Xung đột tiếp diễn giữa Wagner và quân đội NgaThụy My
Đăng ngày: 15/06/2023 - 13:30
RFI
Bộ trưởng quốc phòng Sergueï Choïgou đã ra lệnh cho những « người tình nguyện » từ nay đến ngày 01/07 phải ký hợp đồng với quân đội. Họ sẽ được hưởng các chế độ dành cho quân nhân, trong đó có tử tuất 5 triệu rúp (56.000 euro) cho gia đình lính tử trận, món trợ cấp đáng kể mà Vladimir Putin vừa cho tăng thêm. Tuy không nêu cụ thể tên Wagner, nhưng rõ ràng quân đội muốn nắm lấy lực lượng lính đánh thuê và tù nhân mà Evgueni Prigojine đã tuyển mộ.
Trong lúc Wagner không có được sự hiện diện hợp pháp, vì các công ty quân sự tư nhân trên lý thuyết vẫn bị cấm ở Nga, bộ Quốc Phòng nhấn mạnh đến sự cần thiết có « tư cách hợp pháp » cho các tổ chức này. Điều này chắc chắn là nhằm làm ngưng những xung đột liên tục giữa Wagner và quân đội, trên chiến trường cũng như giữa những người đứng đầu, trong lúc cuộc phản công của Ukraina đã khởi động.
Từ gần một năm qua, Evgueni Prigojine không ngừng chỉ trích các lãnh đạo quân đội là bất tài, tham nhũng, yếu kém, không cung cấp đạn dược cho đội quân của ông ta trong trận đánh đẫm máu kéo dài 10 tháng để chiếm Bakhmut. Cho đến nay Vladimir Putin vẫn không có phản ứng. Prigojine khẳng định sẽ không ký hợp đồng, nói rằng lệnh của bộ chỉ liên quan đến các quân nhân, nhắc lại rằng « Choïgou không có khả năng lãnh đạo đúng đắn những đơn vị quân đội ».
Vị trí của ông chủ Wagner lung lay
Trong trận so găng mới này, Wagner đã mất một đồng minh tiềm năng : đội quân « Akhmat » (tên của người cha thủ lãnh Chechnya, Ramzan Kadyrov), đã dàn dựng cảnh ký hợp đồng. Theo bộ Quốc Phòng, khoảng hơn 40 đội quân tư nhân sẽ phải theo chân Akhmat, hầu hết được thành lập theo vùng lãnh thổ khi Matxcơva ra lệnh cho các thống đốc phải tuyển mộ « tình nguyện quân ». Le Figaro cho biết thêm, các công ty quân sự tư nhân (SMP hay TchéVéKa trong tiếng Nga) đôi khi còn được doanh nghiệp tài trợ. Riêng hai nhóm Potok và Fakel trực thuộc Gazprom.
Nhưng Prigojine thậm chí còn nói « sẵn sàng tiếp quản » những đơn vị này, cung cấp cả « pháo, máy bay, tin tình báo và tất cả những gì cần thiết ». Ông khẳng định có phối hợp với một số tướng lãnh được tin tưởng như Sergueï Sourovikine, có một thời gian chỉ huy « chiến dịch quân sự đặc biệt » ở Ukraina.
Le Monde nhắc lại, tuy các viên tướng và bộ trưởng không đáp trả những lời sỉ nhục công khai của Evgueni Prigojine, họ đã « chặt tay chân » của ông chủ Wagner bằng cách cấm chiêu mộ quân từ nhà tù, trong khi lính đánh thuê chết như rạ ở Bakhmut. « Tối hậu thư » được đưa ra sau khi Prigojine cho bêu ra một sĩ quan cao cấp, trung tá Roman Venevitine với bộ mặt sưng húp trong video nói rằng đã cố ý tấn công vào lính đánh thuê vì « ghét » Wagner.
Quân đội trả đũa bằng cách đăng một video khác : sĩ quan này sau khi được trao trả nói rằng bị tra tấn, và tố cáo lính Wagner hãm hiếp, bắt lính chính quy phục vụ như nô lệ hay đổi lấy đạn, đánh cắp thiết bị. Theo nhiều nhà quan sát, ông chủ Wagner không thể ngoan cố nếu Putin muốn chấm dứt. Hôm thứ Bảy, Prigojine nói rằng sẵn sàng gởi quân đến bảo vệ vùng biên giới Belgorod.
Matxcơva bị « gậy ông đập lưng ông » ở Belgorod
Đặc phái viên được Le Figaro gởi đến vùng này cho rằng « Tại Belgorod, Nga bị gậy ông đập lưng ông » trong cuộc chiến với Ukraina. Tuy vẫn trung thành với Matxcơva, người dân Nga ở biên giới phải chịu đựng những cuộc tấn công của những người Nga lưu vong chiến đấu cho Kiev, cảm thấy bị bỏ rơi trước sự im lặng của chính quyền trung ương.
Những tiếng nổ vẫn nghe được hàng ngày tại ngôi làng Graivoron có 7.000 dân nằm cách biên giới Ukraina 10 kilomet. Nhiều người dân không muốn sơ tán vì chẳng biết đi đâu và cũng không có tiền, nhưng những tuần lễ gần đây đã vắng hẳn người. Đó là do những vụ đột nhập từ cuối tháng Năm của những chiến binh người Nga chống Putin, dễ dàng chiếm một đồn biên phòng và nhiều trụ sở chính quyền trước khi rút về Ukraina. Một cựu chiến binh bực tức nói : « Những vùng đất không được bảo vệ, người dân sống trong sợ hãi, phải chăng đó là để ‘phi phát-xít hóa’ láng giềng ? Vài năm trước tôi thường xuyên sang Kharkiv bằng xe buýt và chưa hề thấy một tên quốc xã nào ».
Đêm 01/06, thành phố Chebekino có 40.000 dân bị pháo kích ồ ạt và từ đó đến nay bị tấn công thường xuyên, chỉ còn 2.000 người ở lại. Một số ra đi bằng phương tiện của chính mình, hầu hết sơ tán đến Belgorod được là nhờ những người tình nguyện đến giúp. Trong đó có một nhóm phụ trách một điểm phân phát hàng cứu trợ, đón tiếp 200 đến 300 người chạy loạn mỗi ngày. Bản thân thủ phủ Belgorod cũng có vài chục ngàn cư dân đã di tản, phòng không Nga hàng ngày bắn hạ các drone. Một số người thầm thì với nhau, hy vọng lính Wagner sẽ can thiệp. Người ta nói về những chủ khách sạn gặp khó khăn tài chánh, các nhà nông không trả nổi nợ vì không còn có thể trồng trọt, gia súc đạp nhằm mìn…tác động « boomerang » của cuộc xâm lăng Ukraina.
« Tiểu đoàn Xibêri » tham gia chống Putin với Ukraina
Trong khi đó, Le Figaro cũng cho biết về « Tiểu đoàn Xibêri tham gia cuộc kháng chiến chống Putin ở Ukraina ». Bắt đầu hoạt động từ tháng Giêng, tiểu đoàn này đã có được 300 chiến binh và đang phấn đấu để nâng cấp lên thành trung đoàn với khoảng vài ngàn quân.
Từ Ukraina, Vladislav Ammosov khẳng định qua điện thoại, là cựu quân nhân Nga, ông hiểu rõ tâm trạng và không hề ngạc nhiên khi ít bị kháng cự ở Graïvoron. Ammosov là một trong số những người Nga chiến đấu bên cạnh Ukraina, đã tham gia cuộc đột kích vào Belgorod cuối tháng Năm: « Những người lính ít ỏi ở đó đã chạy mất khi chúng tôi đến ». Xuất thân từ Cộng hòa Sakha, nơi cư ngụ của sắc tộc Sakha, hậu duệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mông Cổ ở đông bắc Nga, Ammosov gia nhập tiểu đoàn Xibêri từ tháng Giêng. Cựu đại úy của tình báo quân đội Nga (GRU) đã giải ngũ từ 2011, cố tham gia kháng chiến ở Ukraina ngay từ đầu cuộc xâm lăng nhưng không thành công.
Nhà tranh đấu Denis Sokolov từ Vacxava giải thích, « Người Nga không thể đi vào Ukraina từ tháng 2/2022, chúng tôi phải có được sự đồng ý của chính phủ Kiev để bắt đầu tuyển mộ các chiến binh Nga ». Bị FSB theo dõi, nhà nhân chủng học này phải rời nước Nga năm 2018. Là người gốc ở Saint-Pétersbourg như Vladimir Putin, Sokolov từ lâu luôn chống đối « chế độ tội phạm, từ thập niên 90 đã dùng bạo lực để củng cố quyền lực ».
Đấu tranh vũ trang vẫn là thiểu số trong đối lập lưu vong
Tháng 10/2022, Sokolov và các nhà tranh đấu khác lập ra Hội đồng Công dân, tổ chức có mục đích lật đổ chế độ Kremlin, « giải phóng » nước Nga bằng vũ lực, và tiến hành tuyển mộ tình nguyện quân. Ông cho rằng : « Cách duy nhất để lật đổ hệ thống là đấu tranh vũ trang, và hiện giờ là chiến đấu bên cạnh Ukraina ».Hội đồng Công dân cũng chủ trương giải thể Liên bang Nga - « một Nhà nước thất bại », theo Solokov - các « nước cộng hòa sắc tộc » phải có quyền tự quyết.
Hiện tổ chức này nhận được 10-15 đơn xin gia nhập mỗi ngày thông qua internet, phụ trách kiểm tra căn bản những người tình nguyện trước khi gởi sang Ukraina thông qua những con đường bí mật. Ammosov cho biết có những người từ Buryatia, Kalmykia, Kavkaz, người Tatar (Thát Đát) ... nhưng đa số là người Nga trong tiểu đoàn Xibêri đã được gia nhập vào quân đoàn nước ngoài ở Ukraina. Solokov thổ lộ, phải mất thời gian để được phía Ukraina tin tưởng, nhưng người Tatar có liên lạc với « tiểu đoàn Crimée » đã kháng chiến từ năm 2014. Họ cũng hợp tác với Quân đoàn Tình nguyện Nga thuộc phe cực hữu chống Putin.
Ammosov hy vọng giành độc lập cho Cộng hòa Sakha để trở thành hình mẫu cho các đồng hương khác. « Bản sắc của chúng tôi đã bị Nhà nước đế quốc Nga xoi mòn quá lâu, dân tộc chúng tôi đang bị khai tử ». Tuy nhiên, quan điểm cực đoan của Hội đồng Công dân vẫn là thiểu số trong giới đối lập lưu vong. Denis Sokolov nói : « Đối lập ôn hòa chẳng làm được gì, nên chúng tôi muốn hành động. Nhiều người đã sáng mắt về thực chất của Kremlin sau khi xâm lăng Ukraina. Họ hiểu rằng đấu tranh vũ trang là cách duy nhất để làm chế độ sụp đổ ».
Sông Dniepr : Thượng nguồn cạn nước, cứu hộ ở hạ nguồn bị pháo kích
Tại Ukraina, đặc phái viên của Libération mô tả « Tại Nikopol, dòng sông Dniepr cạn dần, sinh vật biến mất ». Ở thượng nguồn đập Kakhovka, người dân bắt đầu thiếu nước sinh hoạt ; nông nghiệp, kỹ nghệ và môi trường bị đe dọa. Ở thành phố có trên 100.000 dân trước chiến tranh và nay chỉ còn phân nửa, kể từ thứ Năm tuần trước hệ thống cấp nước không còn hoạt động. Người dân phải trữ bằng đủ loại xô chậu trong nhà, và xếp hàng lấy nước từ các xi-tẹc được cứu hỏa hay quân đội cho mượn. Nước rút đi lộ ra những bộ xương ở vị trí trước kia là nghĩa địa, xác những loài nhuyễn thể dày đặc bốc mùi trong cái nóng mùa hè…Cả một thảm họa sinh thái.
Le Monde cho biết « Tại Kherson, những người tình nguyện cố sơ tán dân vùng chiếm đóng bất chấp tính mạng bị đe dọa ». Sau khi đập Kakhovka bị phá vỡ, những người cứu hộ đến giúp dân làng đang bị kẹt ở bờ bên kia bị quân Nga bắn vào, dù các xuồng có ghi rõ chữ « tình nguyện ». Dân phía Nga chiếm đóng phải bỏ lại tất cả để ra đi : nhà cửa, nông trại, gia súc, chỉ có thể mang theo chó mèo. Sáng hôm qua, Nga lại pháo kích vào một khu dân cư của thành phố kỹ nghệ Kryvyi Rih thuộc Dnipropetrosk ở miền đông làm 11 thường dân thiệt mạng, khoảng 30 người bị thương. Vụ này mang tính biểu tượng vì đó là thành phố quê hương của tổng thống Volodymyr Zelensky.
Nga giả mạo báo Pháp để bóp méo thông tin
Về cuộc chiến truyền thông, Le Figaro cho biết chính quyền Pháp hôm qua tố cáo đang là mục tiêu một chiến dịch bóp méo thông tin của Nga. Lần đầu tiên Paris phải đối mặt với nạn giả mạo hàng loạt không chỉ những trang web chính phủ, mà cả những tờ báo lớn như Le Figaro, Le Monde, Le Parisien, hay 20 Minutes, nhằm làm yếu đi sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraina. Pháp cho rằng các thủ phạm còn định trắc nghiệm những công cụ mới trong chiến tranh thông tin.
Chiến dịch bắt đầu từ tháng 3/2022 với việc thành lập một cơ quan truyền thông giả mạo tên Reliable Recent News (RRN) chuyên loan đi những tin thất thiệt bất lợi cho Ukraina : các nhà lãnh đạo ở Kiev là « quốc xã », các chính phủ châu Âu « thù ghét Nga », trừng phạt Matxcơva « trước hết chỉ làm thiệt hại cho châu Âu »… RRN, liên kết với một trang web tin giả của Nga mang cái tên mỉa mai là « War on Fakes », cũng nói rằng Pháp là đồng phạm tội ác chiến tranh vì giao đại pháo Caesar cho Ukraina.
Các tác giả cố làm tăng giả tạo lượng đọc bằng cách tạo ra những cơ quan mạo danh truyền thông, chuyển tiếp những nội dung này và lan truyền trên mạng xã hội. Ngày 24/02/2023, năm trang web mang tên Pháp được lập ra, và từ tháng 6/2022 đến tháng 5/2023, có đến 355 tên miền giả danh truyền thông Pháp được đăng ký tại 9 quốc gia, đăng lên những bài báo giả.
Quỹ Marianne : Một quốc vụ khanh bị điều tra
Điều tra về vụ biển thủ Quỹ Marianne, vấn đề tự chủ dược phẩm, vị thế mới của công nghệ Pháp, trí thông minh nhân tạo là những chủ đề được các báo đưa lên trang nhất. Sự kiện bà Marlène Schiappa, quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề xã hội, tương trợ, hôm nay, 14/06/2023, phải ra trước ủy ban điều tra Thượng Viện được tất cả báo Paris bình luận. Quỹ Marianne có 2,5 triệu euro được thành lập sáu tháng sau vụ thầy giáo Samuel Paty bị sát hại dã man tháng 10/2020, nhằm tài trợ cho các hiệp hội chống lại tuyên truyền của Hồi giáo cực đoan.
Có 17 hiệp hội nhận được tiền từ quỹ này, nhưng riêng USEPPPM là kẻ hưởng lợi chủ yếu với 355.000 euro. Số tiền này chủ yếu để trả lương cho người phụ trách chính - nhà báo gốc Maroc Mohamed Sifaoui và một người khác, 11 thuê bao điện thoại di động, văn phòng ở một khu phố sang trọng. Dịch vụ được hiệp hội này cung cấp chỉ là 8 bài viết trên trang web và những tweet chẳng có mấy người đọc. Bà Schiappa khẳng định không can thiệp vào việc chọn lựa người thụ hưởng, nhưng không thuyết phục được ủy ban vì có đến ba thành viên trong văn phòng bà tham gia. Đã có nhiều tiếng nói đòi hỏi bà Marlène Schiappa từ chức.
No comments:
Post a Comment