trở lại « trung tâm » bàn cờ quan hệ quốc tế. Đành rằng Cận Đông đang là « chảo lửa » và không thể phủ nhận nguy cơ xung đột lan rộng ra khu vực. Phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas, hay lực lượng Hezbollah ở Liban, phe Houti ở Yemen cũng như lực lượng dân dân theo hệ phái Shia ở Irak đều muốn giải quyết dứt điểm vấn đề Israel nhưng tất cả đều lệ thuộc vào một « ông anh cả » là Iran.

Nếu như tình hình xấu đi thêm vào thì liệu rằng Mỹ hay Israel có để yên cho Teheran hoành hành gây bất ổn trong vùng Vình hay không ? Rất có thể là không. Washington không mảy may muốn trông thấy kịch bản đó xảy ra. Ở góc đài bên kia Iran và lực lượng Hezbollah ở Liban cũng không muốn khói lửa lan rộng bởi như chuyên gia về tình hình Trung Cận Đông Henry Laurens giải thích sự tồn tại của chế độ Teheran hay tổ chức Hezbollah là đề « làm ông kẹ » răn đe Hoa Kỳ và Israel chứ không phải chỉ vì Hamas.

Bản thân Iran thì vừa thoát khỏi thế cô lập nhờ chính thức gia nhập khối các nền kinh tế đang trỗi dậy cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc (BRICS), nên không chắc là Teheran dễ dàng lao vào một cuộc chiến … « Trừ phi là giáo chủ Iran, Ali Khamenei, tuổi tác đã gần đất xa trời lại có những tính toán khác … Kinh nghiệm cho thấy, đôi khi chiến tranh bùng nổ cũng chỉ vì một sự hiểu nhầm hay một sự ngộ nhận nào đó về những ý đồ của đối phương »

Giải phẫu thẩm mỹ : nam tài tử xi nê cũng sợ già

Trước khi khép lại các tờ báo Pháp trong ngày với những bài vở nặng trĩu mùi thuốc súng, xin đề cập đến một chủ đề nhẹ nhàng hơn được Le Figaro chú ý đó là tại phim trường Hollywood, giải phẫu thẩm mỹ, không còn là độc quyền của những nữ minh tinh màn bạc. Các nam tài tử cũng rất thường xuyên lui tới các trung tâm thẩm mỹ viện. Nhiều người đã lợi dụng 6 tháng vừa qua khi các phim trường phải ngưng hoạt động vì một bộ phận nhân viên đình công, để trao sắc đẹp của mình cho các vị bác sĩ thẩm mỹ. Trong thế giới điện ảnh các ngôi sao, bất luận là nam hay nữ đều có nhu cầu chứng minh họ trẻ mãi không già.

Xưa kia những nam tài tử gạo cội như Burt Lancaster hay Dean Martin từng căng da mặt, mài sống mũi cho thanh và gọn hơn thì giờ đây những tên tuổi như Tom Cruise hay Ryan Gosling cũng phải chống chọi với thời gian, chi rất nhiều tiền để giữ mãi nét đẹp của tuổi thanh xuân ! Trong làng nghệ thuật thứ bảy, không chỉ có phụ nữ mà nam giới giờ đây cũng … sợ già.

No comments:

Post a Comment