VNTB – Đảng tiếp tục ‘giơ cao đánh khẽ’ với đảng viên Phạm Thị Thanh Trà
Trần Dzạ Dzũng
15.06.2023 11:36
VNThoibao
Khi Đảng đã thương thì trái ấu cũng tròn
“Xem xét kết quả giám sát Ban cán sự đảng và đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy ban kiểm tra Trung ương nhận thấy: Bên cạnh những ưu điểm là cơ bản, Ban cán sự đảng và đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng còn một số vi phạm, khuyết điểm, hạn chế trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế làm việc; trong lãnh đạo, chỉ đạo tham mưu, xây dựng thể chế, chính sách pháp luật; trong công tác cán bộ và thi đua, khen thưởng.
Ủy ban kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và đồng chí Phạm Thị Thanh Trà phát huy ưu điểm, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra, báo cáo kết quả về Ủy ban kiểm tra Trung ương”.
Đoạn trên được trích từ “Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 29 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương” do Ủy ban kiểm tra Trung ương phát hành vào giờ chiều ngày 15-6-2023.
Tuy nhiên tính cho đến hiện tại thì Ủy ban kiểm tra Trung ương vẫn không công khai cho công luận tường tận về cái gọi là “một số vi phạm, khuyết điểm, hạn chế” của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
‘Chống lưng’ cho gia đình em trai Phạm Sỹ Quý?
Quan sát hoạn lộ của đảng viên Phạm Thị Thanh Trà (bà Trà sinh năm 1964, xuất thân là cô giáo ngữ văn cấp 2) cho thấy dường như sự liêm chính mới là điều được gọi là “khuyết điểm, hạn chế” của đảng viên Phạm Thị Thanh Trà. Tuy nhiên không rõ duyên cớ nào mà bà vẫn thăng tiến nhanh đến mức khó thể lý giải.
Có thể lấy cột mốc chiều 23-10-2017 để soát xét về tính liêm chính của đảng viên Phạm Thị Thanh Trà, khi đó bà giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.
Ở chiều 23-10-2017, báo chí tham dự buổi công bố kết luận thanh tra tại trụ sở UBND tỉnh Yên Bái, đã tường thuật như sau – trích:
Theo kết luận thanh tra, ngày 5-1-2014 và ngày 8-2-2015, bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái) cùng 40 gia đình đã thỏa thuận về việc các hộ này góp tiền giao cho bà Huệ đại diện đứng tên trên hồ sơ giấy tờ đất để thực hiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, thành phố Yên Bái và thực hiện chuyển mục đích sang đất ở, sau đó chuyển giao lại cho các hộ để cải tạo thành khu dân cư sinh sống cùng nhau.
Trong năm 2014 và đầu năm 2016, bà Huệ đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 4 hộ dân tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, thành phố Yên Bái với tổng diện tích hơn 67.000 m2 đất. Tổng số tiền theo hợp đồng chuyển nhượng là 950 triệu đồng.
Ngày 2-7-2015, bà Huệ nộp 5 bộ hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở với tổng diện tích hơn 13.000 m2 và xin tách thành 11 thửa. Ngày 5-5-2016, bà Huệ nộp một bộ hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng hơn 300m2 đất rừng sản xuất sang đất ở.
Sau khi được UBND thành phố Yên Bái cho phép và việc chuyển mục đích sử dụng diện tích đất trên từ đất nông nghiệp sang đất ở đã hoàn thành, được tách thửa, bà Huệ đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở này cho 37 hộ dân (trong tổng số 40 hộ đã thỏa thuận với bà Huệ) với diện tích hơn 10.000 m2.
Ngoài ra bà Huệ có đơn xin trả lại hơn 4.000 m2 đất nông nghiệp cho nhà nước để làm đường đi chung cho các hộ dân trong đó có khu nhà của bà Huệ và đã được UBND thành phố Yên Bái giảm trừ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Huệ.
Qua thanh tra cho thấy trong 6 hồ sơ mà UBND thành phố Yên Bái cho phép bà Huệ chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở với tổng diện tích hơn 13.000 m2, cơ quan chức năng, UBND thành phố Yên Bái đã không thẩm định nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở là vi phạm nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai.
Việc để bà Huệ và các hộ dân tự thành lập khu dân cư, tự làm đường giao thông là không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và đất đai, không phù hợp với nội dung đã được Thủ tướng phê duyệt về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Yên Bái.
Theo quyết định số 2821 của UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của TP Yên Bái, diện tích đất nông nghiệp được chuyển mục đích sang đất ở tại phường Minh Tân là 1,42ha. Tuy nhiên chỉ tính riêng gia đình ông Phạm Sỹ Quý đã được UBND thành phố Yên Bái cho phép chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở là hơn 1,3 ha và chiếm hơn 93% kế hoạch mà UBND tỉnh phê duyệt tại phường Minh Tân.
Ngoài ra, UBND thành phố Yên Bái cho phép bà Huệ chuyển đổi hơn 1.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở là không đúng về loại đất trong kế hoạch sử dụng đất năm 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Đối với diện tích đất nông nghiệp bà Huệ trả lại hơn 4.000 m2 để làm đường giao thông nội bộ cho các hộ trong đó có gia đình mình đã được UBND thành phố Yên Bái giảm trừ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không quản lý để bà Huệ và các hộ tự ý làm đường giao thông là không đúng quy định theo Luật xây dựng….
Quyền uy quá lớn của đảng viên Phạm Thị Thanh Trà ở Yên Bái
Sau kết luận thanh tra về ông Phạm Sỹ Quý, UBND tỉnh Yên Bái đã áp dụng hình thức kỷ luật “cảnh cáo”, cho thôi các chức vụ bí thư Đảng ủy, ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên – môi trường.
Đồng thời, cho ông Phạm Sỹ Quý thôi chức vụ giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường; điều động đến nhận công tác tại văn phòng HĐND tỉnh Yên Bái, đảm nhiệm chức vụ phó văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh.
Diễn biến ở đoạn tường thuật trên cho thấy chính quyền uy quá lớn của bà Phạm Thị Thanh Trà đưa đến các cấp dưới phải ‘vuốt mặt nể mũi’ cho chuyện quản lý đất đai đối với gia đình ‘sếp lớn’.
Sở dĩ gọi là ‘sếp lớn’ vì thời gian nêu trong kết luận Thanh tra Chính phủ thì bà Phạm Thị Thanh Trà giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái. Lúc công bố kết luận thanh tra thì bà Phạm Thị Thanh Trà còn giữ chức cao hơn nữa, đó là Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái.
Và bất ngờ khác nữa là đến ngày 28-9-2020, bà Phạm Thị Thanh Trà được sự tin cậy của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nhận quyết định giữ trọng trách “Phó Trưởng ban tổ chức Trung ương” để rồi đến 8-4-2021 giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Và rồi một lần nữa, khi ‘sếp chị’ về trung ương thì đến lượt mình, từ tháng 1-2019, ông Phạm Sỹ Quý chuyển về Hà Nội làm phó giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế thuộc Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam.
Bởi vậy nên mới có chuyện nhà dột từ nóc…
No comments:
Post a Comment