Monday, June 5, 2023

VinFast: Nhắm đến đứng trong tốp các hãng EV hàng đầu thế giới, luôn lắng nghe để hoàn thiện
VOA Tiếng Việt
05/06/2023
VOA

VinFast nói đã xuất khẩu tổng cộng hơn 2.800 xe hơi điện sang Bắc Mỹ.

“Chúng tôi giữ vững mục tiêu trở thành một trong những nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới” và “luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị”, đó là một phần trong những lời phản hồi từ công ty VinFast mà VOA mới nhận được sau hơn 2 tuần gửi câu hỏi đến hãng xe của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng.

Tỷ phú Vượng nói hôm 17/5 rằng VinFast nhắm mục tiêu thành hãng xe hơi điện (EV) “hàng đầu thế giới” và “không ngại” cạnh tranh với xe Trung Quốc. VOA cố liên lạc với hãng trong cùng ngày để tìm hiểu thêm nhưng không nhận được ngay những câu trả lời.

Ở cùng thời điểm, hai chuyên gia ô tô có hàng chục năm kinh nghiệm - tiến sĩ Trương Quí Hoàng Phương, thuộc hãng BMW ở Đức, và ông Trần Khắc Huy, với gần 30 năm kinh nghiệm về ngành ô tô ở Việt Nam - nhận định với VOA rằng tham vọng của VinFast gặp khó vì hãng còn phải khắc phục nhiều vấn đề về chất lượng.

Trong email gửi đến VOA hôm 2/6, trả lời cho câu hỏi “VinFast có lo ngại ra sao về vấn đề có thể đã bị chậm chân và không cạnh tranh nổi với xe Trung Quốc về chất lượng, giá cả?”, hãng VinFast đáp lại ngắn gọn rằng “chúng tôi không quan ngại về việc này” vì căn cứ vào đánh giá của hãng là “thị trường xe điện còn rất tiềm năng, miếng bánh quá lớn để cho tất cả các hãng khai thác”.

Thị trường xe điện còn rất tiềm năng, miếng bánh quá lớn để cho tất cả các hãng khai thác nên chúng tôi không quan ngại vê việc này [cạnh tranh với xe TQ].
Phản hồi của VinFast

Như VOA đã đưa tin, vào ngày 17/5, ông Vượng, Chủ tịch Vingroup, tập đoàn mẹ của VinFast, nói ví von trong một cuộc họp cổ đông rằng xe VinFast và xe Trung Quốc giống như "nước sông không phạm nước giếng" và việc các xe này cạnh tranh với nhau ở Việt Nam là điều “bình thường, vui vẻ thoải mái".

Tuy nhiên, nói với VOA ở thời điểm đó, chuyên gia Trương Quí Hoàng Phương cho rằng hãng xe của tỷ phú giàu nhất Việt Nam ở thế thua và chậm chân hơn các hãng Trung Quốc, cụ thể là trong phân khúc xe nhỏ hạng A.

“Bây giờ mới tuyên bố VinFast chạy theo sau thì cái đó ông bị thua thiệt. Nếu làm xe bình dân, xe rẻ, chắc chắn VinFast sẽ lỗ vì họ toàn thuê mướn cả, nên giá thành phát triển xe rất là cao. Ở phân khúc A này, tôi không nghĩ VinFast cạnh tranh lại được với xe Trung Quốc”, tiến sĩ Phương nói.

Do VinFast phải thuê các đối tác sản xuất hầu hết các bộ phận xe nên sẽ khó có thể đạt được mức giá cực rẻ, hay nói cách khác sẽ phải chịu lỗ mới có mức giá cạnh tranh với các hãng Trung Quốc vốn đã tự phát triển xe của chính họ, có kinh nghiệm và chất lượng “không tệ”, vẫn vị tiến sĩ ở Đức đưa ra phân tích và nêu lên câu hỏi “Họ có làm được hay không, họ có chịu lỗ nổi hay không?”.

Tiến sĩ Phương, chuyên gia kỳ cựu của BMW, bình luận rằng việc phải tung ra xe hạng A trong giai đoạn này sẽ buộc VinFast phải căng mình hơn nữa, có nguy cơ làm trầm trọng thêm các vấn đề về chất lượng đã xảy ra với các mẫu xe hiện có, đã bị báo chí Mỹ nêu lên và chỉ trích từ năm ngoái đến năm nay.

Ông Phạm Nhật Vượng (giữa) tại đại hội cổ đông của Vingroup, 17/5/2023, ở Hà Nội.
Ông Phạm Nhật Vượng (giữa) tại đại hội cổ đông của Vingroup, 17/5/2023, ở Hà Nội.

Khi được VOA đề nghị đưa ra bình luận về việc nhiều báo Mỹ nói xe VF 8 City Edition có các lỗi do hãng đẩy nhanh quy trình sản xuất, VinFast khẳng định trong email hôm 2/6 rằng mẫu xe VF 8 đã vượt qua các bài kiểm thử an toàn theo chuẩn FMVSS (Tiêu chuẩn cấp liên bang về an toàn của xe cơ giới) của NHTSA (Cục An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ).

“VF 8 cũng đã đạt 5 sao – mức cao nhất trong đánh giá an toàn của Chương trình đánh giá xe mới cho các nước Đông Nam Á (ASEAN NCAP), khẳng định sự nghiêm túc trong việc phát triển sản phẩm của VinFast”, hãng nói thêm và chỉ ra rằng “VF 8 cũng có chính sách bảo hành tốt nhất thị trường: 10 năm/125.000 dặm cho xe và 10 năm (không giới hạn số dặm) cho pin, cùng các dịch vụ hậu mãi vượt trội, giúp mang đến sự an tâm cho khách hàng trong quá trình sử dụng”.

Chúng tôi luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị để kịp thời nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm. Và đó sẽ là quá trình liên tục để luôn đảm bảo khách hàng có trải nghiệm tốt nhất có thể!
VinFast trả lời VOA

Vẫn lời phản hồi của hãng gửi đến VOA nói tiếp: “Mặc dù cốt lõi của sản phẩm là độ an toàn đã được chứng nhận, chúng tôi cũng hiểu rằng VinFast không chỉ bán ô tô mà còn là ô tô công nghệ. Và như nhiều sản phẩm công nghệ cao khác, ô tô công nghệ cũng có thể phát sinh một số lỗi trong quá trình vận hành. Chúng tôi luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị để kịp thời nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm. Và đó sẽ là quá trình liên tục để luôn đảm bảo khách hàng có trải nghiệm tốt nhất có thể!”

Câu trả lời kể trên được hãng đưa ra sau khi Tổng Giám đốc Điều hành (CEO) Nguyễn Vân Anh của VinFast ở Bắc Mỹ nói trong một bản tin của trang Automotive News cách đây hơn 2 tuần, hôm 18/5, rằng hãng sẽ tung ra 3 mẫu xe nữa ở Mỹ và bà dường như đề cập đến các bài báo đánh giá tiêu cực về VF 8, gọi chúng là “noise”, tạm dịch là “tiếng ồn gây nhiễu”.

Bà Vân Anh được trích lời nói rằng: “Khi ta toàn tâm toàn ý với kế hoạch của mình và có các điều kiện để thực hiện kế hoạch, thì cứ làm thôi thay vì nghe ngóng tiếng ồn gây nhiễu”.

Vẫn nữ CEO nhận xét: “Thị trường Bắc Mỹ có rất nhiều điều kiện để chúng tôi tung ra thương hiệu ở đây và đưa nó thành thị trường quan trọng nhất đối với chúng tôi”.

Theo Automotive News, các phát biểu của bà Vân Anh được đưa ra trong một buổi gặp gỡ báo chí ở San Diego. Tin cho hay, bà tự tin nói về hãng: “Khi người ta biết về chúng tôi, biết chúng tôi là ai, biết về sản phẩm của chúng tôi, tôi nghĩ họ sẽ thích. Sẽ có thêm các khoản đặt cọc và các đơn hàng khi sự nhận thức về thương hiệu ở mức cao hơn tại thị trường này, khi người ta biết nhiều hơn về chúng tôi”.

Sản phẩm của họ nhiều lỗi như thế là điều hiển nhiên. Có nhiều cái không thể giải quyết bằng ý chí mà kỹ thuật cần phải có thời gian, nhất là công nghệ xe hơi cần rất nhiều thử nghiệm.
Tiến sĩ Trương Quí Hoàng Phương

Cũng trích dẫn bà Vân Anh, chuyên trang tin tức về ô tô Jalopnik bình luận hôm 18/5 rằng hãng VinFast có sự tự tin thái quá vào xe của họ trong bối cảnh các cây viết chuyên về xe hơi ở Mỹ đã có một loạt những đánh giá nặng lời về VF 8.

Jalopnik cho rằng lẽ ra hãng cần tạm dừng, xem xét lại kế hoạch giới thiệu xe sắp tới và có những điều chỉnh cho các xe VF 6, VF 7 và VF 9 để chúng thực sự cạnh tranh được ở Mỹ. “Nhưng với thái độ này, điều đó xem ra ít có khả năng sẽ diễn ra”, Jalopnik đưa ra quan sát.

Bà Vân Anh CEO của VinFast ở Bắc Mỹ
Bà Vân Anh CEO của VinFast ở Bắc Mỹ

Ngay từ thời điểm cách đây hơn 2 tuần, VOA đã liên lạc với VinFast để hỏi các vấn đề nêu trên sẽ ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu của hãng là vươn lên thành một trong những hãng EV hàng đầu thế giới và hãng có các biện pháp gì để khắc phục.

Chúng tôi giữ vững mục tiêu trở thành một trong những nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới.
VinFast nói với VOA

Trong email hồi âm hôm 2/6, VinFast nói: “Chúng tôi giữ vững mục tiêu trở thành một trong những nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới. Những vấn đề nêu trên là đương nhiên phải có của bất cứ hãng xe công nghệ nào, chỉ có điều khác biệt là chúng tôi có tốc độ rất cao khi xử lý các lỗi (vá lỗi) phát sinh và đây sẽ là cơ sở để chúng tôi kiên định với mục tiêu của mình”.

VinFast không nói cụ thể hơn về tốc độ và hiệu quả của việc xử lý lỗi, hay tương quan của những điều đó so với các hãng khác. Trong khi đó, theo quan sát của VOA, kể từ khi VF 8 được giao xe ở Việt Nam đến nay, vẫn có nhiều người đăng bài, ảnh và video trên mạng xã hội về các lỗi của xe như màn hình trung tâm không hoạt động, điều hòa không mát, xe không khởi động được, v.v…

Việc kiểm soát chất lượng, kiểm tra sản phẩm trước khi ra thị trường có vẻ VinFast đang đốt cháy giai đoạn, họ đang quá vội vàng.
Chuyên gia Trần Khắc Huy

Ở thị trường Mỹ, chỉ 1 tuần sau khi CEO Vân Anh có những phát biểu tự tin, lỗi màn hình của VF 8 được xác nhận chính thức hôm 25/5 với việc Cục NHTSA đăng thông báo cho hay VinFast triệu hồi những chiếc xe đầu tiên bán ở Mỹ để sửa lỗi phần mềm khiến màn hình trung tâm không hoạt động, một vấn đề có liên quan tới an toàn của xe.

Với bề dày kinh nghiệm chuyên môn hàng chục năm tại BMW, một hãng có uy tín lâu đời ở Đức, tiến sĩ Trương Quí Hoàng Phương nhìn vào hãng xe Việt Nam mới làm xe hơi điện trong khoảng hơn 3 năm nay và đưa ra đánh giá với VOA:

“Họ vừa học vừa làm, chẳng có kinh nghiệm gì, họ tìm cách giải quyết lỗi kiểu giật gấu vá vai thôi vì thiết kế có nhiều vấn đề mà người ta không chú ý ngay từ đầu để có sản phẩm bền vững”.

Đi sâu phân tích, ông Phương chỉ ra rằng các đối tác mà VinFast thuê chỉ là các trung tâm thiết kế, chưa hề làm xe đại trà bao giờ, không phải là các nhà chế tạo xe hơi thực thụ. Các trung tâm này không nắm được chiến lược, bí quyết, nghệ thuật làm toàn bộ một chiếc xe, nên xe của họ thiết kế cho VinFast bị nhiều lỗi mà ngay cả những người thiết kế đó cũng chưa từng biết đến.

Tay lái và dàn điều khiển của xe VF8 (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Tay lái và dàn điều khiển của xe VF8 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Thứ hai là kinh nghiệm làm xe truyền thống thực sự có ích và rút ngắn thời gian làm xe điện. Ngược lại, các hãng chỉ chuyên chế tạo xe điện, kể cả Tesla, phải mày mò rất nhiều năm tháng. VinFast mới chỉ hoạt động từ cuối năm 2017 và bắt đầu sản xuất EV từ năm 2020 nên không thể tránh khỏi việc gặp các sự cố, tiến sĩ Phương khẳng định.

Tham gia cuộc chơi muộn nên hãng bị “thiếu thời gian” và “nôn nóng”, đó là nguyên nhân thứ ba và cũng là một trở ngại lớn, ông Phương nói:

“Sản phẩm của họ nhiều lỗi như thế là điều hiển nhiên. Có nhiều cái không thể giải quyết bằng ý chí mà kỹ thuật cần phải có thời gian, nhất là công nghệ xe hơi cần rất nhiều thử nghiệm. Mình bán hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn chiếc đều phải như nhau, hoặc tỷ lệ lỗi phải cực thấp”.

...khi mà đưa ra một sản phẩm mà không đủ chất lượng, không được test một cách kỹ càng và để xảy ra nhiều lỗi thì đương nhiên ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng rồi.
Ông Trần Khắc Huy

Một chuyên gia ô tô khác, ông Trần Khắc Huy, người có gần 30 năm công tác trong ngành, bao gồm kinh nghiệm làm giám đốc kỹ thuật cho Lamborghini và Bentley ở Việt Nam, có chung quan điểm. Ông Huy nói với VOA:

“Việc kiểm soát chất lượng, kiểm tra sản phẩm trước khi ra thị trường có vẻ VinFast đang đốt cháy giai đoạn, họ đang quá vội vàng. Bằng chứng là mọi người đều thấy xe ở Việt Nam bị lỗi rất nhiều, thường xuyên phải cập nhật phần mềm mới. Về phần cứng, model này lắp đồ của model kia, có thể thấy khá rõ ràng”.

Tình hình như vậy giáng đòn mạnh vào tên tuổi của hãng, ông Huy nhận định và nói thêm: “Quá là rõ ràng trên thị trường, khi mà đưa ra một sản phẩm mà không đủ chất lượng, không được test một cách kỹ càng và để xảy ra nhiều lỗi thì đương nhiên ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng rồi”.

Về việc khắc phục lỗi, chuyên gia Trần Khắc Huy e rằng VinFast sẽ không xoay sở kịp thời: “Có lỗi có thể xử lý được khá nhanh như cập nhật phần mềm. Nhưng những lỗi liên quan đến thiết kế, cảm giác lái, hệ thống treo… phần cứng ấy, theo tôi, trong 6 tháng đến 1 năm VinFast khó có thể làm hài lòng các khách hàng có trải nghiệm không tốt về sản phẩm”.


    No comments:

    Post a Comment