Friday, October 27, 2023

Độc quyền hay ảo tưởng?
Nguyễn Huy Cường
27-10-2023
Tiengdan

Tôi mượn hàng xóm một cái bẫy chuột về đánh, không một con chuột nào dính. Tôi nêu thắc mắc thì người cho mượn bẫy giải thích: “Giờ cả xóm ta dùng cái này. Thời gian đầu rất hiệu quả, thời gian sau nhạt dần và giờ bọn chuột không dễ mắc nữa. Bọn chuột nghi ngờ sự nguy hiểm từ cái bẫy này”.

Thực tế là như vậy. Mấy hôm sau tôi đánh bằng cách khác, chuột chết hàng loạt!


Ảnh chụp màn hình, bài đăng trên báo Tuổi Trẻ

Có thể suy ngay từ hình ảnh này: “Nghi ngờ” là một thuộc tính của loài có não. Từ chuột, chó, rắn, hổ báo… Con nào càng thông minh, tính nghi ngờ càng cao và nó “thọ” càng lâu, phát triển càng tốt.

Con người thì ở ngưỡng có chỉ số nghi ngờ siêu hạng, từ thời Mỵ Châu, Trọng Thuỷ trở về đây, bài học từ mũi tên nỏ thần đã khiến con dân nước Việt luôn biết nghi ngờ những gì đáng ngờ. Nhờ đó, chúng ta có được giang sơn ngày hôm nay.

Việc một cô vợ thấy chồng chạy vội ra ngoài nghe điện thoại và xuống giọng trả lời: Nghi ngờ.

Một đống tiền cả trăm tỷ ủng hộ đông bào bị cháy chung cư Mini nay chưa đến tay ai đó: Nghi ngờ

Việc “giải phóng” nhanh đến kinh ngạc việc H.eroin vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch: Nghi Ngờ.

Việc ông Nguyễn Huy Cường nghi ngờ và phản bác quyết liệt khi thấy hàng chục “cửa khẩu” vào Yên Bái, Lào Cai cuối năm 2022 bị dằn mặt “test” Covid dù họ mới test cách đó 70 km: Nghi ngờ.

Việc nở rộ “mùa” in sách giáo khoa, sách ăn theo với giá trị trong 5 năm đủ để làm đường cao tốc Phú Thọ/ Tuyên Quang, khiến muôn dân nghi ngờ bàn tay lông lá của bọn phản động GD.

Tóm lại, nghi ngờ là một trạng thái tâm lý khởi phát rất tự nhiên, như khi đi đâu về thấy trong phòng khách có một con rắn, phải nghi ngờ còn vài con nữa đâu đó. Nếu không nghi ngờ, ngả lưng ngay xuống cái nệm bên cạnh, coi chừng mất mạng.

Nay ông lớn ngành hành pháp muốn cấm “tuyệt đối” trạng thái này, không hiểu cấm bằng cách nào?

Nếu không “tuyệt đối” được, trong 96 triệu dân mà còn khoảng 95% không tin tưởng vài cái gọi là sự “thanh liêm” của các “Bao công” cốc, vẫn… nghi ngờ, thì ông định “xử” bằng cách nào!?

Trong Bộ Luật hình sự, không có điều khoản nào xử vụ ai đó nghi ngờ ai đó!

Sợ thật.

Năm học lớp sáu, tôi đã thắc mắc với cô giáo dạy văn khi chuẩn bị làm bài luận có tựa đề cho trước: “Tại sao chúng ta phải kính trọng cha mẹ”?

Tôi đề nghị cô bỏ chữ “phải” đi.

Nếu cha mẹ thuần tuý nghĩa cha mẹ, lam làm vất vả để nuôi con thì yêu thương cha mẹ là chuyện thường.

Nếu cha mẹ thuộc loại cờ bạc rạc dày, phá gia chi tử, vô trách nhiệm, bỏ bê con cái, bạc nhược với bề trên thì tại sao “phải” kính trọng.

Nếu cánh thẩm phán đáng kính trọng thì không ai rỗi hơi mà nghi ngờ các ông bà.

Nhưng nếu các ông không xem xét việc Toà ra chợ mua “vật chứng” về để hoàn tất hồ sơ vụ án mạng, thì làm sao người ta khỏi nghi ngờ?

Còn cách dùng hai chữ “tuyệt đối” trong văn cảnh này thì tôi hơi … nghi ngờ trình độ triết học của ông.

Xin một lời trao gửi chân thành: Tuyên ngôn này của ông tạo nhiều nghi ngờ cho cộng đồng về nhiều mặt nơi ông.

Còn tôi, như cách nói của Descartes “Tôi nghi ngờ, do đó tôi viết stt này”.

Tôi là dân gốc miền đồi có lời khuyên các bạn, hãy thận trọng khi vào rừng, sắp ngả lưng xuống sàn…

No comments:

Post a Comment