VNTB – Biết sẽ bị ‘cắt cổ’, nhưng cùng đường đành phải vay?Hiền Vương
01.06.2023 11:50
VNThoibao
(VNTB) – Nhiều cá nhân trong vụ cho vay ‘cắt cổ’ này đã bị xộ khám…
Mới đây, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 9 người về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, gồm: Nguyễn Thị Tuyết Sương (sinh năm 1968, ngụ quận 10), Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Digital Credit; Trương Tuấn Tài (sinh năm 1991, ngụ quận 6), Giám đốc Công ty TNHH Fincap Việt Nam; Trần Dũng (sinh năm 1986, quận Gò Vấp), Trưởng phòng Vận hành Công ty TNHH Sofi Solutions; Cao Thị Xuân Hương (sinh năm 1978, ngụ quận 3), Kế toán trưởng Công ty Công ty TNHH Sofi Solutions; Đặng Hùng Tuấn (sinh năm 1987, quận 12), Trưởng phòng nhắc nợ Công ty TNHH Sofi Solutions; Nguyễn Thị Bé Năm (ngụ quận 12), Trưởng nhóm nhắc nợ G1, Công ty TNHH Sofi Solutions; Đinh Thị Hồng Loan (sinh năm 1980, ngụ thành phố Thủ Đức), Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Sofi Solutions; Lưu Tuấn Bình (sinh năm 1982, ngụ quận 4), Trưởng phòng Maketing Công ty TNHH Sofi Solutions và Hồ Thị Bích Chi (sinh năm 1990, ngụ quận 5), Trưởng nhóm nhắc nợ G2 Công ty TNHH Sofi Solutions.
Đây là một vụ tín dụng đen rất lớn khi các nhóm này núp bóng công ty dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính để cho vay với lãi suất 153,2% đến 1.289,67%/năm; gấp từ 7 đến 64 lần mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự.
Quá trình điều tra xác định, Công ty Digital Credit và Công ty Fincap Việt Nam đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Công ty Sofi Solutions đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý, tư vấn tài chính nhưng thực tế các công ty này cho vay lãi nặng thông qua trang web tamo.vn và findo.vn.
Đây là các trang web cho vay tiêu dùng trực tuyến không có giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý, đã được cài đặt lập trình sẵn, đặt máy chủ chứa dữ liệu tại nước ngoài và vận hành từ nước ngoài. Các công ty Sofi Solutions, Digital Credit, Fincap triển khai hoạt động cho vay tại Việt Nam.
Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng chỉ cần đăng nhập vào trang web hoặc ứng dụng trên điện thoại, điền đầy đủ thông tin cá nhân và nhu cầu vay sẽ được hệ thống tự động giải quyết cho vay mà không cần tiếp xúc trực tiếp với bất cứ nhân viên nào của bên cho vay.
Khách hàng được nhận tiền vay qua chuyển khoản và nhận được ba hợp đồng điện tử gồm: hợp đồng cho vay cầm đồ, hợp đồng cầm cố tài sản và hợp đồng dịch vụ tư vấn. Các bên không cần ký kết trên hợp đồng. Thực tế của việc gửi hợp đồng là nhằm hợp thức hóa, chia nhỏ lãi suất thành các loại phí của chuyện lách luật che giấu bản chất cho vay lãi nặng.
Hợp đồng thể hiện khách hàng cầm cố điện thoại, công ty cho khách hàng thuê lại tài sản cầm cố và phải đóng phí, nhưng thực tế không có bất cứ hoạt động cầm cố tài sản nào.
Số tiền mỗi lần cho vay thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất là 20 triệu đồng, trong đó khách vay lần đầu chỉ được vay tối đa 2 triệu đồng. Thời hạn tối đa 7 ngày phải trả dứt điểm lần trước mới được vay lần sau hoặc đến khi hạn khách hàng không thanh toán được có thể gia hạn nợ thêm 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày… tối đa không quá 30 ngày nhưng phải trả phí gia hạn.
Câu hỏi đặt ra về mặt quản lý nhà nước: vì sao người vay hiểu rõ chuyện sẽ bị lãi ‘cắt cổ’, song họ vẫn vay? Thường thì số tiền vay từ các dịch vụ tương tự ở trên được người vay sử dụng vào những nhu cầu cấp thiết gì trong đời sống? Nếu có các dịch vụ cho vay khác cũng dễ dàng điều kiện như vậy, nhưng lãi suất tuân thủ pháp luật dân sự, liệu khi ấy có thể chấm dứt những kiểu cho vay với lãi suất ‘cắt cổ’ hay không?
Nguyên tắc chung bất chấp thể chế chính trị được định hướng ra sao: có cầu sẽ có cung. Khi cần vay vốn để trang trải cuộc sống, trong khi nghèo túng quá không có tài sản cầm cố, thì nguồn “không đen” nào chấp nhận cho việc “tín chấp” không?
Bài toán cung – cầu tài chính cho nhu cầu vay mượn ở đây của người dân rất cần được đáp ứng kịp thời, phù hợp pháp luật. Đó còn là nhiệm vụ hàng đầu của một chính quyền luôn tự vỗ ngực xưng tên là “của dân – do dân, và vì dân”.
No comments:
Post a Comment