Friday, June 16, 2023

Vụ Đắk Lắk: đưa tin kiểu truyền thông Nhà nước sẽ khoét sâu hận thù trong dân
2023.06.15
RFA

Trụ sở UBND xã Ea Tiêu, nơi bị tấn công hôm 11/6
Dân Trí

Cách mà truyền thông Nhà nước Việt Nam hiện nay loan về vụ tấn công ở Đắk Lắk được nhận định sẽ gây thêm thù ghét giữa người Kinh và người Thượng ở Tây Nguyên.

Thông tin mập mờ

Về vụ xả súng vào hai UBND xã ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6, cho đến nay, tất cả những gì người dân trong nước được biết đều từ một phía do công an cung cấp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, từ Canada bình luận với RFA qua tin nhắn rằng Chính quyền hiện đang loay hoay, tìm cách hợp lý hoá các tình tiết xảy ra trong vụ án này:

“Hiện nay, Chính quyền có vẻ đang lúng túng không biết đưa phiên bản câu chuyện nào có sức thuyết phục về những gì đã xảy ra, nên thông tin chỉ nhỏ giọt với du hiệu bưng bít rõ ràng.”

Một cựu nhà báo Reuters người Mỹ, từng có kinh nghiệm làm việc 18 năm ở Trung Quốc, năm năm ở Việt Nam không muốn nêu danh tính với lý do an ninh,  bình luận với RFA rằng qua những thông tin từ báo nhà nước bằng tiếng Anh, ông nhận thấy có rất nhiều điểm mập mờ, mâu thuẫn và báo chí dưới sự kiểm soát của nhà nước đã không đưa toàn bộ thông tin về vụ án này:

“Tôi đọc vụ án này trên Vietnam Express, bài viết này đã bị xoá ngay sau đó, rồi lại xuất hiện một bài báo khác đưa ra một số chi tiết khác. Nó khiến tôi tự hỏi thông tin nào là đúng. Tôi tự hỏi những gì thực sự đã xảy ra.

Tôi không nói các bài báo đó là không khách quan. Nhưng, nếu Việt Nam có tự do ngôn luận, tự do báo chí hơn, thì mọi người sẽ không nghi ngờ như vậy. Hoặc mọi người có thể đặt nghi vấn về vụ án này một cách tự do hơn.”

Cơ quan chức năng cũng kiểm soát bình luận trên mạng xã hội bằng cách xử phạt nhiều người có ý kiến trái chiều với cơ quan nhà nước trong vụ án này.

Khoét sâu thù hận xã hội

Một số trang mạng xã hội thân chính phủ như Tifosi hay Buôn Mê Thuộc - Dak Lak đã chĩa mũi tấn công, ám chỉ hung thủ thực hiện hành vi xả súng là nhóm FULRO - một nhóm đấu tranh của các các sắc tộc ở Tây Nguyên mà Công an Việt Nam từng tuyên bố đã xóa sổ tại khu vực này rồi.

Bên cạnh đó, báo chí dẫn lời từ cơ quan công an đã dùng những từ ngữ “liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính, có tổ chức…”đối với những nghi phạm trong vụ việc.

Những nhà hoạt động, nhà báo mà RFA phỏng vấn cho biết những động thái này của cơ quan chức năng sẽ tạo ra thêm nhiều bất ổn xã hội, khoét sâu xung đột giữa chính quyền và người Thượng, kích động thù ghét giữa người Kinh và người Thượng. Từ đó càng tạo thêm nhiều bất ổn xã hội trong tương lai:

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định:

“Với cách hành xử này sẽ tiếp tục đào sâu hố ngăn cách giữa các sắc tộc, tiềm ẩn nhiều bất ổn xã hội.

Chừng nào chính quyền vẫn duy trì các chính sách sai lầm về đất đai, sắc tộc và tôn giáo, tình hình Tây Nguyên vẫn sẽ bất ổn. Các page thân chính quyền đưa tin săn đuổi người bản địa như vậy kỳ thực rất vô tri và xuẩn ngốc, sẽ đổ dầu vào la căm hờn của người bản địa.

Một nhà hoạt động tôn giáo và là người bản địa Tây Nguyên, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an ninh, cho rằng những cáo buộc đối với cộng đồng sắc tộc ở Tây Nguyên là hoàn toàn vô căn cứ:

“Chính quyền đang khơi dậy ngọn lửa thù hận trong cộng đồng người Kinh và người sắc tộc tại địa bàn tỉnh Dak Lak, nhằm làm xáo động mối quan hệ của người dân với nhau.

Vốn dĩ, mối quan hệ giữa người Kinh ở địa bàn các tỉnh Tây Nguyên với người sắc tộc đã không có sự hòa hợp. Cho nên, các vụ châm lửa hận thù như thế này li càng tạo cho mối quan hệ xã hội giữa người Kinh và người sắc tộc lại càng xấu hơn.

Vì thế, đòn đánh này của chính quyền là dùng người dân ghét người dân, trong tương lai, mâu thuẫn và bạo lực bản thân nó sẽ tự động xảy ra mà không cần có sự can thiệp của chính quyền.”

Học theo chiến thuật của Trung Quốc?

Nhà báo người Mỹ giấu tên nhận định phản ứng của cơ quan chức năng Việt Nam trong vụ nổ súng ở Dak Lak làm ông nhớ đến cách mà chính quyền Trung Quốc dùng để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Ông nói, Chính phủ Việt Nam đã và đang đàn áp nhiều nhóm sắc tộc khác nhau và đặc biệt là can thiệp vào các hoạt động tôn giáo ca các nhóm này. Chính phủ không công nhận tôn giáo mà các nhóm người này theo. Và vì vậy xung đột đã xảy ra nhiều năm qua.

Những vụ án tương tự như vậy xảy ra khá phổ biến đối với chính quyền cộng sản Trung Quốc:

“Tôi đã ở đưa tin về Trung gần 30 năm và tôi cũng nghiên cứu về Việt Nam. Tôi nhận thấy một chiến thuật phổ biến được Trung Quốc sử dụng để bôi nhọ danh tiếng của bất kỳ ai chống lại chính phủ, đó là liên kết họ với bạo lực hoặc một số loại hành vi xấu xa.”

Một ví dụ điển hình, vào tháng 3/2014, cuộc tấn công xảy ra ở một nhà ga xe lửa ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khiến hơn 30 người thiệt mạng. Khi đó, chính phủ Trung Quốc cáo buộc nhóm tám người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi từ Tân Cương gây ra. Có bốn người bị cảnh sát bắn chết tại chỗ. Một phiên toà kín sau đó đã kết án tử hình ba người và một người chịu án chung thân vì tội “khủng bố”:

“Chúng tôi thậm chí không biết các chi tiết diễn ra trong phiên toà. Chính quyền Trung Quốc nói nhóm tám người đi vào nhà ga với hung khí là những con dao rất dài. Nhưng, làm thế nào họ vào nhà ga được khi tất cả nhà ga xe lửa ở Trung Quốc đều kiểm tra an ninh và hành lý của hành khách.”

Dù không đưa ra những lời lý giải thuyết phục, nhưng vụ án này đã tác động rất lớn đối với tâm lý người dân Trung Quốc, họ tỏ ra lo ngại đối với người Duy Ngô Nhĩ:

“Trung Quốc thường cáo buộc những nhóm này là bạo lực, khủng bố. Và nó có tác động rất lớn đến suy nghĩ của người Trung Quốc. Hầu hết những người ở Trung Quốc mà tôi biết đều rất, rất tức giận về những người Duy Ngô Nhĩ vì họ đã giết hại dân thường.

Và vì vậy, chính phủ Trung Quốc đã rất thành công. Nó là một công cụ rất hiệu quả mà đảng Cộng sản đã sử dụng trong một thời gian dài.

Liên hệ với vụ án ở Dak Lak, ông nói có một chi tiết khiến ông nghi ngờ đó là báo chí nhà nước đề cập rằng nhóm đã giết một tài xế xe tải là một người dân vô tội:

“Tôi hơi nghi ngờ về điều đó. Bởi vì, về cơ bản, đây là cuộc tấn công vào nhắm vào các đồn cảnh sát chứ không phải thường dân. Và tôi không nghĩ rằng nhóm này, bất kể họ là ai, li có nhu cầu giết thường dân.”

Khi một người Việt Nam bình thường bị giết, điều đó tạo ra làn sóng phẫn nộ trong dân chúng.

Tôi nghĩ rằng, trong vụ án này, chúng ta không thể đi đến cùng sự thật và phiên toà xét xử cũng sẽ khó có khả năng được công khai.”

Chính quyền nên giải quyết thế nào?

Theo nhà báo giấu tên, nếu chính phủ Việt Nam muốn thể hiện mình công bằng và tử tế trong việc giải quyết vụ án này, họ nên mở một phiên tòa công khai:

“Nhưng tôi không nghĩ chính phủ sẽ thực hiện điều đó. Nếu là một vụ án nhạy cảm, chính quyền sẽ không cho phép bất cứ ai vào toà, ngay cả gia đình của những người có liên quan, giới truyền thông hoặc các nhà ngoại giao cũng không được phép tham dự.”

Một nhà hoạt động tôn giáo chia sẻ quan điểm:

“Những ai thực sự đã khuyến khích hay vạch ra kế hoạch tấn công người thì các vị này nên đối mặt với pháp luật.

Còn theo cáo buộc từ các trang Facebook thân nhà nước rằng chủ mưu là những người Thượng sống ở nước ngoài. Vậy công an Việt nam nên làm việc với các cơ quan chức năng của quốc gia đó để bắt họ phải chịu trách nhiệm.

Điều này sẽ làm dịu lại vấn đề, đồng thời phần nào đó sẽ giúp mối quan hệ giữa người sắc tộc và người kinh tại địa bàn tốt hơn, làm giảm hận thù trong cộng đồng và đòi công lý cho các nạn nhân.”

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn kết luận rằng, sau vụ án này, nếu không muốn xảy ra thêm vụ việc tương tự, chính quyền Việt Nam cần phải tự nhìn lại cách hành xử của mình đối với các cộng đồng sắc tộc ở Tây Nguyên, phải tôn trọng quyền đất đai, tôn giáo và văn hoá, luật tục của họ.

Tin, bài liên quan
THỜI SỰ

No comments:

Post a Comment