Tuesday, August 8, 2023

Còn nhiều bất minh trong vụ bê bối chuyến bay giải cứu
Bài bình luận của Zachary Abuza
2023.08.07
RFA

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị cảnh sát dẫn vào tòa án để xét xử vụ chuyến bay giải cứu tại Hà Nội vào ngày 11/7/2023.
AFP

Sau một phiên xử kéo dài hai tuần vào tháng trước, tòa án ở Hà Nội đã kết án 54 bị cáo, trong đó có các quan chức ngoại giao cấp cao, vì nhận hối lộ hơn 7,4 tỷ USD để dàn xếp các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước trong thời gian phong tỏa do đại dịch COVID-19.

Đại án chuyến bay giải cứu không phải là vụ tham nhũng lớn nhất ở Việt Nam về mặt tiền bạc, nhưng có liên quan đến 25 quan chức thuộc năm bộ ngành khác nhau, và các phương tiện truyền thông do Nhà nước kiểm soát chặt chẽ được cho phép tự do đưa tin về vụ án đã thu hút sự chú ý của công chúng và ảnh hưởng đến nhiều công dân.

Gần 200,000 công dân Việt Nam từ 62 quốc gia khác nhau được cho là đã trở về thông qua khoảng 1,000 chuyến bay do Chính phủ Việt Nam tổ chức trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch vào năm 2020-2021. Vụ bê bối này đã làm sụp đổ ba Đại sứ Việt Nam và các quan chức khác do ăn bớt tiền giải cứu.

Trong phiên tòa kết án 54 người ngày 28/7, bốn quan chức đã nhận án chung thân, 45 quan chức khác và doanh nhân đã chịu án tù từ 16 tháng đến 20 năm. Viện Kiểm sát đã đề xuất án tử hình đối với một quan chức, nhưng tòa án đã nhân nhượng. Trong số các bị cáo, có 21 người bị cáo buộc nhận hối lộ, 24 người bị cáo buộc đưa hối lộ và số còn lại bị cạo buộc lạm dụng chức vụ, quyền hạn, môi giới hối lộ hoặc giả mạo trong công tác.

Có 24 doanh nhân đã nêu ý kiến trong phiên tòa về "văn hóa phong bì" ở Việt Nam. Đại diện Viện Kiểm sát đã miêu tả một hệ thống "bôi trơn" được thiết lập cho các công ty tìm kiếm hợp đồng từ chính phủ, với số tiền hối lộ tương quan với số chuyến bay và số người về nước.

Các quan chức vấy bẩn

Có sáu điểm mấu chốt từ vụ án mà các kiểm sát viên cho rằng đã thể hiện mức độ tham nhũng “cực kỳ nguy hiểm" và "phản bội lại nỗ lực cứu dân của cả hệ thống chính trị."

Thứ nhất, Bộ Ngoại giao hiện đã bị hoen ố trong mắt công chúng. Mười ba trong số 54 người bị kết án —  tức gần một phần tư — đến từ Bộ Ngoại giao, luôn tự hào là một tổ chức rất nhỏ và ưu tú. Các nhà ngoại giao của Việt Nam thường được người dân đánh giá rất cao. Tuy nhiên, vụ án đã cho thấy sự tham nhũng tầm thường, vốn luôn phổ biến hơn ở các bộ ngành khác.

Trong thời kỳ khủng hoảng, các nhà ngoại giao này đã lợi dụng những người lao động xuất khẩu ở nước ngoài — những khoản tiền họ gửi về nước đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế nước nhà — và họ đã làm vậy khi người dân đang tuyệt vọng. Các phương tiện truyền thông đồng loạt đăng tải các câu chuyện về những người đã bỏ lỡ đám tang cha mẹ và các trường hợp mất mát khác, khiến công chúng xúc động. Chỉ riêng bốn người tại Đại sứ quán tại Malaysia đã nhận 10 tỷ đồng (423.000 USD) tiền hối lộ.

defs.jpeg
Các bị cáo hầu tòa trong phiên xét xử chuyến bay giải cứu tại Hà Nội ngày 11/7/2023. Ảnh: AFP

Vụ bê bối này đã làm mất chức một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao là ông Tô Anh Dũng, người bị kết án vì đã nhận 21,5 tỷ đồng (908.000 USD), cũng như các Đại sứ tại Nhật Bản, Malaysia, Angola và Tổng lãnh sự tại Osaka.

Ngoài ra, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Nguyễn Thị Hương Lan, đã bị kết án tù chung thân vì nhận 25 tỷ đồng (1,06 triệu USD). Bà này không chịu thừa nhận rằng đó là tiền hối lộ, mà cho đó là "món quà cảm ơn" từ các công ty mà bà “nhận vì tôn trọng."

Trả nợ để khoan hồng

Thứ hai, Tòa Tối cao quyết định rằng việc trả lại ba phần tư số tiền tham nhũng sẽ giúp các bị cáo đủ điều kiện nhận khoan hồng từ phía tòa án.

Ví dụ, đại diện Viện Kiểm sát đã đề xuất án tử hình đối với một thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, nhưng sau khi ông này trả lại toàn bộ 42 tỷ đồng ($1,8 triệu), tòa án đã tuyên án tù chung thân cho ông, và tuyên bố "Không cần phải loại bỏ khỏi xã hội."

Mặc dù việc Chính phủ thu hồi lại tiền từ tội phạm và đảm bảo rằng họ không hưởng lợi từ tham nhũng là việc quan trọng, phán quyết của tòa cũng gây ra ấn tượng rằng công lý có thể mua chuộc được. Truyền thông địa phương đã đặt câu hỏi rằng liệu việc lấp đầy ngân khoản Nhà nước có quan trọng hơn việc trừng phạt những người tống tiền từ công dân trong thời kỳ đại dịch hay không.

Thứ ba, chỉ có ba quan chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam bị kết tội, con số này nhỏ một cách vô lý so với tầm ảnh hưởng của bộ này. Các nhà điều tra của Bộ Công an đã tập trung vào Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, và có vẻ như họ muốn đóng lại ở mức cấp bậc này và chuyển hướng cuộc điều tra ra bên ngoài.

flight inside.jpeg
Công dân Việt Nam mặc đồ bảo hộ trên chuyến bay giải cứu từ Singapore về Việt Nam ngày 7/8/2020. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, có một bị cáo đã được truyền thông quan tâm đáng kể là Hoàng Văn Hùng, cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an, đơn vị chịu trách nhiệm điều tra các doanh nghiệp đưa hối lộ, và ông đã tiết lộ thông tin cho họ để nhận lợi tức bất hợp pháp về riêng mình.

Mặc dù bị ghi hình nhận một chiếc cặp chứa khoản tiền mà đại diện Viện Kiểm sát cho là 450.000 USD, cựu điều tra viên này vẫn kiên quyết phủ nhận, tuyên bố rằng chiếc cặp chứa bốn chai rượu. Ông phủ nhận đã gặp bất kỳ ai đang bị điều tra dù có nhiều bằng chứng đáng kể. Đại diện Viện Kiểm sát nhận định rằng ở vị trí của mình, ông biết tất cả các bước để che giấu dấu vết, bao gồm việc sử dụng điện thoại di động tạm thời.

Thái độ ngang bướng của ông trong suốt phiên tòa cho mọi người thấy rằng những người được giao nhiệm vụ điều tra tham nhũng thường bị hoen ố bởi tham nhũng nhất. Hình phạt của ông còn dài hơn cả yêu cầu của Viện Kiểm sát.

Bộ Y tế hoen ố

Thứ tư, phiên tòa đã nhắc lại rằng tham nhũng cực kỳ phổ biến trong Bộ Y tế Việt Nam. Thư ký của của Thứ trưởng Bộ Y tế, Phạm Trung Kiên, đã bị bắt vì đã nhận tiền hối lộ lên tới 253 lần trong vòng một năm.

Ngoài vụ bê bối này, bộ này cũng bị ảnh hưởng nặng bởi vụ án về bộ kit xét nghiệm Việt Á, và trong một vụ tham nhũng khác vào tháng 7, một doanh nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh bị cáo buộc lừa bán số găng tay y tế trị giá 3,2 triệu USD.

Các cuộc điều tra về quá nhiều quan chức cấp cao trong bộ này đã có tác động thực sự lên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Vì sợ bị dính vào cuộc điều tra tham nhũng, không ai sẵn lòng ký duyệt nhập khẩu các loại thuốc quan trọng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vào đầu năm 2023, gây trì hoãn cho hàng ngàn ca phẫu thuật.

flight outside.jpeg
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng cho công dân Việt Nam sau khi chuyến bay giải cứu từ Singapore hạ cánh xuống sân bay Cần Thơ ngày 7/8/2020. Ảnh: Reuters

Thứ năm, các nhà phân tích Việt Nam đã nói chuyện với tôi nhận định rằng có sự khác biệt rõ rệt về mức độ ăn năn. Các quan chức lâu năm trong hệ thống dường như chấp nhận hình phạt của họ như  một phần của quá trình kinh doanh.

Ví dụ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng thừa nhận rằng ông không nhớ được số tiền hối lộ mình đã nhận nhưng ngay lập tức trả lại khoản tiền được Viện Kiểm sát xác định.

Trái lại, những quan chức trẻ hơn đã theo dõi cách cấp trên của họ làm giàu trong nhiều năm, lại trở nên ngang bướng và không muốn đền tội. Họ thường không biết xấu hổ trong suốt phiên tòa, miêu tả hành động của họ là cao quý và vì lợi ích công chúng. Họ hầu như không thể hiện sự ăn năn và nói rằng các doanh nghiệp đã tự nguyện tặng các mòn quà mà chưa bao giờ bị đòi hỏi.

Cấp trên của họ mặc dù cũng phải đối diện với nhiều năm tù, nhưng họ đã tích luỹ đủ tài sản qua nhiều năm để ít nhất đủ bảo vệ gia đình. Các quan chức trẻ hơn thậm chí còn không được như vậy.

Mối liên quan tới chính trị cấp cao

Cuối cùng, mặc dù vụ án này nên được xem là cách biệt với cuộc điều tra tham nhũng cấp cao khiến Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam mất chức trong năm nay, vẫn có một số liên kết tới chính trị cấp cao.

Ẩn mình dưới những dòng tiêu đề là việc kết án Trần Văn Tân, người được đồn là họ hàng của vợ Nguyễn Xuân Phúc, án tù 7-8 năm trong vụ bê bối này.

Nếu thật, điều này cho thấy rằng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, vẫn tiếp tục tạo áp lực đối với Phúc để đảm bảo rằng cựu Chủ tịch nước không đi chệch hướng trong giai đoạn tiến vào Đại hội Đảng XIII, dự kiến tổ chức vào tháng 1/2026.

Dù Nguyễn Xuân Phúc đã bị cách chức, ông vẫn sẽ làm việc trong bóng tối để đảm bảo sự thăng tiến của những người học trò của mình. Sự thành công của họ là sự đảm bảo cho tài sản và an ninh của ông cũng như gia đình ông.

Việc nhắm vào các cố vấn và người thân là một trong những cách chính để kiểm soát các nhân vật tiêu biểu.

Trong suốt phiên tòa, cựu điều tra viên của Bộ Công an Hoàng Văn Hùng đã ngụ ý rằng không phải tất cả những ai cần đứng trước tòa đều đã có mặt.

Ông và những người khác có thông tin để tiết lộ. Điều này có thể đủ để giữ những người đã từng có quyền lực ở lại sân golf và không tham gia vào cuộc đua quyền lực ngày càng khốc liệt trước Đại hội Đảng XIII.

Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện ở đây là của riêng ông và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Đại học Chiến tranh Quốc gia, Đại học Georgetown hay Đài Á Châu Tự do.

Tin, bài liên quan
BLOG

No comments:

Post a Comment