Friday, June 16, 2023

Vụ Đắk Lắk: Thủ tướng Hun Sen ra lệnh truy lùng nghi phạm có thể chạy sang Campuchia
VOA Tiếng Việt
16/06/2023
VOA

Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa ra lệnh cho lực lượng vũ trang và các cơ quan chức năng nước này lục soát những ngôi làng vùng biên giới để truy tìm những kẻ tình nghi sau vụ tấn công bằng súng vào hai trụ sở xã ở Việt Nam làm ít nhất 9 người thiệt mạng.

Theo Khmer Times, lệnh của Thủ tướng Hun Sen được ban hành vào ngày 16/6, vài ngày sau khi xảy ra vụ nổ súng vào trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur ở tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam, khiến 4 công an, 2 quan chức địa phương và một số người khác thiệt mạng hôm 11/6.

Trong một bài phát biểu trước các công nhân may mặc, Thủ tướng Hun Sen mô tả vụ nổ súng ở Việt Nam là một “cuộc tấn công khủng bố” và suy đoán rằng những kẻ chịu trách nhiệm có thể đang lẩn trốn ở Campuchia, AFP tường thuật.

Ông ra lệnh cho các lực lượng vũ trang ở khu vực đông bắc “kiểm tra kỹ lưỡng các ngôi làng” dọc theo biên giới với Việt Nam.

“Tôi lo ngại rằng những người này đang lẩn trốn trong dân làng”, AFP dẫn lời ông Hun Sen nói. Ông cũng nói thêm rằng chính quyền Campuchia phải bắt giữ và bàn giao họ cho Việt Nam nếu bắt được.

Tính đến ngày 16/6, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ hơn 50 nghi phạm được cho là đã trực tiếp tham gia vụ tấn công hai trụ sở xã, VnExpress dẫn thông tin từ Bộ Công an Việt Nam cho biết. Bộ này nói hầu hết nghi phạm còn rất trẻ, đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk và họ khai bị “lôi kéo, xúi giục, kích động”.

Hiện cơ quan công an Việt Nam vẫn đang tiếp tục truy lùng thêm các nghi phạm khác.

Thủ tướng Hun Sen hôm 16/6 ra lệnh cho chính quyền các tỉnh Mondulkiri và Ratanakkiri, cũng như chính quyền các tỉnh có biên giới với Việt Nam, trực tiếp kiểm tra các làng trong khu vực địa lý của họ, tuyệt đối không cho phép mạng lưới “những kẻ nổi dậy người Việt” sống cùng người dân Campuchia trong các ngôi làng, Khmer Times cho biết thêm.

Ban tiếng Khmer của VOA dẫn lời thủ tướng của Campuchia nói rằng “Cho dù chúng ta sử dụng bao nhiêu binh sĩ để bảo vệ biên giới thì cũng sẽ không đủ. Đường biên giới dài hàng trăm cây số nên họ có thể vượt biên và trú chân trong các bản làng. Tôi tin rằng có những mạng lưới ở Campuchia giúp đỡ những người nổi dậy ở Việt Nam. Trường hợp này đã từng xảy ra trước đây khi những phiến quân này trốn đến sống ở tỉnh Ratanakiri và tỉnh Mondulkiri rồi tị nạn vào các năm 2003, 2004 và 2005”.

Ông Hun Sen cho biết chính quyền Campuchia đã hợp tác với Việt Nam kể từ sau vụ tấn công.

Khu vực Tây Nguyên lâu nay vẫn được coi là khu vực nhạy cảm đối với chính quyền cộng sản tại Việt Nam. Đây cũng được xem là điểm nóng của những bất bình giữa người dân và chính quyền liên quan đến các các vấn đề như đất đai, tôn giáo, sắc tộc...

Trong những năm qua, nhiều người Thượng ở Tây Nguyên đã phải trốn sang Campuchia để thoát khỏi sự phân biệt đối xử ở Việt Nam và xin tị nạn tại cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở Phnom Penh.

Ông Hun Sen hôm thứ Sáu cảnh báo cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế cần theo dõi các nghi phạm và đề nghị không giúp đỡ họ, theo tin của VOA tiếng Khmer.

“Tôi muốn cảnh báo các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Campuchia tránh phạm tội giúp đỡ những người nổi dậy. Nếu giúp đỡ họ, làm như thế là phạm tội với nhân dân Việt Nam. Tôi cảnh cáo quý vị rằng chúng tôi có thể đóng cửa tất cả các văn phòng của quý vị ở Phnom Penh vì vi phạm các quy tắc quan hệ giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế”, ông Hun Sen nói.

Thủ tướng Campuchia cũng nhấn mạnh thêm rằng đây là tội ác quốc tế và Campuchia không cho phép lãnh thổ của mình được sử dụng để chống lại các quốc gia khác, theo Khmer Times.

Am Sam Ath, Giám đốc phụ trách các vấn đề chung của Liên đoàn thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền Campuchia (LICADHO), nói với Ban tiếng Khmer của VOA rằng những phát biểu của ông Hun Sen về lệnh bắt giữ tội phạm hoặc phiến quân nhập cảnh Campuchia bất hợp pháp và trả họ về nước là “không có gì mới” và “không có gì phải lo lắng”.

“Chúng tôi chỉ hoạt động dựa trên sứ mệnh của tổ chức, vốn đã được nêu rõ với Bộ Nội vụ. Vì vậy, trong các vấn đề liên quan đến Việt Nam, chúng tôi là một tổ chức xã hội dân sự địa phương ở Campuchia, chúng tôi không liên quan gì đến phe nổi dậy. Chúng tôi chỉ làm việc dựa trên sứ mệnh của tổ chức của chúng tôi tại Campuchia.”


    No comments:

    Post a Comment