VNTB – Sinh viên ra trường “bao” có việc làmMai Lan
06.06.2023 8:27
VNThoibao
Chạy xe ôm công nghệ cũng là… đi làm
Ở khối các trường đại học ngoài công lập, trường đại học Hoa Sen công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp (năm 2021) có việc làm sau một năm của bốn khối ngành đều trên 94% (trong đó khối ngành III tỉ lệ 97,8%).
Tháng 1-2023, trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM công bố báo cáo kết quả khảo sát cựu sinh viên sau một năm tốt nghiệp đạt tỉ lệ 97,31% (số liệu đã bao gồm chưa có việc làm vì phải học nâng cao); chỉ có 1,73% đã xin việc nhưng chưa có việc làm.
Trường đại học Tài chính – Marketing cho biết tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có việc làm trên tổng số 2.055 sinh viên phản hồi khảo sát việc làm của trường là 92,65%. Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố tỉ lệ có việc làm trên tỉ lệ phản hồi 92,84% (1.038 sinh viên).
Theo báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp khảo sát năm 2022 của trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, tất cả 2.047 sinh viên 14 ngành đều có việc làm, đạt tỉ lệ 100% (tỉ lệ sinh viên phản hồi khảo sát là 100%).
“Sinh viên ra trường chạy xe ôm công nghệ, làm thời vụ… trong lúc chờ xin việc phù hợp với ngành nghề đào tạo nhưng có thể vẫn được coi là ‘có việc làm’ nên tỉ lệ khảo sát sẽ rất ảo” – nhiều ý kiến lý giải về các con số báo cáo đầy màu hồng về đầu ra sau mấy năm dùi mài kinh sử trên ghế giảng đường.
Sa thải, mất việc cả trước và sau dịch Covid
Tổ chức chuyên về thống kê việc làm Navigos Group phân tích dựa trên dữ liệu tin tuyển dụng tại hệ sinh thái của doanh nghiệp này (VietnamWorks và Navigos Search) trong 4 tháng đầu năm 2019 (trước Covid-19), 4 tháng đầu năm 2022 (sau Covid-19) và 4 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, ghi nhận của Navigos Group cho thấy nhu cầu tuyển dụng của các ngành trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm trung bình 18% so với thời điểm trước dịch và giảm trung bình 16% so với thời điểm phục hồi sau dịch (năm 2022).
Cụ thể, đối với ngành dệt may và da giày, nhu cầu về lao động của lĩnh vực tiếp tục sụt giảm đến 39% do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tác động lên sức mua, đơn hàng.
Nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ, hợp đồng ngắn hạn giảm đến 63%, sinh viên mới tốt nghiệp giảm 49%.
“Không đứng ngoài xu hướng biến động thị trường và suy giảm kinh tế, nhu cầu tuyển dụng lao động các vị trí dành cho người nước ngoài, Việt kiều, thời vụ, hợp đồng ngắn hạn, sinh viên mới tốt nghiệp và nhân sự cấp trung, cấp cao cũng chứng kiến sự giảm sút đáng chú ý”, Navigos Group lưu ý.
Nếu nhìn qua lăng kính chính trị?
Theo ông Thái Phương Triều, giám đốc Công ty Talent – TP.HCM, một doanh nghiệp chuyên về tư vấn nguồn nhân lực, thì thực tế hai năm qua các doanh nghiệp rất khó khăn, nhu cầu tuyển dụng không nhiều. Trong khi báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp của các trường công bố con số đều rất đẹp.
“Nếu muốn biết tình hình sinh viên ra trường có việc làm thế nào hiện nay ra đường, chỉ cần gọi xe ôm công nghệ là rõ ngay, rất nhiều bạn tạm thời làm việc này chờ xin việc phù hợp ngành học.
Theo tôi, cách khảo sát các trường đang thực hiện hoàn toàn không ổn. Vì vậy, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo dựa vào số liệu các trường công bố để quyết định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường là không thực tế và chính xác được. Cần có đơn vị độc lập thực hiện việc này một cách khoa học hơn” – ông Thái Phương Triều ý kiến.
Tuy nhiên, theo một nhà quan sát chính trị, thì sở dĩ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chọn im lặng trước các số liệu mà phía trường đại học đưa ra trong kỳ tuyển sinh hiện tại, có nguyên do là những tỷ lệ phần trăm cao chót vót đó nó sẽ đồng bộ với tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng Cộng sản sáng 26/1/2021:
“Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đoạn phát biểu trên còn được nhắc lại rất nhiều lần đến tận hiện tại.
No comments:
Post a Comment