Saturday, October 28, 2023

Nếu không có nguyên tắc để hướng về, thì xã hội sẽ sớm man di mọi rợ
Lê Nguyễn Duy Hậu
28-10-2023
TiengdanẢnh trên mạng

Tin tức thế giới lớn nhất trong ngày hôm nay có lẽ là cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc liên quan đến cuộc chiến Israel – Hamas đang diễn ra. Trước tin tức quân đội Israel chuẩn bị tiến vào dải Gaza, với mục đích bứng rễ Hamas, nhưng cũng hứa hẹn thiệt hại sinh mạng cho dân thường Palestine rất nhiều, một loạt các quốc gia Ả Rập và Nga đã quyết định đưa một dự thảo Nghị quyết lên Đại hội đồng LHQ. Dự thảo này lên án hành vi bạo lực chống lại dân thường (nhưng không gọi tên phe nào), đồng thời yêu cầu kêu gọi một cuộc “ngừng bắn nhân đạo” (humanitarian truce) ngay lập tức. Nghị quyết cũng yêu cầu Israel rút lại lệnh di tản đối với các nhân viên UN đang làm việc ở dải Gaza.

Động thái này được đưa ra sau khi các tranh luận ở Hội Đồng Bảo An bị bế tắc (chủ yếu là do Anh và Mỹ phủ quyết nghị quyết do Nga và Trung soạn, còn Nga và Trung phủ quyết nghị quyết do Mỹ soạn). Nga lần này chọn đứng về phía các quốc gia Ả Rập để yêu cầu vụ việc lên cho Đại hội đồng. Tất nhiên là dự thảo khiến nhiều quốc gia, đa số là các quốc gia vốn là đồng minh của Mỹ, không hài lòng. Canada sau đó đệ trình một bản dự thảo sửa đổi dự thảo Nghị quyết. Dự thảo sửa đổi này giữ nguyên cơ bản tất cả các yêu cầu với Israel nhưng có một dòng yêu cầu Đại hội đồng lên án hành vi khủng bố của Hamas vào ngày 7/10. Khỏi nói thì gần như tất cả các quốc gia Ả Rập đều phản đối sửa đổi dự thảo này. Trong đó, lý lẽ được tán thành nhất thuộc về đại sứ Pakistan, khi ông cho rằng làm vậy không công bằng vì dự thảo của các quốc gia Ả Rập đã lên án chung chung rồi, và không gọi tên ai gây ra tội ác này (ý nói đã không lên án đích danh Israel), vì vậy lên án Hamas lần này là không công bằng.

Dự thảo sửa đổi của Canada sau đó được đem ra bỏ phiếu. Vẫn có đa số các quốc gia tham gia bỏ phiếu tán thành (88), 45 quốc gia phản đối bao gồm gần như toàn bộ các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo, cùng với Nga, Trung Quốc, và các đồng minh của hai nước này (Cuba, Bắc Hàn). Theo quy định bỏ phiếu của LHQ thì dự thảo sửa đổi phải được 2/3 quốc gia tán thành nên dù nhận được đa số phiếu đồng ý, dự thảo của Canada đã không được thông qua. Ngay sau đó, dự thảo của Ả Rập được bỏ phiếu chính thức. Lần này có 120 nước đồng ý, 45 nước bỏ phiếu trắng, và 14 nước bỏ phiếu chống.

Việt Nam “vắng mặt” trong lúc bầu dự thảo Canada, và bỏ phiếu thuận khi bầu dự thảo của Ả Rập.

Rất nhiều quốc gia bỏ phiếu thuận dự thảo Canada đã chọn bỏ phiếu trắng cho dự thảo Ả Rập. Trong đó có gần như toàn bộ đồng minh của Mỹ như Úc, Nhật, Hàn, Anh, Ý, Đức, Ukraine… Khá thú vị có Ấn Độ bỏ phiếu thuận Canada và trắng cho dự thảo Ả Rập.

Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống dự thảo Canada và thuận dự thảo Ả Rập. Thú vị có Iraq, Tunisia vốn là 2 quốc gia Hồi Giáo bỏ phiếu chống việc lên án Hamas, nhưng bỏ phiếu trắng dự thảo của Ả Rập.

Tuy nhiên, có một số lượng không nhỏ quốc gia bỏ phiếu thuận cho cả hai dự thảo. Trong đó có thể kể đến Nauy, Bỉ, Brazil, các quốc gia Nam Mỹ, Pháp.

Trong các quốc gia bỏ phiếu chống dự thảo Ả Rập thì ngoài Mỹ và Israel ra, còn có CH Czech, Áo, Croatia, và đồng minh của Nga tại EU là Hungary. Cũng khá bất ngờ.

Thấy gì tự việc bầu bán này của Đại hội đồng? Có một điều mình thấy rõ ràng, đó là Liên Hiệp Quốc không phải là sân sau của Mỹ như nhiều người nói khi đại đa số bỏ phiếu lên án Nga xâm lược Ukraine hồi năm ngoái. Thế giới phương Tây cũng phức tạp hơn rất nhiều, chứ không phải nhất nhất theo lệnh Mỹ như tuyên truyền. Nói chung các quốc gia lớn họ dùng sức ép và ảnh hưởng của mình để lôi kéo đồng minh là chuyện bình thường, nhưng cho rằng thế giới có phe có phái và cứ thế mà làm theo thì mình nghĩ chỉ là chữa ngượng cho phe thất bại thôi. Nhìn chung, thế giới đang mong muốn ngừng bắn ở Gaza, tương tự như cách thế giới đã lên án Nga xâm lược.

Tuy nhiên, chuyện đó để qua một bên, thì phát biểu của đại sứ Israel cũng đáng chú ý. Đại sứ Israel đã đem cả hình ảnh con tin bị Hamas chặt đầu lên Đại hội đồng để nhằm kêu gọi các quốc gia đừng trói tay Israel trong việc bứng rễ Hamas. Và khi kết quả bỏ phiếu được thông qua, Israel tuyên bố đây là ngày ô nhục của Liên Hiệp Quốc, và rằng Israel đã bị tước đi quyền tự vệ, và tuyên bố không tuân theo nghị quyết này, ám chỉ họ vẫn sẽ tấn công vào Gaza.

Rất khó để phản bác Israel toàn bộ, vì bằng chứng của họ về hành động khủng bố của Hamas là quá rõ ràng. Tuy nhiên, bằng chứng về hành động tấn công vào dân thường của Israel cũng rõ ràng không kém. Thế giới có lẽ bị sa vào tranh cãi ai gây ra vụ nổ ở bệnh viện Al Ahli mà quên mất rằng rất nhiều mục tiêu dân sự của người Palestine cũng đã bị tấn công. Quân đội Israel thì cho rằng Hamas đã lẫn vào các mục tiêu dân sự, phần nào biện minh cho việc tấn công của mình. Tuy nhiên, quan điểm của mình đó là muốn làm gì thì cũng phải đàng hoàng. Israel với tư cách một thực tế chính trị, quốc gia được công nhận… phải hành xử khác với một tổ chức khủng bố. Không thể sử dụng biện pháp khủng bố để đối đầu với khủng bố được. Luật pháp quốc tế được hình thành nhằm để ngăn cản một thứ chiến tranh tổng lực đã san bằng thế giới, và khiến 6 triệu người Do Thái bị tiêu diệt. Israel có lẽ phải hiểu điều đó. Không ai tước đi quyền tự vệ, nhưng ngay cả khi tự vệ, cũng cần phải có chừng mực. Đó là nguyên tắc.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc có lẽ đa số cũng đồng ý điều đó (tất nhiên, không loại trừ các quốc gia tiêu chuẩn kép như Mỹ, Nga, Trung Quốc v.v…). Những cuộc bỏ phiếu như thế này không có giá trị lắm trên thực địa, nhưng nó góp phần tạo nên những nguyên tắc mà thế giới sẽ theo đuổi. Tất nhiên, thực tế sẽ rất xấu xí, nhưng nếu không có nguyên tắc để hướng về thì xã hội sẽ sớm man di mọi rợ hơn bây giờ rất nhiều.

P/S: Một điều thú vị đó là đa số các thông tin chỉ trích Israel hiện nay mình đọc được là từ báo chí phương Tây. Báo chí Việt Nam hầu như “trung lập” trong chuyện này, kể cả lực lượng DLV (có lẽ đang bận chống Đất rừng phương Nam). Quan hệ hợp tác Việt Nam, Israel gần đây đã trở nên khăng khít hơn mọi người tưởng. Israel là quốc gia mới nhất Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do (hồi tháng 7). Rất nhiều vũ khí quân dụng và hỗ trợ an ninh mà Việt Nam đang dùng cũng là nhập hoặc hợp tác với Israel. Từ năm 2014, súng trường tiêu chuẩn của quân đội Việt Nam hiện nay không còn là loại AK huyền thoại nữa, mà là STV (súng trường Việt Nam), được trong nước sản xuất theo mẫu ACE của Israel có mô-đi-phê cho phù hợp với địa hình, khí hậu Việt Nam.

No comments:

Post a Comment