VNTB – Tạo lập tương lai bền vững cho Việt Nam: Hoàng Thị Minh Hồng
02.06.2023 3:08
VNThoibao
Chị đã tham gia hoạt động vì môi trường như thế nào? Điều gì đã truyền cảm hứng cho chị theo đuổi lĩnh vực này?
Tôi nghĩ đó là định mệnh. Năm 1997, rất tình cờ tôi được chọn tham gia một chuyến thám hiểm đến Nam Cực, và tôi trở thành người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên lục địa băng giá nhưng vô cùng hùng vĩ đó. Chuyến đi này đã giúp tôi mở rộng những hiểu biết về các vấn đề môi trường và khiến tôi mong muốn trở thành một nhà bảo vệ môi trường.
Nhưng phải đến năm 2009 sau khi tôi quay lại Nam Cực lần thứ hai, tôi mới quyết định mình phải làm một điều gì đó có ảnh hưởng lớn lên, vì trong chuyến đi này, tôi đã tận mắt nhìn thấy những tác động của biến đổi khí hậu. Vào thời điểm đó, tôi đã có một cậu con trai hai tuổi, và tôi nhận ra rằng con trai tôi cũng như tất cả những đứa trẻ khác trên thế giới dù không làm gì gây ra biến đổi khí hậu nhưng lại phải gánh chịu hậu quả! Tôi trở về Việt Nam với một ước mơ lớn lao hơn là làm sao mình có thể huy động hàng nghìn người trẻ tham gia hành động vì khí hậu. Và CHANGE đã ra đời.
Nếu Chị có thể mô tả bản thân bằng 3 từ, đó sẽ là gì?
Điên rồ, Điên rồ, Điên rồ.
Tôi đùa chút thôi. Nghiêm túc thì tôi nghĩ con người tôi có thể gói gọn bởi 3 từ: Đam mê, Sáng tạo và Nhiệt huyết.
Chủ đề năm nay là ‘Bình đẳng hôm nay vì ngày mai bền vững’. Trong mắt chị, đâu là điểm giao nhau giữa biến đổi khí hậu và bình đẳng giới?
Nếu đến thăm Đồng bằng Sông Cửu Long vào mùa hạn hay mặn, bạn sẽ thấy hầu hết người xếp hàng dài chờ lấy nước ngọt là phụ nữ . Khi đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu, phụ nữ dễ bị tổn thương hơn. Họ phải chịu nhiều trách nhiệm hơn nhưng lại ít quyền quyết định hơn trong gia đình (và cả ngoài xã hội) so với nam giới.
Họ chăm sóc gia đình, đặc biệt là trẻ em cũng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nhưng sinh kế của họ phụ thuộc nhiều hơn vào đất, nước, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên trên chính mảnh đất của họ, so với nam giới những người còn có cơ hội việc làm ở những nơi khác.
Tuy nhiên, ở Việt Nam – ít nhất là trong các cộng đồng mà tôi làm việc cùng – phụ nữ tích cực hơn rất nhiều trong hành động vì khí hậu. Trong tổ chức phi chính phủ của tôi, tại bất kỳ thời điểm nào, 75% nhân sự là các bạn nữ. Và hầu hết những người sáng lập hoặc đứng đầu của các tổ chức phi chính phủ về môi trường ở Việt Nam tôi biết đều là phụ nữ! Phụ nữ là những chiến binh! Phụ nữ sẽ cứu thế giới!
Là một nhà hoạt động khí hậu kỳ cựu ở Việt Nam, chị đánh giá thế nào về những thay đổi trong nhận thức và hành động của cộng đồng đối với biến đổi khí hậu trong những năm qua?
So với thời điểm tôi bắt đầu công việc cách đây 25 năm, tất nhiên đã có rất nhiều những thay đổi. Công chúng nói chung chắc chắn đã nhận thức đầy đủ hơn về tình hình biến đổi khí hậu hay họ thấy lo ngại hơn rất nhiều về tình hình ô nhiễm không khí so với 10-15 năm trước. Nếu bạn truy cập Facebook, bạn sẽ thấy mọi người bắt đầu bàn luận về tình hình hạn hán ở quê họ hay những nhận xét như những ngày lạnh giá bất thường gần đây là “do biến đổi khí hậu” .
Tôi đã từng rất đơn độc, nhưng hiện nay, có rất nhiều nhóm thanh niên đang làm việc để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và môi trường ở nhiều địa phương. Chương trình khí hậu của chúng tôi cũng đang nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ các thành phần khác nhau trong xã hội, và đặc biệt là từ khu vực tư nhân, những người gần đây đang đẩy mạnh các chương trình liên quan đến biến đổi khí hậu vì họ cũng nhận ra rằng điều đó sẽ giúp chính họ tránh được rủi ro. Tất cả những thay đổi này là động lực thúc đẩy tôi tiến về phía trước.
Khi bạn làm việc về biến đổi khí hậu trong 25 năm và bạn thấy rằng tình trạng biến đổi khí hậu vẫn còn đang rất nghiêm trọng, bạn cần phải nhìn vào những thay đổi này, để biết rằng những gì bạn đang làm ít nhiều có tác động và vẫn còn hy vọng. Tuy nhiên, chúng ta cần động lực lớn hơn để tất cả mọi người trong xã hội hành động quyết liệt hơn vì biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Không còn nhiều thời gian nữa.
Những bài học lớn nhất mà chị đã học được với tư cách là một nhà lãnh đạo là gì?
Tôi đã từng nhìn nhận các vấn đề về khí hậu và môi trường dưới góc độ của một nhà môi trường, một nhà hoạt động. Tôi đã từng tức giận khi người khác không nhận ra điều tôi đã nhận ra. Khi đó tôi không biết rằng khi nhìn vào cùng một sự vật hiện tượng, cách mọi người phán đoán cơ hội và rủi ro là không giống nhau tùy theo góc nhìn riêng của họ. Sau này, khi đã có nhiều trải nghiệm và tiếp xúc với rất nhiều người, tôi đã rút ra bài học là nên nhìn nhận các vấn đề môi trường từ những khía cạnh khác nhau, vì đó là cách thế giới vận hành. Khi nói đến biến đổi khí hậu, những người như tôi sẽ tập trung vào việc nhiệt độ tăng, trong khi các bác sĩ sẽ chỉ nhìn thấy những rủi ro sức khỏe liên quan, hay những nhóm bảo vệ quyền trẻ em sẽ chỉ quan tâm đến việc trẻ em vẫn có thể đi học hay không, trong khi một chủ doanh nghiệp địa phương sẽ chỉ quan tâm liệu biến đổi khí hậu có khiến họ phải chuyển địa điểm đi chỗ khác. Chỉ khi tôi có thể nhìn nhận vấn đề từ quan điểm của người khác, tôi mới có thể huy động mọi người vào các nỗ lực chung và tôi cho rằng đó là điều cần thiết để giải quyết các vấn đề vĩ mô như biến đổi khí hậu.
Chị thích điều gì nhất về công việc của mình?
Tôi làm việc với rất nhiều người trẻ, và làm việc với họ rất vui. Các thành viên trong nhóm của tôi (hầu hết ở độ tuổi đôi mươi) rất sôi nổi, sáng tạo, đam mê và tràn đầy năng lượng. Đối với bất kỳ hoạt động nào, họ đều nghĩ ra những ý tưởng rất mới mẻ khiến tôi không bao giờ cảm thấy nhàm chán. (Điều này sẽ ít xảy ra hơn nếu bạn làm việc với những người có thâm niên, phải không?)
Họ dạy tôi rất nhiều điều mới và cập nhật cho tôi những xu hướng mới nhất, điều này thực sự quan trọng vì công việc của chúng tôi là truyền cảm hứng và huy động cộng đồng, vì vậy chúng tôi cần hiểu những mong muốn của cộng đồng. Sứ mệnh của tôi là trao quyền cho những người trẻ tuổi, nhưng tôi luôn nghĩ mình là người được những người trẻ xung quanh tiếp thêm sức mạnh.
Chị sẽ nói gì với những phụ nữ trẻ đang cố gắng theo đuổi ước mơ và đương đầu với những thăng trầm không thể tránh khỏi?
Tôi muốn nói với họ rằng: phụ nữ chúng ta là những người sẽ làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn. Tôi muốn các bạn tự tin, đối xử tốt với bản thân, nuông chiều bản thân và làm bất cứ điều gì để bạn hạnh phúc, bởi vì chỉ khi bạn hạnh phúc, bạn mới có thể làm cho những người xung quanh bạn hạnh phúc. Làm những gì bạn cảm thấy quan trọng nhất đối với bạn, và điều đó bao gồm cả việc theo đuổi ước mơ của bạn. Đừng lo lắng về những thăng trầm, vì tin tôi đi, phụ nữ chúng ta kiên cường hơn rất nhiều.
Chúng ta có thể làm gì tốt hơn để cải thiện hoặc đẩy nhanh bình đẳng giới?
Tôi muốn trích dẫn một câu nói của GD Anderson (không trực tiếp nói về bình đẳng giới, nhưng có liên quan): “Nữ quyền không phải là làm cho phụ nữ mạnh mẽ hơn. Phụ nữ vốn đã mạnh mẽ. Đó là việc thay đổi cách thế giới nhìn nhận về sức mạnh đó ”.
Tôi cho rằng việc cải thiện bình đẳng giới không chỉ là thực hiện những chương trình và chiến dịch đấu tranh cho quyền của phụ nữ mà còn đòi hỏi tất cả mọi người, bao gồm cả chính phụ nữ, phải thay đổi tư duy và nhận ra sức mạnh cũng như những đóng góp mà phụ nữ tạo ra. Người phụ nữ yêu thích của tôi, Michelle Obama nói : “ Sự khác biệt giữa một cộng đồng nhiều vấn đề và một cộng đồng thịnh vượng là sự hiện diện của những người phụ nữ được coi trọng ”.
Chị có hy vọng và kế hoạch gì cho tương lai?
Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo thanh niên về khí hậu tôi làm việc cùng và những người trẻ Việt Nam nói chung, sẽ được đánh giá cao hơn, được trao quyền nhiều hơn, để họ đi đầu trong hành động vì khí hậu, vì họ là những người duy nhất sẵn sàng làm điều đó.
Tôi dự định tiếp tục làm việc để đảm bảo sự hỗ trợ mà họ cần, kết nối họ với những người và mạng lưới phù hợp, những người có thể giúp họ duy trì hành động khí hậu. Tôi có kế hoạch đào tạo thêm đội ngũ CHANGE, để họ sớm thay thế tôi.
No comments:
Post a Comment