Sunday, October 8, 2023

 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------

KIẾN NGHỊ VỀ CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM

 California, ngày 6/10/2023

Kính gửi: 

Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt NamNguyễn Phú Trọng

Đồng kính gửi: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tôi, Cù Huy Hà Vũ, Công dân Việt Nam, Tiến sĩ Luật, Thạc sĩ Văn chương, xin gửi tới Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và Quý Vị lời chào trân trọng nhất.

Tôi cũng xin gửi tới Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và Quý Vị lời chúc mừng nhiệt liệt nhân dịp Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày 10 và 11 tháng 9 năm 2023 của Tổng thống Joe Biden.

Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá XIII đang diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới (sau đây gọi là Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI) và trên cơ sở này xây dựng một Nghị quyết mới về vấn đề hệ trọng bậc nhất này.

Với tư cách công dân Việt Nam, tôi xin có một số kiến nghị liên quan đến xử lý quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ nhằm xây dựng Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.



TRUNG QUỐC

Theo Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI, Trung Quốc có cùng có ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, cùng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đấu tranh để bảo vệ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, do lợi ích dân tộc hẹp hòi, Trung Quốc có chủ trương và hành động, thậm chí tiến hành chiến tranh chống lại chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam cả trên biển, trên bộ và trên không.

Như vậy, Trung ương Đảng CSVN cho rằng Trung Quốc có thể dùng vũ lực xâm chiếm lãnh thổ quốc gia nhưng không tìm cách lật đổ chính thể/chính quyền ở Việt Nam bởi hai nước có cùng ý thức hệ “xã hội chủ nghĩa”!

Tôi, Cù Huy Hà Vũ, khẳng định quan điểm như vậy về Trung Quốc là hoàn toàn sai lầm với ít nhất hai lý do.

Thứ nhất, kim chỉ nam cho hành động của mọi quốc gia là lợi ích quốc gia chứ không phải ý thức hệ. Ngoài ra, Trung Quốc không có cùng quan niệm về “chủ nghĩa xã hội” với các nước “xã hội chủ nghĩa” khác khi tuyên bố xây dựng “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”. Việc Liên Xô đưa hàng nghìn quân của Khối Hiệp ước Warszawa tấn công Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc năm 1968 cho thấy ý thức hệ “xã hội chủ nghĩa” ở Đông Âu trên thực tế là lợi ích nước lớn của Liên Xô. Việc Trung Quốc đã hơn một lần can thiệp để duy trì sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa, một chính thể “chống cộng”, kể cả vào những ngày cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam, phá hoại không chỉ nỗ lực thống nhất đất nước của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà còn cả lý tưởng “xã hội chủ nghĩa” mà quốc gia này theo đuổi.

Thứ hai, một khi đã tính đến khả năng Trung Quốc xâm lược Việt Nam thì không thể không tính đến việc nước này tìm cách lật đổ chính thể/chính quyền Việt Nam và thay vào đó một chính thể/chính quyền phục vụ lợi ích của Trung Quốc, bất luận có giữ vỏ “xã hội chủ nghĩa” hay không. Cụ thể, chính quyền này một khi ra đời sẽ công nhận lãnh thổ của Việt Nam đã bị Trung Quốc xâm chiếm (quần đảo Hoàng Sa…) là lãnh thổ của nước này hoặc ký kết nhượng lãnh thổ, quyền chủ quyền quốc gia cho Trung Quốc…

Sử dụng tiền bạc hoặc lợi ích khác để mua chuộc quan chức, chính trị gia hoặc các nhóm quyền lực bên trong Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam hoặc tổ chức đảo chính là những phương thức Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng để lật đổ chính thể/chính quyền ở Việt Nam.

Do đó, tôi kiến nghị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam xác định Trung Quốc là đối tượng không chỉ có chủ trương thôn tính lãnh thổ nước ta bằng vũ lực mà còn có mưu đổ lật đổ chính thể/chính quyền Việt Nam.

 

HOA KỲ

1.   Từ bỏ quan điểm coi Hoa Kỳ là kẻ thù

Theo Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI, Hoa Kỳ là đế quốc, hoàn toàn đối lập về ý thức hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, tuy không có mục tiêu đánh chiếm lãnh thổ, Hoa Kỳ luôn tìm cách xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa đồng nhất với xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cụ thể, Hoa Kỳ đang thực hiện chiến luợc “Diễn biến hòa bình” và không loại trừ nước này gây bạo loạn nhằm lật đổ chính thể/chính quyền Việt Nam để thiết lập một chính thể/chính quyền mới chịu sự chi phối của Hoa Kỳ. Tóm lại, vẫn theo Nghị quyết này, Hoa Kỳ là kẻ thù của Việt Nam.

Tôi, Cù Huy Hà Vũ, cho rằng quan điểm như vậy về Hoa Kỳ là không phù hợp với thực tiễn ngày nay.

Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt cùng với sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, Hoa Kỳ không còn coi chủ nghĩa cộng sản/chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là mối đe dọa đối với lợi ích của nước này. Việc Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1995 xác nhận rõ ràng sự thay đổi này. Hơn thế nữa, điều này mới là quan trọng, Hoa Kỳ cần đến Việt Nam như một đồng minh chủ chốt nhằm chống lại sự bành trướng bằng vũ lực của Trung Quốc không chỉ ở Đông Nam Á mà cả Châu Á – Thái Bình Dương. Thực vậy, các động thái quyết đoán của Trung Quốc nhằm biến biển Đông thành "ao nhà" của nước này đã đang đe dọa trực tiếp quyền tự do đi lại trên biển nói riêng, lợi ích của Mỹ với tư cách cường quốc toàn cầu nói chung. Để nói, Hoa Kỳ không dại gì tự bắn vào chân mình khi tìm cách lật đổ chính thể/chính quyền Việt Nam.

Còn việc Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền, thúc đẩy dân chủ là chính sách có tính nguyên tắc của họ, phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights - ICCPR) mà Việt Nam là thành viên từ 1982.

Với trình bày trên, tôi kiến nghị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chấm dứt coi Hoa Kỳ là kẻ thù. Vả lại, một sự thay đổi quan điểm như vậy sẽ tạo thuận lợi cho việc thiết lập liên minh quân sự với Hoa Kỳ nhằm bảo vệ hữu hiệu Tổ quốc Việt Nam chống lại xâm lược từ Trung Quốc.

2.   Liên minh quân sự với Hoa Kỳ

Ngay sau khi Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, ngày 23/12/2007, tôi đã cùng vợ tôi là Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà đến gặp và đưa tận tay Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Thư đề xuất liên minh quân sự với Hoa Kỳ để chống Trung Quốc xâm lược. Trong thư tôi nhấn mạnh: “Chính phủ phải khẩn trương xây dựng chiến lược trung hạn, thậm chí dài hạn để có thể hóa giải một cách có hiệu quả ý đồ và hành vi bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Cụ thể là Việt Nam phải liên minh với một cường quốc quân sự mà ở đây là Mỹ. Thực vậy, sau khi Liên Xô tan rã thì Mỹ trở thành cường quốc quân sự duy nhất có chính sách kiềm chế Trung Quốc”. Tôi cũng đề nghị Đại tướng Lê Đức Anh chuyển đề xuất này của tôi tới ban lãnh đạo Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam và ông đã nhận lời.

Sau đó, vào năm 2010, tôi đã thực hiện hai bài trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, “Tham vọng của TQ trong cuộc tranh chấp biển Đông quá rõ ràng” (09/4/2010) và “Ðồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại’” (24/7/2010). Trong các bài trả lời phỏng vấn này, tôi chỉ rõ liên minh quân sự với Hoa Kỳ để chống Trung Quốc xâm lược là hoàn toàn nhất quán với chính sách đối ngoại của Việt Nam trong quá khứ khi Việt Nam liên tục là đồng minh quân sự của hết nước lớn này đến nước lớn khác: Liên Xô và Trung Quốc trong chống Pháp (1950-1954) và chống Mỹ (1954-1975), Liên Xô trong chống Trung Quốc (1979-1989).

Tôi cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ cần quay trở lại Đông Nam Á về quân sự để chống Trung Quốc độc chiếm biển Đông nói riêng, bành trướng bằng vũ lực ở Đông Á nói chung và lấy xây dựng liên minh quân sự với Việt Nam làm nòng vốt cho một chiến lược như vậy.

Cần nói rõ thêm là liên minh quân sự với nước khác để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam là tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí Minh.

Trong chiến tranh thế giới thứ II, Hồ Chí Minh đã chọn đưa dân tộc Việt Nam đứng về phía Đồng Minh để chống phát xít Nhật và chính quyền thực Pháp. Lập trường này đã được ông với tư cách Chủ tịch Chính phủ lầm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) tự hào tuyên bố ngay trong Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập!”

Thế chiến II vừa chấm dứt, Pháp liền tái xâm lược Việt Nam. Để “khôi phục lại những quyền cơ bản của Việt Nam là được thừa nhận độc lập dân tộc và thống nhất lãnh thổ”, Hồ Chí Minh đã không ngần ngại đề nghị liên minh quân sự với “các nước dân chủ”.

Trong bức thư tháng 12/1946 gửi Đại Anh Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và các nước thành viên khác của Liên hợp quốc, Chủ tịch Chính phủ VNDCCH tuyên bố: “Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân."

Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh được mở ra, Hồ Chí Minh quyết định đưa VNDCCH gia nhập “phe xã hội chủ nghĩa” để bảo đảm thành công cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Tại cuộc hội kiến đầu tháng 2/1950 với nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin có sự tham dự của Chủ tịch Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông (đang ở thăm Liên Xô), Hồ Chí Minh khẳng định VNDCCH đi theo con đường xã hội chủ nghĩa và đề nghị Liên Xô và Trung Quốc trợ giúp cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, đặc biệt về quân sự. Kết quả là với viện trợ quan trọng từ hai đồng minh cộng sản này, VNDCCH đã đánh bại Pháp tại trận quyết chiến Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954. Chiến thắng này đã khiến Hiệp định Genève được ký kết ngay sau đó, chấm dứt sự có mặt của nước Pháp thực dân kéo dài 7 thập kỷ tại Việt Nam.

Cũng như vậy, Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình đã không ngần ngại tuyên bố “nước VNDCCH là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á” để tiếp tục nhận được từ phe này các khoản viện trợ tuyệt đối cần thiết cho sự nghiệp thống nhất đất nước trong bối cảnh Chiến tranh Việt Nam. Kết quả là ngày 30/4/1975 đất nước đã liền một giải với sự chấm dứt tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam.

Việc Hồ Chí Minh kiên định chọn “phe xã hội chủ nghĩa” làm đồng minh còn được thể hiện rõ ở việc VNDCCH chưa bao giờ tham gia Phong trào không liên kết thành lập năm 1955 gồm các quốc gia tuyên bố đứng giữa hai liên minh quân sự đối địch trong Chiến tranh lạnh là NATO và Warszawa.

Kế thừa tư tưởng về liên minh quân sự của Hồ Chí Minh, ngày 3 tháng 11 năm 1978, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do những đồng chí cận kề của ông là Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng lãnh đạo, đã ký với Liên Xô Hiệp ước hữu nghị và hợp tác nhằm thiết lập một liên minh quân sự để đối phó với cuộc xâm lược từ Căm Pu Chia Dân chủ của Khmer Đỏ và cuộc xâm lược sắp xảy ra từ Trung Quốc. Điều này bất chấp hai nước sạu cũng thuộc “đại gia đình cộng sản”.

Kết quả là với hỗ trợ quân sự to lớn từ đồng minh Liên Xô, Việt Nam đã đánh bại Khmer Đỏ và tiếp đó cuộc xâm lược nhằm vào các tỉnh phía Bắc Việt Nam do Trung Quốc tiến hành ngày 17/2/1979 với 300 ngàn quân.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện chính sách quốc phòng “4 Không”. Đó là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế (Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019).

Như vậy, trong bối cảnh Trung Quốc đang liên tiếp xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ và rình rập xâm chiếm tiếp lãnh thổ của Việt Nam, quần đảo Trường Sa trước hết, chính sách quốc phòng “4 Không” là đi ngược lại tư tưởng về liên minh quân sự của Hồ Chí Minh.

Cũng cần nói thêm rằng, Trung Quốc là một cường quốc quân sự, và hơn thế, một cường quốc hạt nhân. Do đó, trong một cuộc chiến rất có thể là tổng lực do Trung Quốc phát động, Việt Nam chỉ có thể sống sót nếu là đồng minh quân sự của ít nhất một cường quốc hạt nhân. Cho dù là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Việt Nam, Nga sẽ không bao giờ trở thành đồng minh quân sự của Việt Nam trong đối đầu với Trung Quốc. Đơn giản là hiện giờ Nga đang rất cần được Trung Quốc hỗ trợ để đối phó với phương Tây trong cuộc chiến tranh ở Ucraina. Do đó, liên minh quân sự với Hoa Kỳ không những là chuyện chẳng đừng mà còn cấp thiết đối với Việt Nam.

Bài học từ cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 cho thấy nếu có được quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ ngay sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975 thì Việt Nam đã không bị Trung Quốc tấn công. Điều này có nghĩa Việt Nam liên minh quân sự với Mỹ sớm ngày nào thì nguy cơ lãnh thổ và quyền chủ quyền quốc gia, đặc biệt trên Biển Đông, rơi vào tay Trung Quốc cũng như nguy cơ hứng chịu một cuộc chiến tranh tổng lực cả trên biển lẫn đất liền từ nước bành trướng này bị đẩy lùi ngày ấy.

Tôi tin rằng dưới sự điều hành Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã cam kết "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên tối cao" và “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống”, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tiếp nhận các kiến nghị trên đây của tôi để xây dựng thành công Chiến lược bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam.

Chân thành cảm ơn và mong sớm được hồi âm.

NGƯỜI KIẾN NGHỊ

 

                                    

   CÙ HUY HÀ VŨ

Tiến sĩ Luật, Thạc sĩ Văn chương

Email:Cuhuyhavuvietnam@gmail.com

Địa chỉ tạm trú: 10926 Lotus Drive, 

Garden Grove, California, Hoa Kỳ

 

No comments:

Post a Comment