Thursday, June 8, 2023

VNTB – Sài Gòn, “buồn ơi … “
Bạch Liên
08.06.2023 5:11
VNThoibao



(VNTB) – Buồn nhiều khi nhìn một Sài Gòn với không khí cuộc sống kém sắc tươi vui.

 Sài Gòn giờ mang tên Hồ Chí Minh, nhưng đó là cái tên trong phần thủ tục hành chính, thể hiện trên các văn bản…; hoặc được gọi tắt như một danh từ riêng “Thành phố”.

Khi nói về Sài Gòn, với không ít người, bên cạnh những quá khứ lịch sử hào hùng; bên cạnh một Sài Gòn nhộn nhịp, trù phú trước năm 1975 như thế nào; bên cạnh một Sài Gòn “ảm đạm” sau cái ngày ấy; một Sài Gòn với ra đường hay ở nhà cũng đầy nỗi lo; một Sài Gòn ăn uống thiếu thốn; một Sài Gòn nơm nớp trước số phận của những tác phẩm bị gắn cái mác gọi là “văn hoá phẩm đồi truỵ”…, thì  Sài Gòn còn là một nơi hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo.

Theo thông tin trên báo chí cũng như ghi nhận từ thực tế, buổi sáng, các con đường từng nổi tiếng về buôn bán ở Sài Gòn như Lý Tự Trọng – Pasteur, Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Thiệp, Hai Bà Trưng…  được dán tràn ngập những bảng quảng cáo cho thuê nhà.

Cả một đoạn đường dài của đường Lê Lợi đoạn nằm giữa đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến sát chợ Bến Thành vắng vẻ. Mặt bằng trên đường Đồng Khởi đã treo biển cho thuê từ khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tổng cục Thống kê cho biết, 2 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 24,9% so với hai tháng đầu năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77,7% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Đó là một ngày của tháng 6-2023. Dạo vòng nhỏ nội đô Sài Gòn về đêm. Không nói đến khu vực trung tâm, cái không khí của Sài Gòn ở nhiều con phố, ở các con đường cũng đã thay đổi ít nhiều. Hàng quán trên con đường Phạm Văn Đồng vắng khách hơn. Nhiều khu vực ngày trước buôn bán đông đúc, giờ lặng lẽ “đóng cửa” nghỉ sớm. Và người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mưu sinh… dường chừng như nhiều hơn so với trước khi áp dụng chính sách Zero-covid của ông Vũ Đức Đam.

Những sự ngây thơ ngủ trên chiếc xe ba gác; những đứa bé nhỏ còn bồng trên tay theo chân ba mẹ kiếm sống mưu sinh; những đứa lớn hơn, tay dắt theo em, đi xin dòng người đang dừng xe ở một ngã tư chờ tín hiệu giao thông; những đứa trẻ ngồi ở một góc đường, vừa kiếm miếng ăn vừa đọc sách…

Dẫu biết rằng, cần có một sự hồi phục sau thời gian không ngắn đeo đuổi chính sách sai lầm gọi là zero-covid.

Dẫu biết rằng, năm 2023 sẽ là một năm đầy khó khăn và thử thách. Song, buồn nhiều khi nhìn một Sài Gòn với không khí cuộc sống kém sắc tươi vui.

Một Sài Gòn với nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn đang mưu sinh ở các ngã ba, ngã tư, ngã năm…, với nhiều hơn những đứa trẻ thay vì được đi học, được vui chơi mùa hè lại phải ngồi ở một góc đường, một hè phố… với nét mặt hồn nhiên, bán vé số.

Trong khi đó, một trong những “nhân vật chính” đã trực tiếp gây ra những điều nói trên, vẫn dửng dưng ngoài đó sau khi “hạ cánh an toàn” khỏi cái ghế phó thủ tướng, khỏi cái ghế Trưởng ban chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 quốc gia. Và giờ cũng chẳng biết “ngài” ấy đang ở đâu?

Sài Gòn bây giờ, ắt hẳn, những giọt lệ ấy, không còn là chỉ dành cho người nghèo, mà nó còn dành cho không ít những hoàn cảnh đã từng có công việc ổn định, đã từng với biết bao ấp ủ trong mở hàng quán mưu sinh.

Có một Sài Gòn hào hoa cho “buồn ơi chào mi” – Bonjour tristesse của Françoise Sagan quen thuộc với giới trẻ Sài Gòn hồi nào…


No comments:

Post a Comment