VNTB – Nền kinh tế… kêu cứuHàn Lam
13.06.2023 5:33
VNThoibao
(VNTB) – Ngành vật liệu xây dựng đang “chết mòn” vì tắc đầu ra.
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu (Bộ Xây dựng), cho biết kinh tế suy thoái dẫn đến tiêu thụ nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng giảm mạnh. “Theo dõi ngành 20 năm qua, tôi nhận thấy sản xuất vật liệu xây dựng phát triển khá mạnh, sản lượng vượt so với nhu cầu sử dụng trong nước từ 10 -30%. Đề nghị doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất để làm sao sản xuất ra tương ứng với nhu cầu, giảm tồn đọng”, ông Bắc nói.
Ông Đinh Quốc Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết 4 tháng đầu năm, sản xuất và tiêu thụ nhiều loại thép đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo, sản xuất thép năm 2023 của Việt Nam sẽ tăng 2 – 3% so với năm 2022 nhưng thị trường vẫn phức tạp, khó lường, giá nguyên vật liệu thép còn nhiều biến động…
Trong khi đó, ông Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho hay năm 2022, sản xuất, tiêu thụ xi măng giảm so với năm 2021; 5 tháng đầu năm 2023, sản xuất, tiêu thụ xi măng cũng chưa có nhiều khởi sắc.
Trong khi đó, ngành xi măng đang phải đối mặt với khó khăn: giá nhiên liệu (than, điện…), vận tải tăng nhưng nhu cầu thị trường giảm mạnh, đầu ra bị tắc nghẽn khiến tồn đọng sản phẩm, vốn tăng… gây thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Với ngành kính xây dựng, trong giai đoạn 2020-202, ước tính khoảng 80% các đơn vị gia công, lắp đặt kính tạm dừng sản xuất, kinh doanh; doanh thu toàn ngành giảm 50-70% so với cùng kỳ các năm trước.
Sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp gốm sứ hiện nay cũng chỉ duy trì 50 – 60% so với công suất thiết kế, nhưng vẫn tồn kho 18 – 20% sản phẩm không tiêu thụ được.
Trong khi đó, vật liệu xây dựng kết cấu nền, móng đường giao thông lại đang ở tình trạng “không có để phát triển”.
Ông Hoàng Hà – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho biết, số lượng mỏ có thể khai thác, sử dụng làm vật liệu đất đắp nền đường ở Việt Nam hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 1/6 nhu cầu và với tốc độ khai thác hiện nay thì nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt, đồng thời gây ra những tác động xấu tới môi trường như gây xói mòn, sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu là những điểm nghẽn lớn đang tồn tại trong ngành vật liệu xây dựng như giá cả năng lượng, giá các loại nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí logistics, thuế xuất khẩu cũng tăng, trong nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm.
Thị trường bất động sản đóng băng, số lượng các dự án mới được triển khai rất ít, ảnh rất lớn tới đầu ra của ngành Vật liệu xây dựng. Các dự án xây dựng bằng vốn đầu tư công có tiến độ giải ngân chậm và triển khai chậm hơn kế hoạch. Việc tiếp cận nguồn vốn sản xuất trong năm 2022 còn nhiều khó khăn do lãi suất ngân hàng cao.
Đặc biệt, Hiệp hội bê tông Việt Nam cho rằng, tình trạng nợ đọng kéo dài đang “bào mòn” nguồn lực của các doanh nghiệp.
Từ bức tranh toàn cảnh ở trên trong nhóm ngành vật liệu xây dựng, các hiệp hội đề nghị Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công để đạt 95 – 100% của kế hoạch năm 2023. Chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở và khẩn trương đơn giản thủ tục cho gói 120.000 tỷ để dân được vay vốn kịp thời.
Mục đích của các kiến nghị trên là để doanh nghiệp có dòng vốn hoạt động, trong điều kiện dù giá bán sản phẩm có thể thấp, nhưng doanh nghiệp vẫn bảo toàn được vốn đủ điều kiện tiếp tục vay. Ngoài ra cần giảm thuế đất hết năm 2023, và cho nợ thuế đất hết năm 2024.
Mặt khác còn có đề xuất giãn, giảm các loại thuế liên quan đến doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Quan trọng là nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để người lao động có thể mua được nhà ở xã hội, qua đó phát triển thị trường nhà ở xã hội theo định hướng lâu dài và bền vững.
No comments:
Post a Comment