VNTB – Việt Nam cấp tập lên tiếng cảnh báo về nạn buôn ngườiHoàng Mai
03.08.2023 11:32
VNThoibao
(VNTB) – Hoa Kỳ đã nâng bậc xếp hạng Việt Nam từ Nhóm 3 lên Nhóm 2 cần theo dõi về nạn buôn người.
Trong Báo cáo năm 2023 công bố tháng 6 vừa qua, Hoa Kỳ đã nâng bậc xếp hạng Việt Nam từ Nhóm 3 lên Nhóm 2 cần theo dõi. Gồm các nước không đáp ứng các tiêu chuẩn để loại bỏ nạn buôn người, nhưng đã thể hiện nỗ lực đáng ghi nhận để đáp ứng các tiêu chuẩn.
Thống kê của Bộ Công an cho hay tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố và tiếp tục điều tra 88 vụ/ 229 đối tượng phạm tội mua bán người; đưa ra xét xử 43 vụ/ 107 bị cáo… Các cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp nhận, xác minh 114 người; xác định 82 người là nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ cho 65 nạn nhân…
Một ghi nhận từ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, nói rằng, nếu năm 2004 tỷ lệ nạn nhân là nam giới và trẻ em trai chỉ là 13% và 3% thì đến năm 2020, 23% nạn nhân bị mua bán là nam giới và 17% là trẻ em trai. Tỷ lệ nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái giảm đi nhưng nạn nhân là phụ nữ bị bạo lực thể chất gấp 3 nạn nhân nam giới, trẻ em bị bạo lực gấp đôi người lớn.
Giai đoạn từ năm 2011 đến 2020, mua bán người trong nội địa chiếm 15%, nạn nhân là nam giới chiếm 10%; giai đoạn từ năm 2018 đến hết năm 2022, mua bán người trong nội địa chiếm 34%, nạn nhân là nam giới chiếm 27%; tuy nhiên, tính riêng trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, mua bán người trong nội địa và nạn nhân là nam giới chiếm trên 40%.
Đại diện tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhận định tại Việt Nam, với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, tội phạm mua bán người thông qua mạng xã hội, các tài khoản ảo, qua SIM điện thoại không chính chủ để kết bạn, làm quen, yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, lấy chồng người nước ngoài giàu có…, sau đó tìm cách đưa nạn nhân qua biên giới, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục, cưỡng ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp…
“Những hành vi này xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nạn nhân và gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em, gây nên những bất ổn trong xã hội, gieo rắc nỗi đau tận cùng cho biết bao gia đình” – vị đại diện tổ chức đoàn thể nêu trên, kết luận.
Còn theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, qua 1 năm thực hiện kế hoạch số 1326 (từ tháng 6-2022 đến 6-2023) về phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người tại địa bàn biên giới giữa lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, trao đổi thông tin đấu tranh 65 vụ/ 81 đối tượng, xác định 105 nạn nhân; trao đổi 496 thông tin liên quan đến nạn nhân và nghi vấn vụ mua bán người; phối hợp xác lập, triệt phá thành công 7 chuyên án và 15 vụ án mua bán người.
Điển hình các địa phương: Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Bạc Liêu, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cà Mau.
Ngoài ra, Công an, Biên phòng các địa phương đã phối hợp tiếp nhận 9.716 công dân xuất nhập cảnh trái phép do Trung Quốc, Campuchia, Lào trao trả và xác minh thông tin, tiếp nhận 9.389 công dân xuất nhập cảnh trái phép tự trở về…
Nổi lên là các đối tượng cư trú trong nội địa câu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới, đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài thành lập các đường dây khép kín dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân đưa ra nước ngoài hoặc trong nước nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật…
Các loại tội phạm “nguồn” của mua bán người như tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, mang thai hộ với mục đích thương mại; mua bán bộ phận cơ thể người cũng có dấu hiệu gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người.
No comments:
Post a Comment